Thanh Hóa: Dồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Địa phương
10:04 PM 06/01/2025

Để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra mục tiêu tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 140 nghìn tỷ đồng.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Thanh Hóa bình quân hàng năm (giai đoạn 2021 - 2024) ước đạt 9,92%. Cụ thể, năm 2021 đạt 9,44%; năm 2022 đạt 12,40%; năm 2023 đạt 7,01%.

Thanh Hóa: Dồn lực phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 1.

Riêng năm 2024 ước đạt 11,72%, đứng thứ 4 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất nước với quy mô GRDP (giá hiện hành) ước đạt 318.752 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

Cụ thể, trong năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,31%, ngành công nghiệp, xây dựng tăng 16,84%%; các ngành dịch vụ tăng 8,51%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,07%. Giúp cơ cấu kinh tế Thanh Hóa hướng tới mục tiêu tới năm 2025, có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên. Trong đó, cơ cấu các ngành kinh tế: nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 12%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 51%; dịch vụ chiếm khoảng 30%; thuế sản phẩm chiếm khoảng 7%.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa Lê Minh Nghĩa đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, sớm đưa các dự án hoàn thành, đi vào hoạt động. Đối với các dự án đang triển khai thực hiện, các đơn vị được giao làm đầu mối theo dõi dự án tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư tập trung nhân lực, nguồn lực để triển khai thực hiện dự án bảo đảm tiến độ cam kết; thường xuyên theo dõi, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết...

Đối với các dự án đang thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư, chưa triển khai thực hiện, các đơn vị được giao làm đầu mối theo dõi dự án, UBND cấp huyện nơi có dự án thực hiện chủ động nắm bắt tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư, các khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi để dự án sớm triển khai thực hiện...

Thanh Hóa: Dồn lực phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 2.

Cảng biển Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Đối với nhóm dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết liệt, tích cực hơn nữa trong công tác GPMB, phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của các dự án lớn, trọng điểm, tạo sự đồng thuận, ủng hộ việc triển khai thực hiện trên địa bàn; thực hiện nghiêm việc ký cam kết tiến độ bàn giao mặt bằng sạch với các nhà đầu tư.

Nhiều dự án lớn, có vai trò quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được chấp thuận chủ trương đầu tư như: Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn (5.500 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa (3.199 tỷ đồng); Trung tâm thương mại Aeon Mall Thanh Hóa (180,46 triệu USD), Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đầu tư nâng cấp Cảng Nghi Sơn, đầu tư hạ tầng Cảng hàng không Thọ Xuân,...

Ngoài ra, các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng các đô thị lớn, hạ tầng KKT Nghi Sơn và các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông được quan tâm đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp xã, hạ tầng cấp điện phát triển rộng khắp đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống cấp điện, hạ tầng thương mại tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương,... cũng đều được Thanh Hóa quan tâm đầu tư, đồng bộ.

Để tiếp tục thu hút các dự án đầu tư mới ngoài ngân sách, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa Lê Minh Nghĩa khẳng định: các cấp, ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục nâng cao tính năng động, linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc; đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm hoàn thành các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tập trung thu hút các nhà đầu tư để sớm đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh.

Với việc tập trung đầu tư có hiệu quả phát triển tốt hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đã tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa có những bước phát triển đột phá.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Hoa Kỳ - thị trường giàu tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa Hoa Kỳ - thị trường giàu tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa

Hoa Kỳ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, cũng là thị trường trọng điểm mà nhiều doanh nghiệp hướng đến để thúc đẩy các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.