Thanh Hóa: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP khu vực miền núi

Địa phương
01:29 PM 03/12/2024

Những năm qua lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm chú trọng việc phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là khu vực miền núi. Điều này đã mở ra hướng đi mới trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, thay đổi tư duy sản xuất của bà con.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đến nay khu vực 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá đã có 122 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, 4 sao chủ yếu tập trung vào nhóm nông sản, thực phẩm, dược liệu và đồ uống. Các chủ thể tham gia chương trình đã chú trọng đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất mới, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như cải tiến mẫu mã, bao bì và tích cực tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP khu vực miền núi- Ảnh 1.

Miến dong HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Yên Lạc, huyện Như Thanh.

Miến dong là nghề truyền thống có từ lâu đời ở xã Yên Lạc, huyện Như Thanh. Tuy nhiên, trước đây người dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2021, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Yên Lạc đã đầu tư liên kết, nâng cao chất lượng cũng như đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm. Qua đó, phát triển thương hiệu miến dong Yên Lạc trở thành sản phẩm hàng hóa, đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Ông Phạm Công Bảo, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Yên Lạc, huyện Như Thanh, cho biết: Để tạo ra được những sợi miến ngon, đảm bảo chất lượng an toàn cho sức khỏe ngay từ khâu trồng rong diềng HTX đã áp dụng quy trình trồng dong riềng theo phương pháp hữu cơ, vừa nâng cao năng suất lại bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Để quản lý tốt các vùng nguyên liệu, các thành viên trong HTX dịch vụ nông Nghiệp Yên Lạc thường xuyên sát sao hướng dẫn các hộ dân làm đúng quy trình từ khâu chọn đất, chọn giống đến khâu thu hoạch. Các hộ trồng dong cũng tham gia quá trình kiểm tra, giám sát, học hỏi lẫn nhau về kỹ thuật trồng, từ đó cho ra những sản phẩm chất lượng, bảo đảm nguồn nguyên liệu sạch. Mỗi năm sản lượng đưa ra thị trường khoảng 12 – 13 tấn, doanh thu 1,2 – 1,3 tỷ, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Khai thác những tiềm năng lợi thế về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các huyện miền núi Thanh Hoá đã quan tâm khuyến khích tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, cá nhân mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm. Đồng thời, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích các chủ thể tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Để xây dựng thành công sản phẩm OCOP và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, HTX rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương, cùng với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP khu vực miền núi- Ảnh 2.

Nguồn vốn chính sách là "bệ đỡ" để các HTX miền núi xây dựng sản phẩm OCOP.

Năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hoá phấn đấu có thêm 120 sản phẩm OCOP trở lên. Bám sát mục tiêu này, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đang tiếp tục phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương, rà soát các hộ vừa đủ điều kiện vay vốn ưu đãi vừa có mô hình phát triển sản phẩm OCOP để ưu tiên cho vay. Qua đó, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ông Lê Văn Tuyên, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Như Thanh cho hay: "Ngay từ đầu năm, đơn vị đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện cấp kinh phí uỷ thác địa phương năm 2024, là 1 tỷ đồng để cho vay, chủ yếu tập trung vào cơ sở sản xuất kinh doanh, mô hình OCOP trên địa bàn, bước đầu tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho các cơ sở, góp phần mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư sản phẩm".

Đối với phát triển sản phẩm hàng hoá đặc trưng. Đến nay, huyện Thường Xuân đã có 14 sản phẩm OCOP được các cơ sở thực hiện theo đúng quy trình chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, khi đưa ra thị trường được người tiêu dùng hết sức ủng hộ, và tin cậy, hiện nay sản phẩm đó đã góp phần tích cực vào nâng cao đời sống cho người lao động trên địa bàn. Tại huyện Mường Lát, huyện khó khăn bậc nhất tỉnh Thanh Hóa cũng đã xây dựng được 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, và 2 sản phẩm sẽ được công nhận trong năm nay tạo ra giá trị cho bà con trong sản xuất. Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục vận động bà con mở rộng liên kết sản xuất, thành lập các tổ hợp tác để nâng cao giá trị sản phẩm.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP khu vực miền núi- Ảnh 3.

Gia đình anh Hà Văn Sinh, xã Cổ Lũng là hộ chăn nuôi vịt Cổ Lũng nổi tiếng của huyện Bá Thước.

Tại huyện Bá Thước có lợi thế với những dòng suối mát trong, nước chảy quanh năm, có rất nhiều ốc, cá nhỏ cũng như các loại vi sinh, đây là nguồn thức ăn rất tốt, tạo thuận lợi cho bà con nuôi vịt và làm nên thương hiệu vịt Cổ Lũng.

Gia đình anh Hà Văn Sinh (ở thôn La Ca, xã Cổ Lũng) chăn nuôi và gìn giữ giống vịt quý từ nhiều năm nay. Anh Sinh cho hay, lúc bắt đầu nuôi, anh Sinh cũng gặp không ít khó khăn do giống vịt bị lai tạp từ nhiều giống vịt khác nên không được giá. Do đó, anh đã tìm đến các gia đình trong bản để tìm đúng giống vịt Cổ Lũng bản địa về nuôi và nhân đàn, cung cấp cho thị trường.

Hiện tại, gia đình anh Sinh duy trì đàn vịt 250 con, với giá vịt thịt bán ra thị trường tương đối ổn định từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Ngoài việc chăn thả vịt tự nhiên trên suối Nủa trong bản, anh Sinh còn đào ao, làm guồng nước để dẫn nước suối lên các ao, bảo đảm nguồn nước sạch sẽ phục vụ việc chăn nuôi vịt. Đồng thời, anh cũng đầu tư xây chuồng nuôi kiên cố để phân loại vịt thương phẩm, vịt đẻ, vịt giống.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Cùng với việc phát huy tính năng động, sáng tạo của các chủ thể, HTX, cấp ủy chính quyền địa phương sẽ tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình OCOP bằng hành động, việc làm cụ thể, nhất là việc triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, huy động, lồng ghép các nguồn lực để tập trung cho phát triển sản phẩm OCOP và tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ chủ thể tham gia chu trình OCOP.

Hiện nay, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa nói chung, 11 huyện miền núi nói riêng đã được các sở, ngành quan tâm, triển khai có hiệu quả. Đặc biệt, Hội chợ thương mại miền Tây Thanh Hoá là hoạt động thường niên được tỉnh Thanh Hoá tổ chức dành riêng cho khu vực 11 huyện miền núi. Đây là cơ hội để các địa phương miền núi đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, từ đó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa đặc trưng tiêu biểu, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn