Thanh Hóa: Doanh nghiệp sẵn sàng chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết 2024
Còn gần 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024, các siêu thị, hệ thống các cửa hàng tiện ích, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị, đa dạng nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp nghỉ lễ đặc biệt này.
Ổn định giá cả, nguồn cung
Khảo sát tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, chợ đầu mối trên địa bàn TP. Thanh Hóa, hàng hóa hiện nay tương đối phong phú, đa dạng và giá một số mặt hàng thiết yếu vẫn giữ mức ổn định. Cùng với đó, tại các siêu thị BigC, Co.opMart và hệ thống cửa hàng, siêu thị Vinmart, Vinmart+, hàng hóa phục vụ tết như: bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, gạo nếp, thực phẩm tươi sống đã có mặt trên các kệ hàng. Hầu hết các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Thanh Hóa đều cam kết không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa và tăng giá đột biến.
Ngay từ đầu tháng 11, sức mua của người tiêu dùng đã có xu hướng tăng dần, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đưa hàng hóa Tết ra thị trường. So với năm ngoái, năm nay lượng hàng hóa Tết không tăng nhiều vì doanh nghiệp lo ngại sức mua giảm. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị nhiều mẫu mã hàng Tết phong phú, đa dạng ra thị trường để khách hàng có thể lựa chọn và đặt trước.
Dựa theo tình hình tiêu dùng năm nay, kế hoạch sản xuất đều được các DN hoàn thiện xong trong tháng 10 để đảm bảo nguồn cung ứng đầy đủ, tránh tình trạng thiếu hàng dịp tết đến.
Theo anh Nguyễn Công Dương, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại Sao Khuê, huyện Đông Sơn cho biết: "Dịp cuối năm là thời điểm sức tiêu thụ tăng khoảng 30%. Vì thế, công ty chúng tôi cũng phải lên kế hoạch sản xuất sao cho hợp lý, không quá tồn đọng hàng mà cũng không để tình trạng khan hiếm hàng xảy ra. Đồng thời, để tri ân khách hàng và các đại lý bán lẻ, chúng tôi cũng đã có nhiều chương trình giảm giá cũng như chiết khấu phần trăm riêng cho từng đối tượng.
Công ty cam kết giữ giá ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trước, trong và sau Tết. Tính đến nay, công tác chuẩn bị hầu như đều đã được hoàn tất, dự tính xuất bán ra thị trường dịp tết khoảng 5.000 tấn gạo".
Về phía DN phân phối lớn như Winmart, GO!, Co.op Mart... nguồn cung hàng hóa cũng được dự báo tăng đáng kể, các DN bán lẻ cũng đã sẵn sàng nguồn hàng dự trữ để phục vụ thị trường Tết.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc siêu thị Co.opmart Thanh Hóa chia sẻ: đơn vị cũng đã có kế hoạch Tết cách đây hơn 3 tháng để cùng đồng hành, chia sẻ với nhà sản xuất và bảo đảm nguồn hàng, đồng thời tham gia bình ổn thị trường.
Theo đó, siêu thị Co.op mark Thanh Hóa linh động phối hợp với nhà cung cấp, đối tác nhằm tiết giảm tối đa chi phí sản xuất và giảm lợi nhuận để giữ ổn định giá hàng hóa trong ngắn hạn nhằm mang lại giá cả hợp lý trong dịp Tết sắp tới.
Năm nay, dự báo sức mua toàn thị trường cũng sẽ tăng từ 20 - 30% trong dịp tết. Vì vậy các hoạt động khuyến mãi hàng tết sẽ được siêu thị triển khai trước tết gần 2 tháng, bắt đầu từ nửa cuối tháng 11/2023. Trong đó có một số chương trình nổi bật như: vòng quay triệu phú, mỗi khách hàng mua sắm hơn 500.000 đồng hoặc 1 triệu đồng trở lên sẽ có cơ hội nhận quà với giá trị tương ứng.
