Thanh Hóa: Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực cho phát triển
Là vùng đất địa đầu của miền Trung kiên dũng, miền đất có truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng lâu đời, phong phú và đa dạng; cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là nơi phát tích nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng từ thời đại các Vua Hùng dựng nước. Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ quan điểm xây dựng và phát triển Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, một cực tăng trưởng mới.
Là vùng đất địa đầu của miền Trung kiên dũng, miền đất có truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng lâu đời, phong phú và đa dạng; cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là nơi phát tích nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng từ thời đại các Vua Hùng dựng nước. Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ quan điểm xây dựng và phát triển Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, một cực tăng trưởng mới. Để đạt được mục tiêu này, Thanh Hóa cần phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng của vùng đất và con người xứ Thanh. Từ đó, mở ra lợi thế từ tư duy và tầm nhìn mới, phấn đấu vươn lên thành một tỉnh giàu mạnh ở khu vực Bắc miền Trung.
Trước hết, Thanh Hóa có một khối lượng di sản (gồm vật thể và phi vật thể) để lại cho hậu thế chúng ta hết sức phong phú và đa dạng. Với hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa; nhiều danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc nghệ thuật, đền đài tiêu biểu như: Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ; di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu; di tích lịch sử quốc gia Phủ Trịnh, Gia Miêu - Triệu Tường; các khu, điểm du lịch nổi tiếng như: Sầm Sơn, Bến En, Hải Tiến, Hải Hòa…
Vùng đất Thanh Hóa cũng sáng tạo và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo, mang sắc thái riêng của 7 dân tộc anh em; đó là các làng nghề truyền thống nổi tiếng của người Kinh, Mường, Khơ Mú, Mông, Dao, Thái, Thổ. Các trò diễn dân gian (Trò Xuân Phả, trò Chiềng, Pồn Poong, Kim Chiêng Bọoc Mạy…) các lễ hội truyền thống (Lễ hội Bà Triệu, Lễ hội Lê Hoàn, Lễ hội Lam Kinh…) đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân Thanh Hóa.
Thanh Hóa cũng là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường, nơi phát tích nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, vùng đất đã gắn liền với sự tồn vong, hưng thịnh của quốc gia, dân tộc. Người Thanh Hóa xưa và nay đã viết nên nhiều trang sử hào hùng của dân tộc, lưu danh sử sách với những nhân vật kiệt xuất như: Triệu Thị Trinh, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi… và các Vương triều trong lịch sử dân tộc như Vương triều Lê (tiền Lê, hậu Lê), vương triều Hồ, Vương triều Nguyễn…
Xứ Thanh còn là vùng đất hiếu học. Trong dòng chảy lịch sử khoa bảng nước nhà, Thanh Hóa đã có 1627 các nhà khoa bảng, trong đó có 240 tiến sĩ, với nhiều tên tuổi được lưu danh muôn thuở trên các lĩnh vực văn hóa, sử học, quân sự, ngoại giao nổi tiếng như: Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Lương Đắc Bằng, Đào Duy Từ…
Tiếp nối tinh thần quật cường trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, người dân Thanh Hóa đã đoàn kết, không ngại hy sinh, gian khổ, chiến đấu kiên cường làm tròn vai trò là hậu phương lớn, cùng với cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên chấn động địa cầu. Bác Hồ nói: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".
Rồi đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xứ Thanh lại tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến và bảo vệ vững chắc hậu phương XHCN. Nhiều tên đất, tên làng của xứ Thanh (Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực, Đông Sơn, Đồi C4, Đò Lèn…) đã đi vào lịch sử như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng… Với truyền thống trọng đạo lý, giàu nghĩa nhân văn. Đó chính là sức mạnh nội sinh, là nền tảng vững chắc, tạo động lực xây dựng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng của vùng đất và con người xứ Thanh, Thanh Hóa đã chuyển mình và có nhiều bứt phá mạnh mẽ; kinh tế luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Đời sống vật chất, tinh thần và trình độ dân trí của người dân được nâng lên; giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được bảo tồn và phát huy; môi trường văn hóa ngày càng lành mạnh; thiết chế văn hóa cơ sở được cũng cố, từng bước phát triển. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố và nâng cao.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa tương xứng với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng của xứ Thanh. Chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, sức mạnh nội sinh của đất và người xứ Thanh. Nhiều giá trị nổi bật, phẩm chất tốt đẹp của con người Thanh Hóa chưa được khai thác phát huy tốt.
Phát triển văn hóa chưa được đặt ngang hàng với kinh tế như quan điểm chỉ đạo của Đảng; cơ chế, chính sách về văn hóa, về đào tạo, thu hút nhân tài chưa đồng bộ, chưa phát huy các nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực của nhân dân một cách hiệu quả. Còn thiếu những người hiểu sâu rộng về lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thiếu những chuyên gia đầu ngành. Công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu; chưa xây dựng được sản phẩm văn hóa đặc sắc, nổi trội; chưa gắn sản phẩm văn hóa với phát triển du lịch, tạo nên thương hiệu của du lịch Thanh Hóa. Trang phục, tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian và mỹ tục của đồng bào dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một, song chưa có biện pháp quyết liệt để bảo tồn.
Để sớm đạt mục tiêu "đến năm 2030 Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, là một trong những trung tâm lớn về văn hóa của khu vực và cả nước…", theo Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, cần thiết phải phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng của vùng đất và con người xứ Thanh trở thành động lực cho sự phát triển. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần tập trung làm tốt những việc sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu của các nghị quyết, chỉ thị về văn hóa, văn nghệ của Trung ương, của tỉnh. Chú trọng xây dựng văn hóa trên tất cả các lĩnh vực; đặt phát triển văn hóa ngang hàng với phát triển kinh tế; xác định văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển đất nước, quê hương.
Thứ hai, phát huy giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa, tập trung xây dựng con người Thanh Hóa kiểu mẫu với các phẩm chất tiêu biểu: Giàu lòng yêu quê hương, đất nước, có trách nhiệm công dân; trung thực, sáng tạo, có lý tưởng vươn lên trong cuộc sống; xây dựng môi trường văn hóa, gia đình, làng bản, thôn, xóm, xã phường, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp kiểu mẫu làm nền tảng để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, quê hương.
Thứ ba, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, kêu gọi, khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu quê hương, đất nước trong đội ngũ trí thức, doanh nhân người Thanh Hóa để tiếp tục có những đóng góp, cống hiến, đầu tư nguồn lực phát triển. Chú trọng phát huy nhân tố con người, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, xem đây là một trong những khâu đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Thứ tư, ban hành cơ chế chính sách chuyên biệt về văn hóa, đặc biệt là công tác bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Tập trung nguồn lực đầu tư các dự án bảo tồn và phát huy hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đang xuống cấp nghiêm trọng.
Thứ năm, chọn lựa các loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc, các làng nghề tiêu biểu, quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch với đầy đủ các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng…; nghiên cứu phục hồi, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, xây dựng thành thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc trưng Thanh Hóa, làm giàu sắc thái văn hóa xứ Thanh.
Thứ sáu, tăng cường tuyên truyền về giá trị văn hóa, lịch sử, cách mạng của quê hương Thanh Hóa. Trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng đã được đúc kết từ ngàn đời, biến chúng thành động lực trong học tập, lao động và sản xuất. Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo nên sức mạng nội sinh, chung sức, đồng lòng cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đưa Thanh Hóa sớm trở nên thịnh vượng, kiểu mẫu…
Phát huy những thế mạnh sẵn có về đất đai, về truyền thống quý báu, là nguồn cội sức mạnh, tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân xứ Thanh vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên, quyết tâm xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; chung sức đồng lòng xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành "Tỉnh kiểu mẫu" như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Phạm Nguyên Hồng - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh - Giám đốc Sở VHTTDL Thanh HoáCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.