Thanh Hóa: Doanh nghiệp đẩy mạnh tái cấu trúc, phục hồi sản xuất kinh doanh
Trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, chi phí sản xuất gia tăng, dòng tiền bị đứt gãy khiến cho nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa gặp khó khăn. Song, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc lại hoạt động, linh hoạt xoay chuyển theo diễn biến thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng phân khúc khách hàng và tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm.
Tái cấu trúc doanh nghiệp được hiểu là quá trình tổ chức, sắp xếp lại hoạt động của doanh nghiệp nhằm đem lại hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt hơn. Tại Thanh Hoá, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn đã đặt ra những đòi hỏi tất yếu buộc các doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại hoạt động. Tuy nhiên, tuỳ vào nhu cầu và điều kiện thực tế mà việc tái cấu trúc có thể tiến hành cục bộ tại một hay nhiều mảng của doanh nghiệp như nhân sự, tài chính, sản xuất, thị trường… làm sao giúp doanh nghiệp phát triển, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Một trong những lĩnh vực đang được tái cấu trúc sâu rộng là ngành dệt may. Hiện nay, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đổi mới công nghệ để bắt nhịp xu hướng và mở rộng thị trường, tăng năng suất lao động, hiệu quả cạnh tranh.
Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, ngành công nghiệp dệt may Thanh Hóa trong những năm gần đây đã có những bước phát triển đáng kể với tổng số 286 doanh nghiệp. Hiện có khoảng 75% các doanh nghiệp dệt may đã chủ động đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, từng bước tự động hóa các khâu sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang ứng dụng các giải pháp số hóa trong quản trị như: Sử dụng hệ thống chấm công tự động để quản lý nhân sự từ xa; ứng dụng các phần mềm kế toán, quản lý kho hàng, thực hiện giao dịch thương mại điện tử, ký kết đơn hàng trực tuyến với khách hàng... Qua đó giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường.
Tập đoàn Tiên Sơn có 3 nhà máy may gia công xuất khẩu sản phẩm may mặc tại thị xã Bỉm Sơn, Yên Định, Thạch Thành, với trên 2.000 công nhân. Hiện đơn vị đang là đối tác chiến lược may gia công tại Việt Nam của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới.
Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, Tập đoàn Tiên Sơn đã không ngừng đầu tư các trang thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại cho các công đoạn sản xuất như: máy vẽ sơ đồ tự động, máy cắt, may tự động, máy trải vải, máy cuộn viền,máy kiểm tra vải, máy tời vải…
Bên cạnh đó, Tập đoàn luôn quan tâm đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề, kỹ thuật. Việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ tự động trong quá trình sử dụng đã giúp các sản phẩm tạo ra giảm thiểu được rủi ro, sai sót do thao tác của công nhân, nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ mức kinh tế kỹ thuật, tiết giảm chi phí tối đa để có giá thành cạnh tranh là cơ sở để phát triển khách hàng mới, đơn hàng mới.
Để có thể trụ lại trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chủ động rà soát lại các chi phí để cắt giảm tối đa; đồng thời tìm những thị trường ngách, đơn hàng nhỏ để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân chờ thị trường phục hồi.
Thời gian này, các nhà máy cũng ưu tiên tái cấu trúc lại dây chuyền sản xuất, đầu tư trang thiết bị để giảm chi phí nhân công, tăng cường chuyển đổi công nghệ, tăng sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, để bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới, các doanh nghiệp cũng đa dạng hoá sản phẩm, chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, tập trung vào tiêu chí sản phẩm chất lượng nhưng giá tốt, phù hợp với thị hiếu khách hàng và chú trọng chính sách hậu mãi.
Tuy nhiên, việc tập trung đào tạo nguồn nhận lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của từng ngành, từng doanh nghiệp trong những năm tới cũng là bài toán mà những nhà hoạch định chiến lược và các doanh nghiệp phải nhanh chóng tìm lời giải.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần phải tiếp tục cải tiến hệ thống quản lý, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn vững thì mới đáp ứng được nhu cầu thực tại của nền kinh tế và mới chen chân được vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. Đây cũng là cách trực tiếp truyền tải tri thức vào trong sản phẩm.
Tỉnh Thanh Hoá hiện có hơn 21 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Linh hoạt tái cấu trúc hoạt động để thích ứng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực biến thách thức thành cơ hội, giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh và tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Yến HoàngSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.