Ngoài ra, vào thứ 2, 4, 6 trong tuần sẽ có nhiều sản phẩm đồng giá từ 10.000 đồng áp dụng cả mua trực tiếp và mua trên ứng dụng của siêu thị. Sản phẩm được trợ giá dưới hình thức giảm giá trực tiếp, tặng kèm sản phẩm, giảm bằng giá gốc, mua càng nhiều ưu đãi càng lớn… qua đó giúp khách hàng tiết kiệm từ 10 – 50% ngân sách chi tiêu. Thời điểm này, Co.op mart Thanh Hóa cũng đang tích cực giới thiệu các giỏ quà tết gồm trái cây, bánh kẹo... hầu hết đều ưu tiên hàng Việt chất lượng cao.
Nhìn chung, một số sản phẩm bán chạy trong dịp Tết là xúc xích, thịt hun khói, chân giò, bánh xếp Hàn Quốc... nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Minh Đào Dũng cũng đang lên kế hoạch dự trữ hơn 40% nguồn hàng để phân phối cho hơn 20 cửa hàng, tạp hóa trên toàn TP Thanh Hóa. Tuy giá nhập vào có tăng hơn so với năm trước nhưng công ty vẫn đang nỗ lực cân đối tài chính để đưa ra thị trường các sản phẩm với giá cả hợp lý nhất trong dịp Tết Nguyên đán này.
Theo chị Lê Thị Hương, quản lý cửa hàng Winmart, đường Lạc Long Quân (TP. Thanh Hóa), cho biết: dự tính các mặt hàng tươi sống sẽ tăng khoảng 40% do năm nay người dân có xu hướng chi tiêu tiết kiệm, chỉ ưu tiên các mặt hàng có tính thiết yếu. Chính vì vậy, đầu mối thu mua chung của toàn siêu thị đã đàm phán với nhiều nguồn cung sản xuất khác nhau để lượng cung ứng cao hơn so với năm trước.
Điển hình như thịt lợn cao hơn 20%, thịt gà cao hơn 25%, các loại rau củ quả khác 15%. Bên cạnh đó, siêu thị cũng sẽ chạy thêm nhiều chương trình khuyến mãi cho nhiều mặt hàng truyền thống như: bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng, bánh kẹo... áp dụng cho tất cả khách hàng mua trực tiếp và trực tuyến.
Hiện tại, tỷ giá tăng khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của DN lương thực, thực phẩm bị đội lên nhưng trong bối cảnh khó khăn này, DN chấp nhận lợi nhuận thấp, thậm chí huề vốn để bán được hàng, tham gia bình ổn thị trường. Nhiều DN đã đầu tư số hóa khâu sản xuất, cải tiến logistics để giảm chi phí. Từ nay đến cuối năm, DN đẩy mạnh kích cầu, tham gia tất cả chương trình khuyến mãi của Thành phố phát động với hy vọng cầu thị trường tăng tốt.
Kiểm soát chất lượng
Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho dịp lễ, tết, Sở Công Thương cũng đã có yêu cầu các DN, các nhà phân phối phải có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định và triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra, sở cũng sẽ phối hợp các đơn vị có liên quan để kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; đồng thời kiểm soát tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... để người dân có thể yên tâm mua sắm dịp tết đến, xuân về.
Nhiều mặt hàng OCOP được đưa vào bày bán phục vụ Tết. Hiện toàn tỉnh có 436 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 - 5 sao, xếp thứ 2 toàn quốc về số lượng... Đây là những sản phẩm đặc sản của địa phương và đủ điều kiện tiêu thụ trên thị trường nội địa. Chất lượng sản phẩm luôn được lựa chọn, kiểm duyệt nghiêm ngặt. Đến nay, siêu thị đã nhận đơn đặt hàng gói quà Tết của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh để làm quà biếu mừng xuân với ý nghĩa, giá trị cao.
Theo ông Phạm Bá Oai - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa dự báo, sức mua mùa Tết Giáp Thìn năm 2024 sẽ tăng hơn so với Tết Quý Mão 2023. Nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, nhất là Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở đã làm việc với các đơn vị để bình ổn thị trường, tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại, các chương trình kết nối cung cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng.
Ngoài ra, Sở cũng sẽ phối hợp với các tỉnh, thành tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa tốt nhất cho người tiêu dùng. Đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bình ổn thị trường sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, sẵn sàng bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ...; kiên quyết không để tình trạng thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.
Việc ổn định nguồn cung, kiểm soát chất lượng kịp thời là những khẳng định từ Sở Công Thương nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng. Các sở, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp cũng đang lên kế hoạch kích cầu mua sắm như: tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
Yến HoàngTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.