Thanh Hóa: Để di sản đồng hành và phát triển du lịch

Địa phương
03:31 PM 07/10/2024

Những năm gần đây cùng với sự tích cực của ngành du lịch Thanh Hóa, nhiều di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đã và đang được tỉnh Thanh Hóa quan tâm đầu tư, khơi mở. Vì thế, giá trị của di sản ngày càng được nâng lên, phục vụ tốt cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Thanh Hóa là quê hương phong phú, đa dạng, có đầy đủ về các loại địa hình từ trung du, đồng bằng, miền biển... Nếu Di tích quốc gia đặc biệt từ Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân); Bà Triệu (Hậu Lộc) đại diện cho vùng đồng bằng, trung du với những công trình kiến trúc độc đáo thì nơi miền biển lại độc đáo với Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn và miền núi huyện Thạch Thành nổi bật với Di tich khảo cổ học hang Con Moong - chứa đựng tầng sâu lịch sử, văn hóa của loài người. Mỗi di tích đều mang trong mình những giá trị riêng, độc đáo, để rồi Thanh Hóa đã và đang phát huy các giá trị để di tích song hành cùng sự phát triển của quê hương, đất nước.

Thanh Hóa: Để di sản đồng hành và phát triển du lịch- Ảnh 1.

Thành Nhà Hồ - Thành lũy bằng đá độc đáo bậc nhất trên thế giới.

Nếu như Di tích lịch sử hang Co Phương, bản Sại, xã Phú Lệ (Quan Hóa) đã trở thành điểm đến tham quan, du lịch, giáo dục truyền thống cách mạng được các nhà trường, khách du lich trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Nhiều tài liệu ghi lại, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hang Co Phường vừa là căn cứ, vừa là điểm trung chuyển lương thực, vũ khí của quân ta lên Thượng Lào, Tây Bắc và sau đó là phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Hòng cắt dứt tuyền đường huyết mạch này, thực dân Pháp đã tìm mọi cách, điên cuồng bắn phá. Ngày 2/4/1953, máy bay Pháp bất ngờ quần thảo, ném bom tàn sát khu vực bản Sại, nhiều thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến đang ở độ tuổi thanh xuân đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Riêng tại hang Co Phường, bom đạn đã đánh sập cửa hang, 11 người thuộc tiểu đội dân công hỏa tuyến ở xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) đang trú ẩn bên trong đã anh dũng hy sinh.

Năm 1999, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà bia tưởng niệm tại hang Co Phường. Năm 2012, UBND tỉnh đã lập quy hoạch, tôn tạo Khu Di tích lịch sử cách mạng hang Co Phường. Đến năm 2019, hang Co Phường được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Phát huy các giá trị di sản

Với mục tiêu thu hút khách đến tham quan, huyện Quan Hóa đã chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh, anh dũng của thế hệ cha anh đi trước. Cùng với đó, Huyện đoàn Quan Hóa cũng đã ra mắt công trình chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử hang Co Phường. Theo đó, du khách chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh quét mã QR được lắp đặt tại di tích là có thông tin đầy đủ về di tích, sự huy sinh anh dũng của các dân công hỏa tuyến...

Đây cũng là "cầu nối" đưa các di tích lịch sử, văn hóa đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Quan Hóa.

Thành phố biển, điểm đến tâm linh hấp dẫn

Thanh Hóa: Để di sản đồng hành và phát triển du lịch- Ảnh 2.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng 200 ha (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là nơi anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt. Ảnh: Công Đạt

Nói đến xứ Thanh, du khách không quên nhắc tới thành phố biển Sầm Sơn với những cảnh quan thiên nhiên, bãi biển đẹp nổi tiếng lại được sự quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng đã thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn là địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử- văn hóa. Bởi nơi đây có sự đa dạng về sinh học, gồm: núi Trường Lệ, đền Độc Cước, hòn Trống Mái, đền Tô Hiến Thành, đền Cô Tiên... là những điểm đến văn hóa tâm linh hấp dẫn của Sầm Sơn.

Đền Độc Cước - ngôi đền cổ nằm trên dãy núi Trường Lệ (phường Trường Sơn) nơi thờ vị thần đã xẻ đôi thân mình, một nửa ra biển tiêu diệt thủy quái, một nửa ở lại đất liền để bảo vệ cho dân chài Sầm Sơn; du khách mỗi lần đến thăm hòn Trống Mái gắn liền với huyền thoại về mối tình thủy chung, sống chết bên nhau của cặp vợ chồng trẻ; còn khi thăm đền Thái úy Tô Hiến Thành, thờ một vị tướng giỏi cũng là vị quan thanh liêm chính trực... Đặc biệt, đền Cô Tiên trên dãy núi Trường Lệ còn là địa điểm tâm linh, vinh dự được đón Bác Hồ nghỉ chân và làm việc năm 1960 khi Người về thăm Sầm Sơn.

