Thanh Hóa: Đón Tết với sản phẩm OCOP

Địa phương
09:25 PM 25/01/2022

Đại dịch COVID-19 kéo dài, khiến năm 2021 là một năm đầy khó khăn, nhưng đối với những đơn vị có sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP thì đây lại là một năm để “bùng nổ” mạnh mẽ các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại và đặc biệt là thương mại hóa sản phẩm OCOP.

Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu của thị trường về các sản phẩm OCOP tăng cao, không chỉ đơn thuần là sử dụng mà còn làm quà biếu. Để tạo sức lan tỏa và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, các chủ thể đã tiếp cận với phương thức bán hàng trực tuyến, đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử, nhờ vậy mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn ổn định.

Thanh Hóa: Đón Tết với sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Sản phẩm Bưởi "Tiến Vua" Luận Thành được đóng trong các giỏ quà ngày Tết

Với "OCOP - Mỗi xã, phường một sản phẩm", mô hình được tỉnh Thanh Hóa triển khai từ năm 2018 dựa trên các sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương, nay đã hái "trái ngọt". Cụ thể, OCOP đã đưa các nông sản địa phương từ sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu trở thành sản phẩm hàng hóa, có quy trình sản xuất được kiểm soát khắt khe, có chứng nhận chất lượng. Không còn chỉ bày bán ở chợ, sản phẩm OCOP còn vào các trung tâm thương mại, BigC, Vinmart, tham gia hội chợ hàng Việt tại nhiều tỉnh, ra các hội chợ quốc tế... góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất.

 Chương trình OCOP đã góp phần đưa những sản phẩm truyền thống của địa phương có mặt ở những điểm, kênh kinh doanh tiêu dùng hiện đại, như: cửa hàng tiện ích, siêu thị và các trang thương mại điện tử. Đây là niềm vui, niềm tự hào không chỉ của các cơ sở kinh doanh mà còn của địa phương. Do vậy, huyện luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, từ việc lựa chọn nguyên liệu đến khâu chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm... Hiện tại, 9/9 sản phẩm OCOP đã được công nhận của huyện đều có doanh số bán hàng tăng từ 20% trở lên so với trước khi tham gia chương trình; quy mô sản xuất, giá trị thương hiệu của sản phẩm đều được nâng lên.

Thanh Hóa: Đón Tết với sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Siêu thị BigC Thanh Hóa

Có thể thấy tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là những cửa hàng chuyên giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP, không khí buôn bán nhộn nhịp, các sản phẩm được bổ sung lên kệ hàng liên tục vì sức người mua tăng. Đặc biệt, các mặt hàng, như: miến gạo Thăng Long, gạo sạch Hương Quê (Nông Cống), tương Làng Ái (Yên Định), bánh nhãn Hồi Xuân (Quan Hóa)... hết hàng rất nhanh. Trên từng sản phẩm đều ghi ngày, tháng sản xuất và hạn sử dụng; có những sản phẩm còn được đóng thành những túi quà, giỏ quà tặng, làm quà biếu trông trang trọng, đẹp mắt.

Giờ đây, người tiêu dùng đã xem nhãn OCOP trên sản phẩm như một lời cam kết cho chất lượng hàng nông sản, thực phẩm, thảo dược... của tỉnh. Hiện Thanh Hóa có 158 sản phẩm OCOP, trong đó có 108 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 9 sản phẩm nhóm đồ uống, còn lại là các sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ và thảo dược. Hầu hết các sản phẩm OCOP đều được hoàn thiện tiêu chuẩn chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể, đăng ký mã QR... nên đã tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới, cho biết: " Với OCOP, việc kêu gọi "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" không còn là khẩu hiệu. Đạt được những kết quả đáng mừng này, không thể phủ nhận OCOP có lợi thế ban đầu rất lớn từ việc người dân tin dùng các sản phẩm là đặc sản lâu đời của quê hương. Và để sản phẩm OCOP không chỉ là danh hiệu và trở thành thương hiệu mạnh được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh yên tâm lựa chọn, tỉnh đang xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng và hoàn thiện sản phẩm; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ để chế biến, chế biến sâu sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; xúc tiến thương mại; hỗ trợ nâng cao năng lực và trình độ của người sản xuất. "Để chinh phục được khách hàng, các doanh nghiệp, HTX OCOP phải đi đầu trong việc đầu tư nâng cấp về chất lượng cũng như uy tín. Người sản xuất phải trực tiếp gắn trách nhiệm của mình với sản phẩm"

Từ việc "ưu tiên", OCOP đã dần trở thành thói quen tiêu dùng hàng ngày của nhiều người dân. Tuy vậy, để sản phẩm trở thành thương hiệu mạnh, đi xa hơn, vươn ra thị trường lớn hơn, mang lại lợi ích cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng, OCOP còn rất nhiều việc phải làm. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng, quan tâm quảng bá sản phẩm OCOP của các địa phương, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, người dân sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm OCOP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với giá cả phù hợp trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Vũ Quỳnh
Ý kiến của bạn