Thanh Hóa đẩy mạnh triển khai các dự án dệt may
Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế. Tại Thanh Hóa, đây cũng là ngành sản xuất có vị thế ấn tượng, được quy hoạch là một trong những ngành công nghiệp “mũi nhọn” của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Năm 2023, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, các DN may mặc ở Thanh Hóa gặp rất nhiều khó khăn do bị cắt giảm đơn hàng. Có DN phải cắt giảm cả giờ làm và nhân sự. Vì thế, đòi hỏi các DN may mặc phải thay đổi, linh hoạt trong chiến lược sản xuất kinh doanh.
Từ thực tiễn đó, tỉnh và các địa phương trên địa bàn đã nhanh chóng hỗ trợ tích cực để các nhà đầu tư sớm triển khai các dự án dệt may đã được phê duyệt, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các địa phương.
Tháng 8 năm 2023, dự án Nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao Outdoor Grar Việt Nam, tại huyện Nga Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 860 tỷ đồng, quy mô trên 10ha, tạo việc làm cho khoảng 4.000 đến 4.500 lao động, chủ trương đầu tư đã khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, triển khai hạ tầng dự án, với mục tiêu đến đầu năm 2025 sẽ đưa dự án vào hoạt động. Bà Bùi Thị Cúc, Giám đốc Cty TNHH Outdoor cho biết: "5 tháng thực hiện dự án, nhà đầu tư đã nỗ lực hết mình bằng tất cả mọi nguồn lực về thời gian, con người, về kinh phí, tập trung toàn bộ các nguồn lực để tiến hành hoàn thiện về khâu thủ tục. Hiện nay, doanh nghiệp đang tiến hành công tác san lấp mặt bằng để thực hiện đúng theo thời gian cam kết, cũng như các chủ trương đầu tư đã được phê duyệt".
Tại huyện Thiệu Hóa là địa phương có nguồn lao động dồi dào. Vì thế, những năm gần đây, huyện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp dệt may đến đầu tư. Trên địa bàn huyện đang có 5 nhà máy dệt may đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.500 lao động. Trong năm 2024, huyện Thiệu Hóa đang tiếp tục triển khai 2 dự án dệt may mới đi vào hoạt động nhằm tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.
Ông Lê Xuân Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: "Với vai trò là địa phương quản lý, chúng tôi trước hết là tạo mọi điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp khi thực hiện các hồ sơ thủ tục liên quan đến địa phương, đồng thời chúng tôi cũng đồng hành với các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục tại các đơn vị có thẩm quyền và đồng thời chúng tôi cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng các lao động trong quá trình xây dựng".
Cho đến thời điểm này, Thanh Hóa có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực dệt may, tạo việc làm cho hơn 150.000 lao động. Bình quân mỗi năm, ngành dệt may đóng góp khoảng 1 tỷ USD vào giá trị xuất khẩu của Thanh Hóa. Theo quy hoạch, trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh một số dự án dệt may đang tiếp tục được triển khai để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng may mặc đạt khoảng 2 tỷ USD.
Bà Trịnh Thị Trang, phụ trách nhân sự công ty TNHH may mặc Hoàng Tùng, huyện Nông Cống cho biết: "Công ty chúng tôi sẽ mở rộng ra sản xuất đồ bảo hộ thể thao. Hiện tại, công ty đang liên hệ với các bên đối tác kinh doanh, dự kiến sang tháng 4 này sẽ đưa vào hoạt động thêm ngành bảo hộ thể thao để phục vụ cho nhu cầu của thị trường, đáp ứng được việc làm cho người lao động ở địa phương".
Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Trong Hiệp hội dệt may Thanh Hóa có rất nhiều đơn vị đang mở rộng và làm thêm các dự án mới, đặc biệt là số khách hàng của bên Trung Quốc đang tiếp tục dịch chuyển nhà máy về Việt Nam, cho nên sẽ mang đến cho Tập đoàn Tiên Sơn nói riêng và Hiệp hội dệt may nói chung rất nhiều đơn hàng. Kỳ vọng toàn hiệp hội có thêm đơn hàng từ 10 đến 15 % trong năm 2024".
Năm 2024, dự báo sẽ có những khó khăn, thách thức đối với ngành dệt may nói chung, nhưng với sự đổi mới, nhanh nhạy thích ứng với thị trường, các DN dệt may Thanh Hóa hứa hẹn sẽ tiếp cận được những thị trường mới; trong đó, việc đẩy nhanh tiến độ để đưa các nhà máy dệt may vào hoạt động tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không những góp phần tích cực cho sự phát triển của ngành dệt may mà còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Triều NguyệtTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.