Có thể nói, cùng với du lịch biển, các lễ hội truyền thống độc đáo gắn với các di tích lịch sử văn hóa đã góp phần đưa Sầm Sơn trở thành điểm đến du lịch hấp dân của du khách.

Đặc biệt những năm gần đây, với mục tiêu xây dựng Sầm Sơn theo hướng đô thị du lịch biển thông minh, hấp dẫn, thân thiện; là trung tâm vui chơi, giải trí cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe dẫn đầu khu vực phía Bắc Trung bộ, TP Sầm Sơn đã chủ động, linh hoạt triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong các phương án sắp xếp và quản lý dịch vụ, thương mại. Du lịch. Tp đã hướng tới thực hiện Chương trình phát triển du lịch, trọng tâm là nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của dịch vụ du lịch, xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn văn minh, thân thiện giai đoạn 2022-2025.

Thanh Hóa: Để di sản đồng hành và phát triển du lịch- Ảnh 3.

Bãi biển Sầm Sơn hút khách du lịch thập phương.

Trên hành trình về với miền di sản, ngược ngàn về miền sơn cước phía Tây xứ Thanh điểm đến của du khách là huyện Thạch Thành; là vùng đất còn lưu giữ và bảo tồn được nhiều giá trị tiêu biểu về văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Đặc biệt, Thạch Thành là vùng đất cổ, nơi xuất hiện dấu vết cư trú của người tiền sử từ Di chỉ khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận. Nơi đây được các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá là một trong số di chỉ có địa tầng dày, được bảo tồn tốt nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. 

Đồng thời, mảnh đất này chứng kiến các giai đoạn phát triển liên tục, phong phú của xã hội loài người từ hậu kỳ đồ đá cũ đến thời đại đồ đá mới, với điển hình nổi bật từ việc định cư truyền thống của loài người cùng bước phát triển từ săn bắn hái lượm sang trồng trọt sơ khai, chuyển từ hang động ra ngoài cư trú ngoài trời, tạo bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử phát triển văn minh nhân loại.

Bà Lê Thị Hương, Trưởng phòng văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành, cho biết: Năm 2007, hang Con Moong được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia. Với những nét đẹp văn hóa truyền thống trong sinh hoạt, giao tiếp sẽ là một trong những "điểm nhấn" để thu hút khách du lịch. Trong những năm qua, các di tích quan trọng được bảo vệ an toàn tuyệt đối; đồng thời huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, "đánh thức", làm lan tỏa các giá trị tiêu biểu của di tích, qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước.

Không riêng huyện Thạch Thành, để phát huy giá trị của di tích, đưa di tích thành địa chỉ du lịch tìm hiểu hấp dẫn du khách, huyện Thiệu Hóa và tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo lại di tích. Cùng với đó, xã Thiệu Trung cũng đã đẩy mạnh phối hợp với các đoàn thể, ngành giáo dục và đào tạo huyện tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh, kết nạp đoàn viên tại di tích, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan về nguồn. Qua đó, vừa thể hiện sự trân trọng đối với những giá trị lịch sử của tiền nhân, vừa giúp lớp trẻ ý thức được trách nhiệm của mình để phấn đấu trong học tập và rèn luyện.

Là vùng đất "Địa linh nhân kiệt", xứ Thanh có hệ thống di tích lịch sử cách mạng phong phú đa dạng về số lượng cũng như thể loại. Với sự quan tâm đầu tư, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng khang trang, cùng với cách làm sáng tạo trong việc kết nối các di tích cách mạng với các tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉn, du khách sẽ tìm đến tham quan, trải nghiệm các di tích lịch sử cách mạng ngày càng nhiều. 

Từ đó, không chỉ góp phần thúc đẩy ngành du lịch Thanh Hóa phát triển mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, giới thiệu, truyền tải thông điệp rộng rãi đến du khách gần xa biết đến bề dày lịch sử hào hùng của vùng đất xứ Thanh; góp phần đưa di tích lịch sử cách mạng trở thành sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn du khách tham quan. Đáp ứng kỳ vọng du lịch của xứ Thanh "Hương sắc bốn mùa", đồng hành và phát triển.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Ban hành tín chỉ carbon cho 9 dự án JCM ở Việt Nam Ban hành tín chỉ carbon cho 9 dự án JCM ở Việt Nam

Tại Cuộc họp lần thứ 9 của Ủy ban hỗn hợp thực hiện Cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa Việt Nam và Nhật Bản, Ủy ban đã thống nhất ban hành tín chỉ carbon cho 9 dự án JCM đã đăng ký thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2020, và trao đổi về triển khai Cơ chế JCM trong giai đoạn 2021 - 2030.