Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn

Địa phương
11:42 AM 03/04/2023

Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trên địa bàn cả nước ban hành Nghị quyết về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn công nghệ cao, trong đó mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tích tụ thêm 32.000 ha để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, ngày 11/01/2019 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 13 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các địa phương trên địa bàn Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết, áp dụng các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tích cực tích tụ đất đai để phát triển sản xuất tập trung, mở rộng quy mô gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trên địa bàn cả nước ban hành Nghị quyết về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn công nghệ cao. Nghị quyết 13 đề ra mục tiêu chung là đẩy mạnh tích tụ đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tích tụ thêm 32.000 ha để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác tập trung, tích tụ ruộng đất quy mô lớn - Ảnh 1.

Thông qua Nghị quyết số 13 của Ban Thường vụ tỉnh ủy, nhiều giải pháp đã được đề ra. Trong đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 192 ngày 16/10/2019 về cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai. Chính sách hỗ trợ một phần kinh phí thuê đất, chuyển nhượng đất để khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn công nghệ cao đối với lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Điều này đã tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất sản xuất tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết giữa cây trồng với vật nuôi gắn với thị trường tiêu thụ.

Nhiều địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần và lúa thương phẩm tại huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống, Quảng Xương… tăng hiệu quả kinh tế từ 1,2 đến 1,5 lần so với sản xuất thông thường; tích tụ đất để trồng cây ăn quả có múi, tại huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân,… cho thu nhập 500 triệu đồng/ha, lợi nhuận 350 triệu đồng/ha. Tại nhiều địa phương đã hình thành các vùng trồng rau màu hàng hóa, góp phần gia tăng giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác, tạo thuận lợi cho người dân trong tiêu thụ sản phẩm.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác tập trung, tích tụ ruộng đất quy mô lớn - Ảnh 2.

Với mục tiêu xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng chuyên canh để thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao, thời gian qua, huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai bằng các hình thức chuyển nhượng, thuê hoặc cho thuê quyền sử dụng đất hay góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp, HTX để phát triển sản xuất, tạo ra những vùng sản xuất quy mô lớn; đồng thời, lựa chọn đối tượng, cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế và phương thức sản xuất phù hợp.

Tính đến hết tháng 7/2022, toàn huyện đã tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao được 527,4 ha. Việc xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đã và đang góp phần thay đổi tư duy, nâng cao trình độ sản xuất của người dân, hiệu quả kinh tế được nâng lên từ 15 đến 20% so với sản xuất nhỏ lẻ. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa, hầu hết các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn trên địa bàn đạt trung bình khoảng từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm.

Để triển khai hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 13, cùng với xây dựng kế hoạch thực hiện, huyện Nông Cống đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, huyện Nông Cống đã tích tụ dược trên 2000 ha đất gắn với sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.     

Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác tập trung, tích tụ ruộng đất quy mô lớn - Ảnh 3.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đã khắc phục được tình trạng ruộng đất bị bỏ hoang khi người dân chuyển sang làm công nhân trong các công ty, nhà máy.

Ba năm nay, 130 ha ruộng lúa của hơn 400 hộ dân của xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương đã được Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thuê lại để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Việc sản xuất tập trung, đã giúp Hợp tác xã tiết kiệm các chi phí, tăng năng suất, đồng thời góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực cho địa phương. 

Ông Phạm Văn Tuyên, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương cho biết: Việc sản xuất tập trung, ứng dụng cơ giới đồng bộ, nên việc cấy, chăm sóc, thu hoạch đều được làm bằng máy, doanh nghiệp lại thu mua tại bờ, nên người nông dân vừa đỡ công, hiệu quả kinh tế lại cao hơn.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác tập trung, tích tụ ruộng đất quy mô lớn - Ảnh 4.

Để công tác này mang lại hiệu quả thiết thực, UBND huyện Quảng Xương đã ban hành kế hoạch cụ thể, UBND huyện đã có các cuộc họp triển khai chủ trương đến UBND các xã, thị trấn và nhiều HTX. Đồng thời trực tiếp chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, đặc biệt là ngành nông nghiệp và tài nguyên - môi trường, rà soát, định hướng, hình thành vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực và có lợi thế ở các xã, thị trấn...

Đến nay, huyện Quảng Xương đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến như: vùng nguyên liệu sản xuất tập trung lúa gạo chất lượng cao, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, có quy mô trên 550 ha ở các xã Quảng Văn, Quảng Hòa, Quảng Hợp, Quảng Ngọc..., lợi nhuận tăng thêm 15% và được các công ty bao tiêu sản phẩm; vùng sản xuất rau an toàn tập trung VietGAP trên 40 ha ở các xã Quảng Lưu, Quảng Hợp, Quảng Lộc, Quảng Yên, thị trấn Tân Phong; vùng sản xuất khoai tây, ớt, ngô ngọt... với lợi nhuận tăng thêm so với sản xuất đại trà từ 40% trở lên. Năm 2023 này, huyện Quảng Xương đặt mục tiêu tích tụ thêm 310 ha trở lên.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác tập trung, tích tụ ruộng đất quy mô lớn - Ảnh 5.

Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 192 của Hội đồng nhân dân tỉnh, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao của Thanh Hóa đạt trên 43.800 ha (tăng trên 33.350 ha so năm 2018). Tính riêng giai đoạn từ 2021 - nay, tổng diện tích tích tụ đạt trên 17.140 ha,vượt trên 53% so với Kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Để việc tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao được triển khai đạt hiệu quả cao hơn, cùng với triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục tham mưu xây dựng các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao theo chuỗi giá trị, tạo thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trên cơ sở đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo nhu cầu thị trường, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Thúc đẩy quá trình lưu chuyển, tích tụ - tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, hệ thống kết hợp chặt chẽ giữa HTX và các doanh nghiệp. Tích tụ - tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa phải theo những mô hình phù hợp, gắn và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, nhất là lợi ích của hàng triệu hộ nông dân, chứ không chỉ vì lợi ích của những chủ thể và doanh nghiệp được tích tụ - tập trung ruộng đất với quy mô lớn.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024 Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024

Tối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.