Thanh Hóa: Để nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất, vững bền
Kiến tạo bức tranh nông thôn thịnh vượng, vững bền là nhiệm vụ và cũng là kim chỉ nam xuyên suốt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (XD NTM) trên quê hương xứ Thanh. Làm sao để người dân thôn quê nhận thức rõ đây là cuộc cách mạng vì dân “làm thật, thụ hưởng thật, không tô vẽ, không mang tính hình thức”; khang trang, trù phú nhưng vẫn giữ được cốt cách hồn quê, hương quê mộc mạc, nghĩa tình. Tạo nên sự đột phá cả trong nếp nghĩ và cách làm.
Mục tiêu cao nhất của Chương trình XD NTM giai đoạn 2021- 2025 là kiến tạo nông thôn thành những miền quê đáng sống, quyết tâm xóa bỏ những ngôi nhà tranh, tre, tạm bợ; những con đường đất lầy lội; những cánh đồng canh tác thô sơ, lạc hậu, manh mún, kém hiệu quả kinh tế...
Thay vào đó là những ngôi nhà khang trang, từ đường lớn tới ngõ nhỏ, được mở rộng và thảm nhựa, xe ô tô chạy vào tận nhà; những cánh đồng nông nghiệp công nghệ cao (CNC) được ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa giúp tăng năng suất, chất lượng và giải phóng sức lao động; người nông dân đổi mới tư duy, tiếp cận công nghệ tân tiến, hiện đại, từ đó nâng cao đời sống vật chất tinh thần ấm no, hạnh phúc; hướng tới thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn; xây dựng nông thôn thông minh... nhưng tình làng nghĩa xóm, sự gắn kết cộng đồng vẫn luôn bền chặt...
Trên tinh thần XD NTM là hành trình liên tục, không có điểm dừng cũng chẳng có điểm kết thúc, muốn đạt được hiệu quả thực sự thì phải phát huy tối đa vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của cấp ủy, chính quyền đồng thời phải tổng hợp, khơi thức được sức dân, nâng cao quy chế dân chủ trong công tác xây dựng, để công cuộc XD NTM thực sự đi vào chiều sâu, công tác tuyên truyền, vận động luôn được triển khai sâu rộng. Mọi việc đều công khai, minh bạch theo định hướng "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng". Nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo, phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh trên chính mảnh đất quê hương mình. Đây chính là yếu tố then chốt dẫn tới thành công.
Sau hơn 10 năm phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay tỉnh Thanh Hóa hoàn toàn có thể tự hào về những kết quả đạt được: Lũy kế tính đến hết ngày 30/11/2024, có 14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 376/465 xã, 778 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 2 huyện, 123 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 27 xã, 551 thôn bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 572 sản phẩm OCOP đã được công nhận, trong đó, 1 sản phẩm 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao, 514 sản phẩm 3 sao.
Những con đường nhựa hóa, bê tông hóa trải dài; hàng cây vươn mình tỏa bóng hay những đường điện chiếu sáng khắp ngõ xóm; việc xây dựng thôn thông minh với mạng lưới camera rộng khắp vừa nâng cao chất lượng cuộc sống, vừa đảm bảo an ninh nông thôn, đều từ huy động sức dân mà có. Người nông dân không còn tư tưởng ỉ lại, trông chờ vào nguồn vốn được cấp, ai ai cũng muốn đóng góp sức mình trong XD NTM. Phong trào hiến đất mở đường diễn ra rầm rộ, hàng nghìn km đường giao thông được mở rộng. Từ đồng bằng đến các huyện miền núi xa xôi đều khoác lên mình một diện mạo tươi mới.
Điển hình, tại huyện Thiệu Hóa, sau 3 năm phát động phong trào "Nhân dân tham gia đóng góp nâng cấp mở rộng đường giao thông nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh", toàn huyện đã vận động được trên 3.900 hộ dân hiến được trên 66.000m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Sức lan tỏa của phong trào ngày càng rộng khắp, đến cuối quý I/2024, huyện Triệu Sơn đã có 15.514 hộ, 100% thôn, tổ dân phố đã hiến 48,9 ha đất để chỉnh trang, mở rộng 462 km đường giao thông theo tiêu chí NTM nâng cao. Từ phong trào chung, khắp nơi đều xuất hiện những tấm gương không tiếc những "tấc vàng" vì sự phát triển chung của quê hương.
Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, ngay từ đầu năm 2024, Sở NN&PTNT Thanh Hóa chú trọng chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Công tác tích tụ ruộng đất để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng: Tự động hóa - Đơn giản hóa - Đồng bộ hóa - Chuyên nghiệp hóa và Xanh hóa được đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ được gần 60.000 ha đất nông nghiệp. Nhờ đó, các vùng chuyên canh lớn trong sản xuất nông nghiệp đã hình thành, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi cây trồng, phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp CNC được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm và là một trong những hướng đi đang được nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện có hiệu quả. Hơn 10 năm trước, khi chưa có chủ trương của Đảng về Chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM, 1 sào lúa bà con phải cấy, gặt thủ công cả ngày mà vẫn chưa xong thì nay máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản suất, sức lao động được giải phóng, năng xuất cây trồng tăng... nhà máy về tận ruộng để thu mua sản phẩm.
