Thanh Hóa: Doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo việc làm cho người lao động

Địa phương
10:21 PM 09/02/2023

Người lao động là nguồn lực quan trọng của doanh nghiệp. Chính vì vậy, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do thị trường biến động, đơn hàng sụt giảm, song các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn nỗ lực duy trì việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động.

Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, một số ngành sử dụng nhiều lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí, công nghiệp phụ trợ gặp khó khăn do bị cắt giảm đơn hàng... Tình trạng này được dự báo sẽ còn kéo dài đến hết quý I, thậm chí sang cả quý II/2023, ảnh hưởng tới bảo đảm việc làm cho người lao động.

Thanh Hóa: Doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo việc làm cho người lao động - Ảnh 1.

Thanh Hóa hiện có khoảng 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Khu vực doanh nghiệp đang giải quyết việc làm cho trên 350.000 lao động. Theo các chuyên gia kinh tế, đảm bảo việc làm, đời sống cho người lao động và đưa ra được những phúc lợi hiệu quả sẽ tác động không nhỏ đến thành công của mỗi doanh nghiệp. 

Bởi doanh nghiệp thực hiện tốt phúc lợi cho người lao động sẽ tạo ra nền tảng phát huy nội lực cho sự phát triển, kích thích sáng kiến và sự tận tâm của người lao động. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhiều dự báo cho thấy, trong thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường, tạo ra những thách thức lớn với nền kinh tế và thị trường lao động. Do đó, trong lúc này, doanh nghiệp cần thực hiện các chính sách giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, ổn định thị trường lao động, duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh để sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng.

Thanh Hóa: Doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo việc làm cho người lao động - Ảnh 2.

Trước khó khăn, thách thức, thay vì cắt giảm lao động, một số doanh nghiệp đã thực hiện giải pháp chia đều việc cho công nhân, sẵn sàng chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất. Đồng thời, tích cực tìm kiếm đơn hàng mới, khách hàng mới để người lao động có việc làm, đảm bảo thu nhập. Điều tiết sản xuất để bảo đảm việc làm cho người lao động là giải pháp được các doanh nghiệp vận dụng và cũng chính là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại.

Tại Công ty TNHH S&D Chi nhánh Thanh Hóa, không chỉ lương, thưởng, các quyền lợi, chế độ khác được thực hiện đầy đủ, đúng thời gian theo quy định, mà môi trường, điều kiện làm việc luôn được chủ doanh nghiệp quan tâm cải thiện. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp chủ động, linh hoạt cơ cấu lại mặt hàng có lợi thế; bảo đảm duy trì sản xuất, việc làm ổn định cho công nhân lao động ngay sau kỳ nghỉ Tết. Đây là yếu tố quan trọng để trên 500 công nhân, người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Thanh Hóa: Doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo việc làm cho người lao động - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Linh, Công nhân Công ty TNHH S&D Chi nhánh Thanh Hóa cho biết, cho đến nay chị và nhiều lao động trong công ty chưa phải nghỉ việc ngày nào, mặc dù khó khăn như vậy, nhưng công ty không chỉ tạo việc làm đầy đủ mà còn đảm bảo chế độ đầy đủ cho người công nhân trong khó khăn. Được lãnh đạo công ty quan tâm, rất nhiều người lao động vừa được học nâng cao tay nghề, vừa có thu nhập đáp ứng được thị trường hiện tại, hy vọng 2023 thị trường tốt hơn.

Ông Phạm Anh Phong, Phó Giám đốc Công ty TNHH S&D Chi nhánh Thanh Hóa cũng cho biết: "Mặc dù thị trường ngành may mặc năm 2022 khó khăn và năm 2023 vẫn khó khăn, tuy nhiên chúng tôi vẫn cam kết đầy đủ đơn hàng và đảm bảo đầy đủ việc làm cho người lao động, lương thưởng, mọi chế độ tốt. Và chúng tôi vẫn tiếp tục tuyển thêm lao động, tuyển thêm công nhân để mở rộng sản xuất kinh doanh ưu tiên khu vực gần công ty để lao động đi làm đầy đủ, khu vực phát triển. Hiện nay chúng tôi vẫn cố gắng duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động. Cũng mong người lao động vượt qua giai đoạn này sẽ gắn bó với công ty để làm ra những sản phẩm phục vụ khách hàng tốt nhất".

Thanh Hóa: Doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo việc làm cho người lao động - Ảnh 4.

Thiếu đơn hàng, phải cắt giảm lao động, nhưng khi có đơn hàng trở lại, các doanh nghiệp sẽ phải xoay sở tìm lao động. Nhiều doanh nghiệp đã thấm bài học này khi cứ sau mỗi dịp Tết, xu hướng người lao động chuyển việc, nhảy việc tăng cao. Thực trạng này đã khiến các doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí tuyển dụng, chi phí đào tạo và thời gian để vận hành lại bộ máy,... ảnh hưởng trực tiếp đến khâu sản xuất, tiến độ giao hàng. Chính vì vậy, mặc dù khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn đang cố gắng tìm kiếm đơn hàng, đảm bảo việc làm để giữ chân người lao động, đón đầu cơ hội khi thị trường phục hồi trở lại.

Ông Chae Jong Jin, Tổng Giám đốc Công ty TNHH IVORY Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Năm 2023 công ty nỗ lực nhận nhiều đơn hàng của khách hàng để đảm bảo việc làm ổn định cho toàn bộ cán bộ công nhân viên công ty. Nhờ toàn bộ sự cố gắng của công nhân lao động làm năng suất, đảm bảo lịch xuất hàng, khách hàng rất tin tưởng và chuyển hàng liên tục về, người lao động có việc làm. Và kế hoạch năm 2023, công ty sẽ tuyển thêm khoảng 500 công nhân nữa đảm bảo cho sự phát triển của công ty. Nỗ lực duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động của công ty trong thời gian qua không chỉ tạo thêm sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp mà qua đó còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phục hồi sản xuất - kinh doanh, Sở Công Thương đã thường xuyên trao đổi, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng triển khai những hình thức xúc tiến thương mại, đặc biệt là áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương giữa DN Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại những thị trường có khả năng phục hồi sớm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… và từng bước mở rộng sang các thị trường khác. Đây là một trong những chính sách thiết thực, không chỉ giúp người lao động và doanh nghiệp có thêm nguồn lực vượt qua giai đoạn khó khăn mà quan trọng hơn là trở thành điểm tựa để họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống người lao động, đảm bảo phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn