Thanh Hóa: Gần 1.400 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp
Tính đến tháng 6 năm 2024, tỉnh Thanh Hóa có 1.386 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hơn 21.000 lao động. Giúp nâng cao đời sống vật chất cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Tập đoàn TH True MILK, Tập đoàn Xuân Thiện, Tập đoàn DABACO, Công ty cổ phần Nông sản Phú Gia, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn…
Nhằm thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực tích tụ, tập trung đất đai và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Đồng thời, thực hiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Trong 6 tháng năm 2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao được trên 4.000 ha, đạt 66% kế hoạch năm.
Lũy kế đến nay, Thanh Hóa đã tích tụ, tập trung được được gần 54 nghìn ha để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao tại các huyện như: Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nga Sơn, Nông Cống.. tăng giá trị thu nhập từ 1,2 đến 1,5 lần so với sản xuất thông thường. Các mô hình tích tụ đất để trồng cây ăn quả có múi tại huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân… cho thu nhập 500 triệu đồng/ha, lợi nhuận 350 triệu đồng/ha; các mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao ở các huyện ven biển cho thu nhập hàng tỷ đồng 1 ha mỗi năm.
Điển hình, tại huyện miền núi Ngọc Lặc, sau 4 năm, cây vải không hạt - Vải Ngọc, do Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chọn tạo, trồng thử nghiệm với diện tích khoảng 30 ha tại xã Nguyệt Ấn, theo quy trình GlobalGAP đã cho trái ngọt đầu mùa và xuất khẩu hơn 1 tấn sang thị trường Nhật Bản, Vương Quốc Anh, đánh dấu cột mốc mới trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Đây là cơ sở cho việc xác nhận giống đầu dòng để nhân ra diện rộng trong toàn công ty và cung cấp giống cho toàn vùng tạo ra vùng nguyên liệu để xây dựng cơ sở Nhà máy chế biến và đóng gói xuất khẩu. Được biết, công ty đã ươm hơn 20.000 cây vải không hạt để ghép giống vải quý dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng trong những năm tới, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm nông sản chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước trên thế giới.
Phần lớn các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã làm tốt vai trò "cầu nối" trong chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp lúa - cá, phát triển trang trại chăn nuôi tập trung... Từ đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho nông sản.
Dự án Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao Dabaco Việt Nam tại xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam. Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến quý II năm 2023 dự án đã đi vào hoạt động với quy mô chăn nuôi 5.600 lợn nái và 157.000 lợn thịt/năm.
Dự kiến, đàn lợn giống của công ty sẽ cung cấp khoảng 15.000 con lợn bố mẹ và 140.000 lợn thịt/năm, góp phần đáp ứng đủ nguồn lợn giống chất lượng và an toàn, giải quyết thực trạng khan hiếm nguồn cung lợn giống chất lượng cao, cho năng suất tối ưu trong chăn nuôi, cung cấp thịt lợn sạch cho thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu; đóng góp vào chỉ tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp Thanh Hóa.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một trong những hướng đi đang được nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện.
Yến HoàngThành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.