Thanh Hóa: Đột phá trong xây dựng nông thôn mới
Sau 12 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo, huy động hiệu quả nguồn lực. Vì thế trong giai đoạn 2010 - 2020 đã có 350 trụ sở UBND xã, 518 trạm y tế, 538 trung tâm văn hóa - thể dục thể thao, hơn 12.000 nhà hiệu bộ và phòng học được xây dựng… Hàng nghìn km giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng và nâng cấp… Diện mạo nông thôn Thanh Hóa đã tạo được sức sống mới, qua đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Triển khai thực hiện đồng bộ
Ngay khi Trung ương vừa ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở. Trong khi ở các tỉnh, đồng chí chủ tịch UBND các cấp làm trưởng ban, thì Thanh Hóa đã mạnh dạn để đồng chí bí thư cấp ủy giữ nhiệm vụ này. Qua vận hành trên thực tiễn cho thấy, việc XDNTM không chỉ là nhiệm vụ riêng từ phía chính quyền mà cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng chí bí thư các cấp làm trưởng ban chỉ đạo XDNTM đã đem lại thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, đến việc thực hiện xuyên suốt các nhiệm vụ liên quan. Sau này, nhiều tỉnh cũng học tập cách làm của Thanh Hóa, tạo được sự thống nhất cao trong Đảng về nhiệm vụ XDNTM.
Khi bắt đầu thực hiện chương trình NTM năm 2010, Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn vì là tỉnh đất rộng, người đông, có 7 huyện nghèo, trong khi hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra. Về tiêu chí xây dựng NTM, Thanh Hóa mới đạt 4,7 tiêu chí/xã, nhiều xã chưa có công sở làm việc, trường học thiếu, trạm y tế chưa đạt chuẩn… Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng với sự vào cuộc của người dân, Thanh Hóa đã huy động hiệu quả nguồn lực xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Đối với công sở UBND xã, trường học, trung tâm văn hóa tập trung nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và ngân sách xã. Những công trình phúc lợi các thôn chủ yếu là sự đóng góp của người dân hiến đất, mở rộng đường…
Căn cứ tình hình, điều kiện thực tế, Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo song hành phát triển nông nghiệp gắn với XDNTM chứ không tách bạch riêng Chương trình XDNTM như nhiều địa phương khác trong cả nước. Nhiệm vụ "Phát triển nông nghiệp và XDNTM" được ghép thành một, xem phát triển nông nghiệp là cơ sở, tiền đề để XDNTM bền vững. Theo đó, trong hơn 10 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa "Chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM" là 1 trong 5 chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm, hàng đầu trong nghị quyết đại hội. Từ đó, các huyện cũng ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ; nghị quyết tại các kỳ đại hội đảng bộ cấp huyện cũng đưa ra nhiều mục tiêu phấn đấu liên quan đến XDNTM. Nền tảng nông nghiệp thực sự đã trở thành "bệ phóng" để các địa phương vươn lên, phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho XDNTM.
Một nổi bật trong XDNTM của Thanh Hóa là từ năm 2014, tỉnh đã ban hành các tiêu chí riêng về "thôn, bản NTM", trong đó có đặc thù cho nhiều thôn, bản miền núi đặc biệt khó khăn, để người dân cùng chính quyền thôn/bản và xã có sự phấn đấu, nỗ lực. Đáng chú ý, 14 tiêu chí riêng của Thanh Hóa dành cho thôn, bản đã mang lại những hiệu quả không ngờ. Một xã muốn đạt chuẩn NTM, thì mỗi thôn phải đạt chuẩn NTM. Khi một thôn/bản đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn, sẽ tạo hiệu ứng để thôn khác phấn đấu. Điều đó tạo được phong trào sâu rộng ở tận vùng sâu, vùng xa đến trung du, đồng bằng. Điều này đã biến cấp thôn thành "hạt nhân" để cấu thành xã NTM, khẳng định xã NTM phải xây trên "nền móng" từ cấp thôn.
