Thanh Hóa: Đầu tư 17.645 tỷ đồng vào chăn nuôi công nghệ cao

Địa phương
03:11 PM 13/05/2025

Tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chăn nuôi, tạo thành chuỗi cung ứng, liên kết vùng, góp phần quan trọng vào sự chuyển mình của ngành nông nghiệp địa phương. Với tầm nhìn chiến lược và sự đầu tư mạnh mẽ, Thanh Hóa đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm chăn nuôi công nghệ cao của khu vực Bắc Trung Bộ.

Thanh Hóa: Đầu tư 17.645 tỷ đồng vào chăn nuôi công nghệ cao- Ảnh 1.

Trang trại gà được chứng nhận an toàn dịch bệnh của Công ty CP 3F Việt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa, quy mô 20 dãy chuồng, công suất 2,4 triệu con một năm. Ảnh: Quốc Toản

Với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho chăn nuôi.

Từ năm 2020 đến nay, Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 40 dự án chăn nuôi quy mô lớn, với tổng mức đầu tư đạt khoảng 17.645 tỷ đồng. Các dự án này bao gồm 32 trang trại chăn nuôi lợn, 3 trang trại chăn nuôi bò và 5 trang trại chăn nuôi gia cầm, với quy mô công suất 92.550 lợn nái, 1.089.000 lợn thịt/năm, 234.000 lợn con, 59.000 con vịt giống (sản xuất 7 triệu vịt con/năm), 937.000 con gà thịt/lứa và 105.000 vịt thịt/lứa.

Trong đó, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như: Công ty chăn nuôi C.P, CJ, Japfa Comfeed, Golden, Mavin, Newhope, Vinamilk, TH True Milk, Dabaco, Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia, 3FViet... Sự tham gia của các doanh nghiệp này đã hình thành các chuỗi chăn nuôi gia công, đem lại hiệu quả cho người chăn nuôi khi tham gia vào chuỗi liên kết.

Điều này đã mang lại những kết quả thực sự ấn tượng. Trong giai đoạn 2021-2024, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi hằng năm ước đạt 5,95%, cao hơn so với mục tiêu kế hoạch 5%. Riêng năm 2024, tốc độ tăng trưởng đạt 6,7%, cao nhất từ trước đến nay. Trong quý I năm 2025, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt 2.508 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng VA ước đạt 4%.

Thanh Hóa: Đầu tư 17.645 tỷ đồng vào chăn nuôi công nghệ cao- Ảnh 2.

Trang trại bò sữa của Tập đoàn TH True MILK.

Tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu cả nước với 27,6 triệu con gia cầm (trong đó: đàn gà ước đạt 22,6 triệu con; đàn thủy cầm 4,65 triệu con; 350 nghìn con gia cầm khác), 1,28 triệu con lợn (trong đó, đàn lợn nái ngoại đạt 90 nghìn con), 121,2 nghìn con trâu (tỷ lệ lai hóa đàn trâu ước đạt 18%), 221,2 nghìn con bò (trong đó đàn bò sữa đạt 17 nghìn con, sản lượng năng suất sữa 30 lít/con/ngày). Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 84,5 nghìn tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 81,2 triệu quả, sản lượng sữa đạt 18,5 nghìn tấn.

Theo kế hoạch và chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đến năm 2030 phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng để phát triển chăn nuôi toàn diện, theo hướng tập trung, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất hữu cơ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường liên kết, hợp tác trong chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị có khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng ngành chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại, đảm bảo an toàn sinh học và thân thiện với môi trường, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến, khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh truyền nhiễm.

Để tiếp tục phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, Thanh Hóa đã quy hoạch phát triển các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, cụ thể: Vùng chăn nuôi lợn hướng nạc, vùng chăn nuôi bò sữa, vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, theo đúng tinh thần Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị và Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2045.

Thanh Hóa: Đầu tư 17.645 tỷ đồng vào chăn nuôi công nghệ cao- Ảnh 3.

Trang trại lợn của Tập đoàn DABACO tại xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.085 trang trại, 739.350 hộ chăn nuôi; trong đó: chăn nuôi lợn có 582 trang trại (chiếm 55% tổng đàn) và 88.070 hộ chăn nuôi; chăn nuôi gia cầm có 420 trang trại chăn nuôi (chiếm 35% tổng đàn) và 481.024 hộ chăn nuôi; chăn nuôi trâu, bò có 83 trang trại chăn nuôi trâu, bò (chiếm 15% tổng đàn) và 170.256 hộ chăn nuôi.

Chú trọng tích tụ, tập trung đất đai để phát triển chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, đã tích tụ được 4,6 nghìn ha, đạt 51,1% so với mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/1/2019. Mục tiêu đến năm 2025, thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đạt 9 nghìn ha.

Hiện nay, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các chủ trang trại tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng quản trị kinh doanh; chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản với chủ trang trại để nâng cao hiệu quả kinh tế cho các trang trại.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi đã mang lại nhiều lợi ích, như nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Các trang trại chăn nuôi hiện đại được trang bị hệ thống cho ăn, uống tự động, hệ thống điều hòa nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống xử lý chất thải tiên tiến...

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn