Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, kiến tạo giá trị bền vững

Địa phương
06:44 AM 24/07/2025

Với lợi thế về thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng cùng kho tàng di sản văn hóa phong phú, Thanh Hóa đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến tiềm năng trong hành trình phát triển du lịch xanh - xu hướng tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi xanh toàn cầu.

Thời gian qua, ngành du lịch Thanh Hóa đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trên bản đồ du lịch quốc gia. Minh chứng sinh động nhất là những con số thống kê về số lượng du khách "đổ về" xứ Thanh và doanh thu từ ngành "công nghiệp không khói" mang lại. 

Trong đó, việc thúc đẩy du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa, văn hóa cộng đồng đã và đang là hướng đi đúng đắn, góp phần lan tỏa và kết nối các giá trị, nhanh chóng "bắt nhịp" xu hướng, thể hiện quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, kiến tạo giá trị bền vững- Ảnh 1.

Du lịch Thanh Hóa tiếp tục tăng trưởng ấn tượng cả về doanh thu và lượng khách đến.

Có thể nói, Thanh Hóa là một trong các địa phương hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch xanh. Nơi đây có diện tích rộng lớn, đủ 3 vùng địa lý: Vùng núi và trung du, ven biển, đồng bằng, được tạo hóa ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, hệ thống di tích thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa. 

Những năm gần đây, Thanh Hóa đã, đang huy động nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy phát triển du lịch xanh với quan điểm nhất quán là "không đánh đổi môi trường", thu hút đầu tư du lịch phải hướng tới phát triển giá trị bền vững, đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu kinh tế với mục tiêu xã hội, gìn giữ những giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước - doanh nghiệp - người dân.

Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, du lịch Thanh Hóa dần khẳng định và nâng tầm vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia với nhiều khu, điểm du lịch xanh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đa dạng các loại hình như: Du lịch biển, Du lịch sinh thái, cộng đồng, Du lịch văn hóa - tâm linh với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.

Những năm qua, du lịch Thanh Hóa ngày càng phát triển và có đóng góp không nhỏ cho ngân sách của địa phương. Theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa: Trong 6 tháng đầu năm 2025, địa phương đã thu hút 10.541.000 lượt khách, tăng 7,8% so với cùng kỳ 2024, đạt 65,9% kế hoạch năm 2025. 

Tổng thu hoạt động du lịch đạt 26.507 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ, đạt 58,3% kế hoạch năm 2025. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 76 dự án đầu tư kinh doanh du lịch (với 18 dự án hoàn thành và 58 dự án đang triển khai), tổng vốn đăng ký khoảng 152.000 tỷ đồng.

Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, kiến tạo giá trị bền vững- Ảnh 2.

Vẻ hoang sơ hút hồn của Pù Luông là một "đặc sản" thu hút khách du lịch.

Trong các khu du lịch xanh, khu du lịch sinh thái Pù Luông là điểm sáng tiêu biểu trong phát triển du lịch sinh thái cộng đồng của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong nước mà còn thu hút đông đảo du khách nước ngoài. 

5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông đón khoảng 65.100 lượt khách, trong đó có khoảng 15.550 lượt khách quốc tế, góp phần quan trọng đưa tổng thu du lịch của huyện Bá Thước trong dịp này đạt con số 110 tỷ đồng.

Ngoài các tour khám phá rừng, leo núi, thám hiểm hang động, tham ra các hoạt động trải nghiệm gắn với hướng dẫn bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp còn thiết kế tour độc đáo như: đi xe trâu tham quan làng bản, trải nghiệm nhà cổ, đi bè sông, thưởng thức ẩm thực địa phương. 

Thu giá tour lên đến hàng 100$ Mỹ nhưng nhờ sự mới lạ và thân thiện với thiên nhiên, sản phẩm này đang thu hút đông đảo du khách, giúp đa dạng hóa loại hình du lịch mà vẫn bảo vệ tốt môi trường. Du khách cảm thấy mới lạ và thú vị vì được tham quan trực tiếp đời sống, nếp sinh hoạt của người dân địa phương.

Bản Mạ (Thường Xuân) cách trung tâm tỉnh Thanh Hóa khoảng 60km, là cung đường rất phù hợp cho chuyến du lịch trong ngày, một nơi cảnh sắc thiên nhiên đẹp, không khí trong lành, yên tĩnh để tận hưởng cảm giác thư giãn, vui vẻ bên gia đình, bạn bè, người thân. 

Đến với bản Mạ, du khách được trải nghiệm và hòa mình vào cuộc sống của đồng bào Thái, được tham quan, tìm hiểu các phong tục tập quán, được tự mình trải nghiệm trên khung cửi để dệt vải, xe tơ, trồng lúa, ngắm ruộng bậc thang...

Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, kiến tạo giá trị bền vững- Ảnh 3.

Đến với bản Mạ, du khách được trải nghiệm và hòa mình vào cuộc sống của đồng bào Thái, được tham quan, tìm hiểu các phong tục tập quán của địa phương.

Buổi sáng, du khách có thể "săn mây" men theo sườn núi, chụp ảnh kỷ niệm. Tất cả món ăn của người Thái ở bản Mạ đều được chế biến từ nguồn nguyên liệu tự nhiên được tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ và cẩn thận. Từng món ăn như chứa đựng cả tấm lòng của người dân bản Mạ gửi gắm vào đó. 

Có lẽ vì thế, khoảng chục năm trở lại đây, bản Mạ trở thành một địa chỉ hấp dẫn đối với du khách thập phương, đặc biệt là những vị khách thành phố muốn trải nghiệm 1 cuộc sống khác với cuộc sống thường ngày nơi phố thị, được hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành, không gian yên tĩnh và thưởng thức những món ăn ngon trên những căn nhà sàn cổ, nạp đầy năng lượng cho những ngày làm việc tiếp theo sau kỳ nghỉ cuối tuần.

Ấn tượng nhất đối với du khách là cảnh sắc thiên nhiên trữ tình, thơ mộng cùng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Thái được bảo tồn, phát huy trong nhịp sống thanh bình. Cây cầu treo nổi bật trên dòng nước sông Chu trong xanh kết nối du khách với bản Mạ cũng là một trong những điểm nhấn, tạo nên sự khác biệt rõ nét.

Theo các chuyên gia, du lịch xanh là loại hình phát triển dựa trên nguyên tắc giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy giá trị di sản tự nhiên văn hóa. Khách du lịch ngày càng có ý thức hơn với môi trường. Tìm đến những điểm đến nguyên sơ và đậm bản sắc văn hóa với lợi thế thiên nhiên tươi đẹp cùng nhiều thắng cảnh nổi tiếng và hàng trăm di tích đặc sắc Thanh Hóa hoàn toàn có thể trở thành điểm đến du lịch xanh thông minh hấp dẫn du khách.

Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, kiến tạo giá trị bền vững- Ảnh 4.

Thác Mây Thạch Thành một vẻ đẹp hoang sơ được du khách trong và ngoài tỉnh yêu thích.

Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc...

Năm 2025, ngành du lịch Thanh Hóa tiếp tục mở rộng hợp tác liên kết vùng trong phát triển du lịch xanh với các địa phương Ninh Bình, Nghệ An nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm đa dạng, tăng tính trải nghiệm và hấp dẫn du khách. 

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du Lịch Thanh Hóa cho biết: Phát triển du lịch xanh vừa là công cụ thu hút khách, vừa là mục tiêu hướng đến sản phẩm du lịch để tạo sự bền vững và hấp dẫn cho khách du lịch. Thanh Hóa sẽ lựa chọn những sản phẩm du lịch đặc trưng nhất để tạo thành tour du lịch hấp dẫn cho 3 địa phương, từ đó thu hút khách du lịch quay trở lại.

Trong bối cảnh hiện nay, du lịch xanh không còn là sự lựa chọn, đó là xu hướng, yêu cầu tất yếu. Bởi vậy, việc thúc đẩy du lịch xanh, từ du lịch xanh tạo ra giá trị bền vững cho sự phát triển phải xuyên suốt, đồng bộ từ nhận thức đến hành động, ở tất cả các cấp, từ các nhà nghiên cứu, hoạch định chiến lược, quản lý, khai thác du lịch đến từng du khách, từng người dân.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn