Thanh Hóa: Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

Địa phương
10:10 AM 26/12/2022

Nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả của hệ thống chính quyền, thời gian qua các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Thanh Hóa luôn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong xây dựng chính quyền điện tử. Qua đó, góp phần phục vụ nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Xây dựng chính quyền điện tử được xác định là khâu chiến lược, quyết định đến thành công trong tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng chính quyền số. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 1.

Với sự ra đời của Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ, cùng với các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT cũng như yêu cầu của thực tiễn địa phương, tỉnh Thanh Hóa ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) và là một trong những địa phương đầu tiên kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm về xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có những chuyển biến tích cực, từng bước thay đổi phương thức làm việc theo kiểu hành chính giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc trên mạng, công khai, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan quản lý Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Thời gian tới, để đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu 100% văn bản, hồ sơ điện tử của các sở, ban, ngành cấp tỉnh phải được xử lý trên môi trường mạng; 100% văn bản, hồ sơ điện tử của UBND các huyện, thị xã, thành phố phải được xử lý trên môi trường mạng; 100% văn bản, hồ sơ điện tử của UBND cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Ngoài ra, 100% trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến xã phải thường xuyên cập nhật thông tin mới; 100% các sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện phải ứng dụng phòng họp không giấy tờ.

Trước đây, mỗi ngày Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của UBND TP. Thanh Hóa phải ghi biên lai bằng giấy cho hàng trăm người dân, thì nay các thủ tục ấy đều được trả phí qua biên lai điện tử. 100% cán bộ, công chức đã thực hiện tiếp nhận, luân chuyển, xử lý văn bản đi/đến, dự thảo, xin ý kiến, trình duyệt, ký số, phát hành văn bản trên phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; 100% cán bộ, công chức, viên chức tại UBND thành phố và UBND các phường, xã được cấp tài khoản thư công vụ của tỉnh và thường xuyên khai thác sử dụng trong giao dịch công việc.

Tại Quảng Xương, lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo khai thác, sử dụng hiệu quả Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã đảm bảo 100% các thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý trên hệ thống một cửa điện tử. Trong 11 tháng năm 2022 tổng số hồ sơ trực tuyến toàn huyện là trên 5.000 hồ sơ (mức độ 3 đạt tỷ lệ 100% và mức độ 4 đạt tỷ lệ 99,88%) vượt chỉ tiêu tỉnh giao.

Bên cạnh đó, trang thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) của các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện, UBND cấp xã trên địa bàn huyện Quảng Xương đảm bảo kết nối ổn định, thông suốt; an toàn, bảo mật thông tin; 100% cán bộ công chức, viên chức được trang bị máy vi tính; 100% các đơn vị có mạng LAN, các máy tính được kết nối mạng internet băng thông rộng phục vụ công tác chuyên môn. Chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 2.

Khai trương Trung tâm giám sát điều hành thông minh Thanh Hoá

Tại huyện Ngọc Lặc, nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, phân công, xử lý các công việc, nhất là thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4, nên hoạt động hành chính của UBND huyện được thực hiện hiệu quả hơn, phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Ngọc Lặc - ông Phạm Xuân Khánh cho biết: Nhờ đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử nên việc tiếp nhận và triển khai các văn bản rất nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, vật chất, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; hệ thống phòng họp trực tuyến được nâng cấp và duy trì hiệu quả đảm bảo kết nối liên thông từ huyện đến tỉnh, sở, ban, ngành trong tỉnh, đến điểm cầu Trung ương và từ huyện đến cấp xã.

Thông qua việc xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh Thanh Hóa đã tích hợp 26 hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý văn bản hồ sơ trên môi trường mạng, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến; kết nối, liên thông hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cấp chính quyền. Từ đó tạo điều kiện cho Nhân dân theo dõi, giám sát và thực hiện thủ tục hành chính thuận lợi, tiết kiệm thời gian.

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cho biết, trong dịp phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua mới thấy rõ việc ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo điều hành tiện lợi như thế nào. "Dù giãn cách xã hội nhưng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức vẫn có thể ngồi tại cơ quan, thậm chí ngồi tại nhà (đối với những trường hợp bị cách ly tại nhà) để điều hành, xử lý công việc trên không gian mạng. Đặc biệt, đối với các huyện miền núi xa xôi như Quan Sơn, Mường Lát, lãnh đạo huyện có thể ngồi tại trụ sở cơ quan họp trực tuyến, nhận văn bản điện tử. Nếu đi công tác tại TP Thanh Hóa có thể điều hành công việc thông qua chữ ký số...".

Có thể nói, một trong những điểm mấu chốt làm nên thành công trong xây dựng chính quyền điện tử ở Thanh Hóa chính là thông qua việc bám sát thực tế hoạt động ở cơ sở, đã xác định đúng và trúng những hạn chế nội tại về cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng và nguồn lực con người... từ đó làm tốt công tác tham mưu để UBND tỉnh ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo xuyên suốt, vừa giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, vừa kịp thời tháo gỡ khó khăn, thay đổi tư duy và tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ. Nhờ đó, các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, quyết liệt tạo sự chuyển biến rõ và thay đổi thói quen làm việc từ giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường mạng.

Những lợi ích căn bản mà Chính quyền điện tử đã mang lại, đó là: Làm tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan và chính quyền các cấp; tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước được nâng lên; Người dân và doanh nghiệp được các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn thông qua các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tối đa doanh nghiệp và người dân phải đến trực tiếp các cơ quan chính quyền khi thực hiện các thủ tục hành chính; Thông qua hệ thống các ý kiến góp ý, phản hồi của người dân, doanh nghiệp các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức, các quy trình nghiệp vụ,... để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; Tiết kiệm thời gian và chi phí trong thực hiện nhiệm vụ.

Năm 2022, hạ tầng ứng dụng CNTT toàn tỉnh tiếp tục được đầu tư, duy trì, hoạt động ổn định; tổng số lượt trao đổi, gửi/nhận hồ sơ trực tuyến trên toàn hệ thống là: 3.024.840 lượt văn bản; tỷ lệ ký số cá nhân đạt 98,72%, tỷ lệ ký số cơ quan đạt 99,07%; ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã có bước đột phá quan trọng, 100% cán bộ công chức đã xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định); thực hiện liên thông văn bản 3 cấp trong tỉnh qua trục dữ liệu nội tỉnh (LGSP) ở cả khối Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị; việc gửi/nhận, xử lý văn bản trên môi trường điện tử hằng năm ước tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao; 94/559 xã đăng ký triển khai hoàn thành chuyển đổi số...

Mặc dù quá trình triển khai chính quyền điện tử vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là nguồn lực đầu tư hạ tầng, nguồn nhân lực số... Nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa đang đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, từng bước xây dựng chính quyền số trên nền tảng ứng dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn; triển khai các dịch vụ đô thị thông minh và cung cấp các dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp.

Với những nỗ lực trên, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng sẽ đột phá trong xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ chất lượng với công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Tổ chức đợt cao điểm An toàn, vệ sinh lao động, chăm lo cho công nhân, lao động năm 2024 Hà Nội: Tổ chức đợt cao điểm An toàn, vệ sinh lao động, chăm lo cho công nhân, lao động năm 2024

Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.