Thanh Hóa: Đẩy mạnh liên kết sản xuất rau màu vụ đông theo hướng hàng hóa
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đang tập trung đẩy mạnh sản xuất vụ đông, với diện tích gieo trồng được gần 45 nghìn ha cây; trong đó có nhiều diện tích được liên kết sản xuất, hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và người dân.
Nét mới vụ đông năm nay đó là các địa phương vùng cao đã tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, định hướng quy mô sản xuất và bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng. Mở rộng diện tích sản xuất các loại cây thuận tiện trong vận chuyển và bảo quản lâu dài, như khoai tây, khoai lang, cà chua, su hào, củ cải...; thực hiện luân canh, xen canh, rải vụ các loại rau ăn lá, tăng cường đầu tư chăm sóc để nâng cao năng suất, đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa trong thời gian chính vụ. Cùng với đó, huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để thực hiện hỗ trợ sản xuất; đồng thời khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư sản xuất vụ đông, liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Để khắc phục những khó khăn do thời tiết, các loại cây trồng ưa ấm đã hết khung lịch thời vụ, các địa phương đã nỗ lực mở rộng diện tích cây rau màu ngắn ngày, cây ưa lạnh đáp ứng nhu cầu tiêu dụng của người dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, đồng thời tăng cường liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Các hình thức liên kết sản xuất vụ đông ở Thanh Hóa chủ yếu là doanh nghiệp trực tiếp thuê đất, mượn đất thời vụ để tự tổ chức sản xuất, hoặc liên kết sản xuất với người dân. Nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất, chủ động cung ứng giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật và thu mua sản phẩm cho người dân. Thông qua liên kết sản xuất, nhiều diện tích sản xuất vụ đông ở các huyện: Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương... cho thu nhập từ 200 - 230 triệu đồng/ha.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, diện tích liên kết sản xuất theo hợp đồng chiếm khoảng từ 20-50% tổng diện tích cây trồng vụ đông của các địa phương. Ngoài ra, nhiều sản phẩm cây trồng vụ đông sản xuất theo hướng hàng hóa mặc dù không ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhưng cũng được thương lái thu mua tại ruộng. Nhờ đó, không còn tình trạng ùn ứ nông sản, giá các loại cây trồng tương đối ổn định.
Sản xuất vụ đông thường phải đối mặt với nhiều khó khăn, do thời tiết diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đây vẫn là vụ sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu 47.000 ha vụ Đông 2024 - 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đề nghị các địa phương cần tiếp tục lựa chọn các cây trồng đang còn thời vụ, có thị trường tiêu thụ rộng rãi.
Trong điều kiện thời tiết không cho phép, cần phải tăng cường giải pháp về áp dụng công nghệ cao, các tiêu chuẩn sản xuất an toàn. Đồng thời, tập trung chăm sóc cây trồng vụ Đông trên diện tích đã gieo trồng, thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh bảo vệ cây trồng kịp thời, hiệu quả; tổ chức đồng bộ, hiệu quả, thiết thực các biện pháp chỉ đạo về quản lý sức khỏe đất trồng trọt, đáp ứng mục tiêu phát triển sản xuất trồng trọt bền vững.
Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất và chất lượng, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn và bền vững là mục tiêu lớn của tỉnh Thanh Hóa. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền Thanh Hóa đã cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện, tạo ra vùng cây rau màu chất lượng. Từ đó, tạo bước đột phá, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích cũng như hình thành những cánh đồng chuyên canh cho thu nhập cao.
Yến HoàngTheo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.