Thanh Hóa: Đảm bảo thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội
Chiều 13/4, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh; các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản và thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2023".
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan, Văn phòng UBND tỉnh.
Ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Ngày 3/4/2023, tại Quyết định số 338/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2023".
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan quán triệt tập trung thực hiện các nội dung, công việc để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.
Đối với việc thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tại Thanh Hóa những năm qua tỉnh đã phê duyệt các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở toàn tỉnh, trong đó nhà ở xã hội được đặc biệt quan tâm, ban hành riêng Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội tỉnh giai đoạn 2017-2020 và thường xuyên điều chỉnh, bổ sung kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư cũng như tận dụng các khu vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sẵn có để thúc đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 10 dự án được hoàn thành với 6.381 căn hộ, 11 dự án đang triển khai với 8.440 căn hộ. Mục tiêu thực hiện toàn đề án là 13.700 căn hộ, trong đó giai đoạn 2022-2025 hoàn thành 6.300 căn hộ; giai đoạn 2026-2030 hoàn thành 7.400 căn hộ.
Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp để cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch để tham mưu, triển khai Đề án "Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp" đảm bảo thực hiện đạt và vượt mức so với kế hoạch đề ra. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở để tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã thông tin về một số vấn đề, chính sách ưu đãi, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại.
Trong đó, chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn từ 1,5 đến 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án theo đúng tiến độ và kế hoạch đã đề ra, nhất là đối với các dự án nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng hiện đang được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung tham gia xây dựng nội dung của kế hoạch để triển khai Đề án. Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện kế hoạch thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội để trình UBND tỉnh xem xét, ban hành.
Về giải pháp tổ chức triển khai, thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đối với các sở, ban, ngành, tiếp tục rà soát, nhận diện các tồn tại, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp; trước hết tập trung sửa đổi ngay các văn bản quy phạm đảm bảo đồng bộ, thông thoáng, phân cấp triệt để, rút ngắn các thủ tục hành chính...
Bổ sung quy định quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân theo hướng khi lập, phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của khu công nghiệp để làm nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, tách đối tượng công nhân thành một đối tượng riêng bao gồm: công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là khu công nghiệp) và doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp; có cơ chế chính sách riêng để phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân thuê.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, theo chức năng, nhiệm vụ tham gia vào nội dung, kế hoạch triển khai đề án; đồng thời, chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để các doanh nghiệp, người dân thuộc đối tượng được thụ hưởng biết và thực hiện.
Các địa phương phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn./.
Yến HoàngTrong kỳ điều hành ngày mai (19/9), giá xăng dầu trong nước được dự báo biến động trái chiều. Cụ thể, giá xăng có thể tăng khoảng 150-300 đồng/lít, còn dầu diesel có thể giảm khoảng 100-200 đồng/lít.