Trong quá trình tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, Nhân dân cũng như nhân rộng các điển hình về XDNTM, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa đã cho phát hành bản tin nội bộ hằng tháng. Bản tin được đóng thành quyển nhỏ, như một cẩm nang, được phát hành đến từng xã để chuyển tải những chỉ đạo từ cấp tỉnh, cập nhật những kiến thức mới về chương trình, nêu những cách làm hay và sáng tạo để nhân rộng trên địa bàn nhiều xã. Đây chính là kênh tuyên truyền hiệu quả, xuyên suốt cho chương trình.
Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra kế hoạch có thêm 2 đơn vị cấp huyện, 18 xã đạt chuẩn NTM; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 55 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 60 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,9 tiêu chí/xã. Trong năm nay, tỉnh cũng phấn đấu có thêm 120 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 3 đến 4 sao; trong đó, có thêm 1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia.
Vận dụng linh hoạt sáng tạo
Ngay từ thời điểm đầu thực hiện, thị xã Bỉm Sơn đã phát động phong trào "Toàn dân chung sức XDNTM", phát huy nội lực, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xã NTM, xây dựng điểm các thôn NTM kiểu mẫu. Đi đôi với đó, thị xã nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiệu quả kinh tế cao, phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp quy mô hộ gia đình, tổ hợp tác, làng nghề nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo việc làm tại chỗ cho người lao động khu vực nông thôn. Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì ổn định, cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Giá trị ngành nông nghiệp năm 2022 ước đạt 219,8 tỷ đồng, tăng 100,8 tỷ đồng so với năm 2012. Tính đến hết tháng 10/2022, trên địa bàn thị xã có 13 HTX, trong đó có 5 HTX dịch vụ nông nghiệp. Toàn thị xã cũng đã thu hút được 5 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hơn 80 ha cây trồng các loại được liên kết theo chuỗi. Đến nay, thị xã đã có gần 200 doanh nghiệp thương mại - dịch vụ, hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích; cửa hàng bán lẻ ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, đáp ứng nhu cầu giao thương giữa thị xã với các địa phương lân cận và nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân.
Xác định công tác giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, do đó thị xã đã thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động, như tăng cường công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ và xuất khẩu lao động. Kết quả từ năm 2012 đến tháng 10/2022, thị xã giải quyết việc làm mới cho 19.067 lao động, trong đó, 1.187 lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài. Cơ cấu kinh tế của thị xã chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và thương mại - dịch vụ trong GRDP tăng từ 97,03% năm 2012 lên 99,15% năm 2022, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 2,97% năm 2012 xuống còn 0,85% năm 2022, tỷ trọng lao động công nghiệp - xây dựng tăng từ 35,6% năm 2012 lên 41,8% năm 2022, lao động ngành thương mại - dịch vụ tăng từ 32,4% năm 2012 lên 47% năm 2022, lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn 11,2% năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người toàn thị xã năm 2022 đạt 65,5 triệu đồng (gấp 1,6 lần so với năm 2012).
Với mục tiêu đến năm 2025, huyện Quảng Xương phấn đấu đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao, nên ngay sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2018, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch, lộ trình, đề ra các giải pháp thực hiện, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn, xóm. Trong đó, công tác tuyên tuyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, của huyện về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu được đẩy mạnh, nhằm tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của Nhân dân.