Người nông dân không còn phải lo cảnh được mùa mất giá, đời sống vật chất và tinh thần nâng cao, ai ai cũng phấn khởi. Trên cánh đồng tiếng nói tiếng cười, tiếng máy móc hoạt động rộn ràng. Còn gì hạnh phúc hơn khi được làm giàu, được cống hiến, được góp công, góp của xây dựng chính mảnh đất quê hương mình ngày một phồn thịnh hơn. Nhiều kỹ sư trẻ đã bỏ phố về quê, biến những vùng đất khô cằn đá sỏi thành những miền quê trù phú, những cánh đồng xanh mướt một màu. Nét hào sảng trên khuôn mặt thấm đẫm mồ hôi mà hồn hậu, chân chất càng khắc họa thành công bức tranh NMT trên quê hương xứ Thanh.
Với niềm đam mê và quyết tâm làm ra nông sản sạch, anh Đỗ Văn Tùng - một kỹ sư trẻ đầy nhiệt huyết, Chủ tịch Công ty CP Ứng dụng và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Điền Trạch (Điền Trạch Farm) đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng CNC vào trồng dưa Kim hoàng hậu. Với diện tích hơn 4ha, vườn dưa Điền Trạch farm đang cho sản lượng khoảng 170 tấn/năm, mang lại doanh thu khoảng 2 tỷ/năm. Tạo việc làm cho gần 60 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 5-7 triệu/người/tháng. Mô hình không chỉ đem lại diện mạo, sức sống mới cho xứ Đồng Cạn, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, mà còn góp thêm một làn gió mới trong việc đổi mới tư duy, nhận thức trong phát triển nông nghiệp ở địa phương.
Tại huyện Hậu Lộc, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh việc chỉ đạo tích tụ ruộng đất, UNBD huyện đã khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi CNC, siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng trong nhà bạt, nhà màng tại một số xã như Đa Lộc, Hòa Lộc, Phú Lộc...
Đến nay, toàn huyện có 1.855 ha vào nuôi trồng thủy sản, trong đó: nước mặn 570 ha, nước lợ 550 ha, nước ngọt 735 ha. Với khoảng 700 ha diện tích nuôi tập trung, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm. Đây là điều kiện để các hộ chuyển đổi để kinh tế ngày một phát triển hiệu quả, bền vững theo hướng quy mô lớn.
Trong năm, các hoạt động kiểm tra kết quả thực hiện và duy trì các tiêu chí luôn được chỉ đạo sát sao. Hoàn thành 14 lớp bồi dưỡng tập huấn Chương trình XD NTM và Chương trình OCOP, tổ chức 3 đoàn tham quan học tập kinh nghiệp XD NTM và các sản phẩm OCOP tại các tỉnh phía Bắc, miền Trung và miền Nam.
Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu gắn với các chương trình hội chợ thường niên, xây dựng các chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm ở tất cả các huyện, thị xã và thành phố trong và ngoài tỉnh; trên các sàn thương mại điện tử được triển khai mạnh mẽ. Qua đó, giúp các chủ thể có nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu có thêm: 3 huyện, 21 xã, 84 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 2 huyện, 49 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã, 30 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó có 3 sản phẩm OCOP được xếp hạng 5 sao.
Để đạt được điều này, yếu tố quyết định sự thành công là nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân. Người đứng đầu phải làm tốt công tác định hướng, dẫn dắt, phải biết lắng nghe và cầu thị; cán bộ, đảng viên phải sát thực tiễn, trưởng thành, gắn bó, gần dân để thực hiện đúng, trúng nhiệm vụ đề ra; phải luôn đặt trong tâm thế làm thực chất, thụ hưởng thực chất, hiệu quả bền vững, làm sao để đưa mức sống của người dân quê tiệm cận với mức sống ở đô thị, tuyệt đối không chạy theo bệnh thành tích; phải có chủ trương sát đúng với thực tiễn, cơ chế phát huy tính sáng tạo, đóng góp, chủ động tích cực cũng như làm tăng lên sự gắn kết, niềm tin giữa dân với Đảng; các thôn, cộng đồng dân cư phải là hạt nhân trong XD NTM. Như vậy phong trào XD NTM sẽ đạt được hiệu quả thực chất và vững bền.
Yến HoàngBộ Công Thương vừa công bố điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 23/1, với mức giảm ở các mặt hàng xăng và tiếp tục tăng với dầu.