Thanh Hoá: Đạt và vượt kế hoạch 20/26 chỉ tiêu trong năm 2023
Năm 2023, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do tác động suy thoái kinh tế thế giới, song kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Thanh Hóa vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2023, toàn tỉnh có 20/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng khá, ước đạt 7,01% và đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước.
Dấu ấn nổi bật mà Thanh Hóa đạt được trong năm 2023 là các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đều phát triển toàn diện và vượt mục tiêu kế hoạch. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 4,87%; có 15/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ.
Với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,69% (năm 2021: 9,44%, năm 2022: 12,4%, năm 2023: 7,29%), Thanh Hóa đã đứng thứ 5 cả nước và thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.
Quy mô GRDP năm 2023 của Thanh Hóa ước đạt 279.074 tỉ đồng - gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất trong các tỉnh, thành khu vực Bắc Trung Bộ cũng như các địa phương duyên hải miền Trung.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thanh Hóa tăng cao, 3 năm 2021 - 2023 ước đạt 132.418 tỉ đồng, vượt dự toán trung ương giao hằng năm. Trong đó, năm 2022 đạt 51.173 tỉ đồng - cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước. Thu ngân sách bình quân hằng năm ước đạt 11,3%, cao hơn mục tiêu của nghị quyết.
Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 của Thanh Hóa ước đạt trên 409.000 tỉ đồng. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.
Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của Thanh Hóa đạt 3,85%, cao hơn mục tiêu 3% mà nghị quyết đã đề ra; sản lượng lương thực bình quân hằng năm khoảng 1,59 triệu tấn, đạt mục tiêu. Sản xuất nông nghiệp chuyển dần sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; lấy nông dân làm trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm" (OCOP) ở Thanh Hóa đạt kết quả tích cực. Ước tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (48,15%). Trong đó, 363 xã đạt chuẩn nông thôn mới (78,1%), 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tính đến ngày 30/11/2023, toàn tỉnh có 445 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm: 388 sản phẩm hạng 3 sao; 56 sản phẩm hạng 4 sao; 01 sản phẩm 5 sao của 331 chủ thể OCOP (72 doanh nghiệp, 100 HTX, 9 tổ hợp tác, 150 hộ sản xuất, kinh doanh), trên địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố.
Sản xuất công nghiệp ở Thanh Hóa vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 15,41%/năm. Trong đó, 20/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng năm 2023 tăng so với năm 2020; một số sản phẩm có sản lượng trong nhóm đầu của cả nước như: lọc hóa dầu, xi măng, thép... Toàn tỉnh hiện có 189 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang 53 quốc gia và vùng lãnh thổ với 55 loại hàng hóa.
Những kết quả đạt được đã khẳng định sự nỗ lực cố gắng rất lớn của cấp uỷ đảng, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá. Đây là niềm tin, là động lực để toàn tỉnh tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu trong những năm tới, phấn đấu về đích nhiệm kỳ 2020 – 2025 như kế hoạch Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã đề ra.
Yến HoàngFestival Hoa Mê Linh lần thứ 2, năm 2024 tiếp tục được tổ chức với chủ để "Mê Linh rực rỡ sắc hoa" sẽ được tổ chức trong 4 ngày, dự kiến từ ngày 26/12/2024 đến hết ngày 29/12/2024, tại Quảng trường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh.