Thanh Hóa: Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP

Địa phương
02:50 PM 03/10/2022

Là địa phương có nhiều lợi thế đa dạng về các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, sản phẩm lợi thế "tiền OCOP". Sau gần 4 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), tỉnh Thanh Hóa đã từng bước tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ lợi thế của các huyện, thị xã, thành phố và xây dựng, phát triển hàng trăm chuỗi giá trị trong sản xuất, đưa các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, thế mạnh của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, xây dựng bộ tài liệu tập huấn Chương trình OCOP và triển khai trên toàn tỉnh. Tính đến hết tháng 3/2022, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh đã tổ chức tập huấn cho hơn 7.000 lượt người là cán bộ các sở, ngành, đoàn thể các cấp và đại diện doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể... về quy trình triển khai, cách thức thực hiện Chương trình OCOP. Ngoài ra, văn phòng còn phối hợp tuyên truyền và khuyến khích các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh hiểu, tham gia thực hiện chương trình một cách hiệu quả.

Theo đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá cho biết, Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa được triển khai từ năm 2018, đã phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu riêng của từng địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn.

Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), huyện Ngọc Lặc đã và đang tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng các sản phẩm nông sản đặc trưng thành sản phẩm OCOP. Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, chương trình đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Các sản phẩm OCOP của huyện Ngọc Lặc được khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh quan tâm, các nhà phân phối và nhiều đơn vị tham gia đã ký được hợp đồng phân phối với các siêu thị, đại lý.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn - Ảnh 1.

Sản phẩm miến dong Hương Ngọc của xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh

Đến nay, huyện Ngọc Lặc đã có 4 sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm: miến dong Hương Ngọc của HTX dịch vụ nông nghiệp thương mại và xây dựng Thành Công, xã Ngọc Liên; gạo nếp hạt cau Thạch Lập của HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Thạch Lập; bột sắn dây Hương Quê của HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Tân, xã Ngọc Liên và Dưa vàng 369 của HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ, xã Kiên Thọ.

Trong năm 2022, huyện Ngọc Lặc phấn đấu có ít nhất 4 sản phẩm OCOP trở lên đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh, gồm: mật ong Kiên Thọ, mật mía Minh Tiến, thổ cẩm Cao Ngọc, trà rau má túi lọc Ngọc Sơn... Để hoàn thành kế hoạch đề ra, huyện tập trung hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đối với các sản phẩm đã được xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên huyện chủ trương hướng dẫn các cơ sở củng cố, nâng cấp để nâng hạng sao trong các năm tiếp theo.

Tại HTX mật ong Hưởng Hoa (huyện Thạch Thành), một trong số những chủ thể đầu tiên có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP sớm nhất của huyện Thạch Thành, HTX không chỉ phát triển, nâng cao giá trị của mật ong của địa phương thông qua việc nuôi ong lấy mật, bán ong giống và kinh doanh mật ong mà còn linh động, sáng tạo trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Nhờ tuân thủ quy trình kiểm soát khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm mật ong Hưởng Hoa đã được chứng nhận VietGap, chứng nhận OCOP. Không chỉ phục vụ khách hàng Thanh Hóa, mật ong Hưởng Hoa đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn - Ảnh 2.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn - Ảnh 3.

Mật ong Hưởng Hoa là một trong những sản phẩm OCOP được chứng nhận sớm nhất của huyện Thạch Thành

Ngoài mật ong Hưởng Hoa, hiện nay, nhiều sản phẩm khác của Thạch Thành đã được chứng nhận OCOP cấp tỉnh như: Miến dong Thành Minh của HTX miến dong Thành Minh; Tinh dầu sả Chanh của Công ty TNHH Sản xuất thương mại tinh dầu Minh Hồng; sản phẩm cam Hùng Hải của Công ty TNHH Hùng Hải; sản phẩm ổi lê Thành Tâm của HTX ổi Thành Tâm. 

6 tháng đầu năm 2022, ngoài miến dong Thành Minh, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Thạch Thành đã trình Hội đồng cấp tỉnh tổ chức đánh giá cho 2 sản phẩm là bánh lá Lan Như - Cổ Tế và thịt trâu gác bếp 36 Sinh Mai. Trong năm 2022, UBND huyện Thạch Thành sẽ tập trung hướng dẫn các chủ thể xây dựng các sản phẩm có lợi thế trở thành sản phẩm OCOP, trong số đó có sản phẩm cam Vy Giang và tinh dầu sả Thạch Quảng.

Có thể nói, việc nỗ lực xây dựng thương hiệu OCOP của Thạch Thành đã đem lại hiệu quả thấy rõ trong sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân, đồng thời quảng bá hình ảnh của vùng đất Thạch Thành đến du khách trong và ngoài tỉnh.

Xác định thực hiện chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị sản xuất, thời gian qua, huyện Thọ Xuân đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Đến nay, toàn huyện đã có 11 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó có 10 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao. Cụ thể, năm 2019 có 3 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, xếp hạng 3 sao gồm: Bánh gai Lâm Thắm, kẹo lạc Đức Giang, kẹo gạo lức Đức Giang.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn - Ảnh 4.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn - Ảnh 5.

Nem nướng Vinh Lài là một trong số những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh của huyện Thọ Xuân

Năm 2020 có 2 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, xếp hạng 3 sao, gồm: Bánh lá răng bừa, nem nướng Thành Nghĩa, đặc biệt trong năm 2020 có sản phẩm bưởi Luận Văn Hải Đăng của Công ty TNHH nông nghiệp hiện đại Lam Sơn - Sao Vàng được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.

Năm 2021 có 5 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, xếp hạng 3 sao, gồm: Tương Xuân Phả, dưa vàng Xuân Hòa, nem nướng Vinh Lài, giò lụa Vinh Lài và bột sắn dây Quảng Phú. Các sản phẩm được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Năm 2022, huyện Thọ Xuân đề ra mục tiêu có 5 sản phẩm gồm: Dưa vàng Điền Trạch, hạt sen Nhật, miến gạo Phú Xuân, dưa bạch Ngọc Đường, gạo Xuân Minh được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Quan Sơn đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện sâu rộng Chương trình OCOP trên địa bàn huyện. Theo đó, trên địa bàn huyện Quan Sơn có sản phẩm măng khô Nang Non của HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ thủy nông thị trấn Sơn Lư được khai thác tự nhiên, sản xuất thủ công, không sử dụng chất bảo quản, chất cấm trong thực phẩm,… mới được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao sau khi được định hướng hoàn thiện tem nhãn, bao bì và đặt tên sản phẩm phù hợp, đã và đang được người tiêu dùng ưu chuộng.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn - Ảnh 6.

Măng khô Nang Non được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh và là niềm tự hào của người dân Quan Sơn

Trong 4 tháng cuối năm, tham gia chương trình chấm điểm sản phẩm OCOP, huyện Quan Sơn có 2 sản phẩm tham gia. Đây là các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của các hộ gia đình, HTX trong toàn huyện, cụ thể là sản phẩm gạo nếp Cay Nọi Mường Xia và sản phẩm thịt bò khô Mường Hạ đều của HTX Nông nghiệp Xanh Duy Linh.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn - Ảnh 7.

Hội đồng đánh giá huyện Quan Sơn chấm điểm sản phẩm OCOP gạo nếp Cay Nọi Mường Xia, thịt bò khô Mường Hạ năm 2022

Trong thời gian tới, huyện Quan Sơn định hướng khung chương trình giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và thúc đầy kinh tế tuần hoàn, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương theo 3 nguyên tắc: chất lượng và chuỗi giá trị bền vững, sáng tạo và sức mạnh cộng đồng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

Trong lộ trình thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", các cấp ủy, chính quyền, địa phương trong tỉnh Thanh Hóa luôn xác định xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP cả về số lượng và chất lượng nhằm tạo ra hệ sinh thái toàn diện trong phát triển sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương. Tỉnh cũng đang chú trọng khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị các sản phẩm OCOP.

Vy Linh – Tri Thức
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.