Thời gian qua, cùng với việc tạo điều kiện, khuyến khích nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, gắn với ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững; huyện đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huy động tối đa nguồn lực để tạo khâu đột phá trong xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và thôn NTM kiểu mẫu; phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, lấy phục vụ lợi ích cho Nhân dân làm động lực trong xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng, lợi thế của từng xã, từng vùng để xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, toàn huyện đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để triển khai, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí; vận động Nhân dân tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để xây dựng nhà văn hóa thôn; đường giao thông. Từ đó, hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn được tăng cường đầu tư khang trang, sạch đẹp với hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng gắn với việc trồng hoa, cây xanh ven đường; công tác thu gom, phân loại, xử lý rác thải được thực hiện đúng nơi quy định; nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ, chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng lên, an sinh xã hội được thực hiện tốt; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và hoạt động có hiệu quả; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã xã hội được giữ vững. Đến nay, toàn huyện đã có 07 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 01 xã và 37 thôn được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu…
Thời gian qua, huyện Hà Trung đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM. Trong đó, chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép nội dung triển khai tại các hội nghị bàn giải pháp XDNTM, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân.Để đạt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra về XDNTM, huyện đã tập trung phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Đi đôi với đó, huyện nắm chắc tình hình hoạt động của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các cơ sở sản xuất công nghiệp có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động. Từ năm 2011 đến hết tháng 10/2022, huyện Hà Trung đã huy động tổng kinh phí để thực hiện chương trình XDNTM là 999,225 tỷ đồng. Trong đó, vốn trực tiếp thực hiện chương trình XDNTM là 273,251 tỷ đồng, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 9,5 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp, HTX đầu tư hơn 32 tỷ đồng, vốn tín dụng 135,5 tỷ đồng, còn lại là vốn Nhân dân đóng góp (bao gồm cả tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, vật tư...) và vốn khác. Từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, toàn huyện đã có 14/19 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 3 xã đạt NTM nâng cao là Hà Sơn, Hà Lai, Hà Ninh), bình quân toàn huyện đạt 16,61 tiêu chí/xã. Năm 2023, huyện đề ra kế hoạch 5 xã về đích NTM, đó là Hà Hải, Hà Vinh, Hoạt Giang, Hà Giang, Hà Ngọc và 1 xã về đích NTM kiểu mẫu là Hà Sơn.
Nhờ chung tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, diện mạo nông thôn tiếp tục đổi mới, khởi sắc từng ngày; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên. Từ những kết quả đã đạt được huyện tăng cường triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ và bền vững trên tất cả các lĩnh vực, qua đó làm cơ sở để các địa phương phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong năm 2022 và những năm tiếp theo theo lộ trình, kế hoạch đề ra.
Quá trình thực hiện mục tiêu lớn này, tỉnh Thanh hóa đã chủ động ban hành hàng chục cơ chế, chính sách riêng, lấy từ nguồn ngân sách tỉnh để khuyến khích các huyện, xã, thôn bản phấn đấu, thi đua XDNTM. Xác định chỉ có lòng dân mới là thước đo hiệu quả thực sự trong quá trình XDNTM, Thanh Hóa tiếp tục có "tiêu chí" riêng là "Đánh giá sự hài lòng của người dân". Đây được coi là tiêu chí thứ 20 trong XDNTM mà các tỉnh khác không có. Từ nhiều năm qua, một xã muốn đề nghị thẩm định đạt chuẩn NTM, phải đề nghị ủy ban MTTQ cấp huyện cùng tổ chức các hội nghị lấy ý kiến Nhân dân từng thôn, cộng đồng dân cư. Nếu còn ý kiến về một tiêu chí nào đó, thì hội đồng cấp tỉnh sẽ chưa công nhận đạt chuẩn. Kết quả hội nghị lấy ý kiến tại các thôn phải có biên bản, có chữ ký của đại diện các hộ dân. "Tiêu chí thứ 20" này được đánh giá như là cái kết có hậu cho quá trình nỗ lực của chính quyền và Nhân dân địa phương đó trong hành trình XDNTM, để đưa xã đó, huyện đó "thay đổi về chất".
Với mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như lời Bác Hồ lúc sinh thời từng mong muốn, nên khi XDNTM, tỉnh đã xác định "XDNTM phải gắn với con người kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu, thôn, làng, xã, huyện, tỉnh kiểu mẫu". Theo đó, tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí "kiểu mẫu", phát động và tổ chức các phong trào thi đua "Chung sức XDNTM, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu". Giai đoạn gần đây, việc thẩm định các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu cũng được lưu ý theo quan điểm này, nên ngoài các yêu cầu chung trên nhiều lĩnh vực, mỗi xã phải có một tiêu chí điển hình mang hình mẫu.
Vũ QuỳnhXu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục lan rộng trong tháng 11 khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh cạnh tranh, áp dụng mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn, đặc biệt dành cho các khoản tiền gửi dài hạn.