Thanh Hóa: Dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ về thành lập doanh nghiệp mới
Dù trong "bảng xếp hạng" thành lập doanh nghiệp mới của cả nước, tỉnh Thanh Hóa từ vị trí thứ 6 năm 2022 đã tụt xuống vị trí thứ 8, tuy nhiên tại khu vực Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa vẫn giữ được vị trí quán quân với hơn 2.900 doanh nghiệp thành lập mới.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 14/11/2023, toàn tỉnh có 2.927 doanh nghiệp thành lập mới, bao gồm: 2.502 công ty trách nhiệm hữu hạn, 412 công ty cổ phần, 13 doanh nghiệp tư nhân.
Trong đó, khu vực các huyện đồng bằng và thành phố Thanh Hóa thành lập mới 1.993 doanh nghiệp, bằng 92,7% kế hoạch; khu vực các huyện ven biển 652 doanh nghiệp, đạt 109,6% kế hoạch; khu vực các huyện miền núi 282 doanh nghiệp, đạt 110,6% kế hoạch; có 04 địa phương (gồm: thị xã Bỉm Sơn, các huyện: Thiệu Hóa, Hậu Lộc, Ngọc Lặc) có số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lớn, gồm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy là 846 doanh nghiệp, chiếm 29,7%; xây dựng là 569 doanh nghiệp, chiếm 20%; công nghiệp chế biến, chế tạo là 401 doanh nghiệp, chiếm 14,1%.
Các doanh nghiệp thành lập mới quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng có 2.627 doanh nghiệp, chiếm 92,3%; quy mô vốn từ trên 10 - 20 tỷ đồng có 108 doanh nghiệp, chiếm 3,8%; quy mô vốn từ trên 20 - 50 tỷ đồng có 69 doanh nghiệp, chiếm 2,4%; quy mô vốn từ trên 50 - 100 tỷ đồng có 26 doanh nghiệp, chiếm 0,91%; quy mô vốn từ trên 100 tỷ đồng có 17 doanh nghiệp, chiếm 0,6%.
Các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự kiến tạo việc làm cho khoảng 32.261 lao động, giảm 1,5 lần so với cùng kỳ; trong đó có 2.708 doanh nghiệp quy mô lao động đăng ký từ 10 lao động trở xuống, chiếm 95,1%; có 119 doanh nghiệp đăng ký trên 10 lao động đến 50 lao động, chiếm 4,2%; có 20 doanh nghiệp đăng ký từ 50 đến 100 lao động, chiếm 0,7%.
Với con số ấn tượng như trên, hiện tại tỉnh Thanh Hóa đang đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, đạt 97,6% kế hoạch năm, giảm 7,3% so với cùng kỳ; tổng vốn điều lệ đăng ký 17.739 tỷ đồng, bình quân vốn điều lệ đăng ký đạt 6,1 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2023 tỉnh Thanh Hóa cũng có tới 1.112 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 5% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Thanh Hóa có 813 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, giảm 26,9% so với cùng kỳ (giảm 125 doanh nghiệp). Có 278 doanh nghiệp thông báo chờ thủ tục giải thể, tăng 56,2% so với cùng kỳ (tăng 100 doanh nghiệp); trong đó có 190 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 65,2% so với cùng kỳ (tăng 75 doanh nghiệp). Tổng thu ngân sách nhà nước từ khu vực doanh nghiệp năm 2023 ước đạt 7.464 tỷ đồng, chiếm 32,5% tổng thu nội địa, bằng 121,1% dự toán và giảm 2% so với cùng kỳ.
Để khắc phục tình trạng này, trong năm năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa đã phối hợp với UBND cấp huyện và các đơn vị chức năng tổ chức 145 lớp đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho 7.256 học viên; kịp thời tham mưu, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay, đã có 8/27 huyện, thị xã, hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu phát triển doanh nghiệp năm 2023.
Việc phát triển doanh nghiệp tại Thanh Hóa vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhìn chung số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ. Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu sẽ có trên 3.000 doanh nghiệp thành lập mới. Để hoàn thành được mục tiêu này, các ngành, các địa phương của tỉnh Thanh Hóa đang tập trung rà soát, đánh giá lại tình hình phát triển doanh nghiệp; triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Yến HoàngSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.