Thanh Hóa: Du lịch từ “chạm đáy” đến hành trình phục hồi
Đại dịch COVID-19 đã làm cho cả thế giới phải thay đổi. Điều này càng đúng với ngành du lịch, khi cuộc khủng hoảng “chưa từng có tiền lệ” này, đã khiến không ít thời điểm du lịch đã “chạm đáy” tăng trưởng. Để rồi, từng bước phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay, sẽ là một hành trình không ít khó khăn, thách thức.
Dưới sự càn quét của đại dịch COVID-19, du lịch là một trong những lĩnh vực "đứng mũi chịu sào", khi nhiều thời điểm hoạt động du lịch hoàn toàn "đóng băng". Trong bối cảnh chung đó, bức tranh du lịch Thanh Hóa cũng khó tránh khỏi những gam màu tối. Chỉ tính riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4-2021) bùng phát vào đúng cao điểm của du lịch biển, đã khiến hơn 600 cơ sở lưu trú tại các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động hoặc hạn chế hoạt động. Còn tính trong 2 năm 2020 và 2021, lượng khách trong các cơ sở lưu trú giảm 39%, doanh thu giảm 38,7%, công suất sử dụng phòng chỉ đạt từ 25 - 30%/năm. Ước thiệt hại về doanh thu phòng nghỉ khoảng 4.700 tỷ đồng, doanh thu ăn uống du lịch khoảng 6.350 tỷ đồng và doanh thu từ mua sắm, vui chơi, giải trí khoảng hơn 3.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành cũng chịu áp lực rất lớn trong việc bồi hoàn tiền đặt dịch vụ cho khách, giải quyết hủy tour, lùi tour. Theo đó, trong hai năm 2020 và 2021, có khoảng 610 đoàn với hơn 29.000 khách hủy chương trình du lịch đã ký kết, ước thiệt hại tiền đặt cọc dịch vụ hơn 95 tỷ đồng; số lượng các đoàn khách đăng ký tại các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh giảm hơn 95% so với những năm chưa có dịch bệnh. Đứng trước không ít khó khăn, nhiều doanh nghiệp du lịch buộc phải cho nhân viên tạm thời nghỉ không lương, nghỉ phép hoặc luân phiên nhau trực để giảm giờ làm.
Cụ thể, các khách sạn 2 - 5 sao cắt giảm 72 - 75% lao động; các khách sạn, nhà nghỉ có quy mô nhỏ lẻ cắt giảm hơn 92% lao động, chỉ sử dụng lao động tại chỗ; các doanh nghiệp lữ hành cũng thực hiện cắt giảm khoảng 90% lao động. Tính chung trong 2 năm dịch bệnh hoành hành (2020 và 2021), có khoảng 15.000 lao động du lịch tạm thời nghỉ không lương, giảm giờ làm, hoặc thay phiên nhau trực và 25.000 lao động bị mất việc làm.
Để ứng phó với dịch bệnh, nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch buộc phải giảm tần suất, quy mô hoặc tạm dừng và dừng tổ chức; nhiều thời điểm, các khu, điểm du lịch phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng... Điều này dẫn đến lượng khách du lịch giảm sâu, khách quốc tế hầu như không có. Theo thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL), năm 2021, toàn tỉnh ước đón 3,4 triệu lượt khách, giảm 53,7% so với năm 2020 và đạt 28,6% kế hoạch năm; tổng thu du lịch ước đạt 4.840 tỷ đồng, giảm 53,4% so với năm 2020 và đạt 21,2% kế hoạch.
Mặc dù có thời điểm hoạt động du lịch gần như "tê liệt"; các phương án, kịch bản phát triển du lịch gần như bị vô hiệu hóa bởi diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch và khôi phục kinh tế, ngành du lịch Thanh Hóa đã có sự nỗ lực rất lớn để duy trì một số hoạt động du lịch. Đặc biệt, trước yêu cầu phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới; đồng thời với dự báo nhu cầu đi du lịch sẽ tăng cao sau khi dịch bệnh được kiểm soát, sẽ là cơ sở để đẩy nhanh quá trình hồi phục ngành du lịch.
Dù đối diện với nhiều thách thức, song, không thể phủ nhận, trong 2 năm dịch bệnh hoành hành, du lịch vẫn đạt được nhiều thành quả quan trọng, tạo tiền đề hay điểm tựa cho sự "hồi sinh" ngành kinh tế mũi nhọn này. Điển hình là trong 2 năm 2020 và 2021 tỉnh ta đã thu hút được nhiều dự án đầu tư du lịch, như Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn, Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En, Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương (Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời); Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại xã Quảng Nham (Công ty CP ORG); Flamingo Linh Trường Khu B (Công ty CP Flamingo Holding Group)... Theo đánh giá của ngành VHTT&DL, các dự án trên nếu triển khai đúng tiến độ cam kết, thì từ cuối năm 2023 sẽ dần hình thành các sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, thu hút mạnh khách du lịch kể cả phân khúc khách du lịch quốc tế và khách nội địa có thu nhập cao.
Với mục tiêu "an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn và vừa làm vừa hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn", năm 2022, ngành du lịch Thanh Hóa phấn đấu đạt từ 70% mục tiêu kế hoạch đề ra tại Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII (diễn ra từ ngày 8 đến 10-12-2021), ông Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTT&DL, nhấn mạnh: Thời gian tới, ngành VHTT&DL tiếp tục quán triệt, bảo đảm tuyệt đối an toàn tại các điểm đến và an toàn cho khách du lịch. Đồng thời, tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục hồi du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Cụ thể là phối hợp với các cấp, các ngành, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh huy động và tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật như các dự án giao thông kết nối các trọng điểm du lịch trong và ngoài tỉnh; các dự án phục hồi, tôn tạo di tích văn hóa lịch sử; các dự án đầu tư kinh doanh du lịch.
Bên cạnh đó, định hướng, khuyến khích các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nâng cấp, đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật; đổi mới, sáng tạo, xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, đặc sắc; hình thành liên minh kích cầu du lịch với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tích cực triển khai chương trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển du lịch, nhất là các sản phẩm thực tế ảo, thực tế tăng cường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu cập nhật và số hóa dữ liệu du lịch Thanh Hóa phục vụ tuyên truyền trên không gian mạng. Đẩy mạnh truyền thông du lịch Thanh Hóa với thông điệp "Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn" trên các kênh thông tin truyền thông và mạng xã hội. Tập trung nâng chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch gắn với nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, quy định về phòng, chống dịch bệnh và văn hóa ứng xử.
Có thể nói, để biến thách thức thành cơ hội cho du lịch phục hồi và tăng tốc trong năm 2022, là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Song, cùng với việc sở hữu nhiều lợi thế là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn và cơ sở vật chất du lịch ngày càng hoàn thiện; thì sự nỗ lực khống chế dịch bệnh để thích ứng an toàn gắn với khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sẽ là động lực căn bản để từng bước "phá băng" và giúp ngành du lịch thích ứng an toàn với bối cảnh bình thường mới.
Vũ QuỳnhTheo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.