Thanh Hóa: Gắn phát triển thương mại với chuyển đổi số

Địa phương
09:32 PM 02/09/2022

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 9.144 trạm thu, phát sóng thông tin di động, tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 99,7%. Trục tích hợp nội tỉnh LGSP kết nối, liên thông với hệ thống của quốc gia, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã.

Thanh Hóa: Gắn phát triển thương mại với chuyển đổi số - Ảnh 1.

Ứng dụng thanh toán điện tử tại hệ thống Siêu thị WinMart.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện đã có 70% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong giao dịch và trao đổi thông tin; 50% doanh nghiệp có website riêng, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm; 35% doanh nghiệp tham gia website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, 10% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý và kinh doanh. Các hình thức thanh toán điện tử cũng được các doanh nghiệp triển khai ứng dụng và cập nhật phổ biến. Đây là cơ sở quan trọng để các đơn vị trong tỉnh thực hiện công tác chuyển đổi số. Đồng thời, gắn phát triển Thương mại điện tử với chuyển đổi số.

Thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển thị trường, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số. Đây cũng đang là xu thế lớn trong phát triển thương mại của toàn cầu.

Nắm bắt xu hướng này, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã cập nhật, ứng dụng nhanh các phần mềm Thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm... Điều này đã và đang mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích. Có không ít doanh nghiệp đã tạo được sự đột phá trong kinh doanh nhờ vào phát triển Thương mại điện tử. Công ty TNHH Thanh Thành Tùng, phường An Hưng (TP Thanh Hóa), là đơn vị chuyên khai thác, chế tác sản phẩm đá tự nhiên. Với mặt hàng khá cồng kềnh, song từ năm 2017, công ty đã đầu tư kinh phí để thực hiện việc giới thiệu, bán sản phẩm trên Google. Tiếp đó, công ty phát triển thương mại điện tử trên các kênh facebook, tittok. Đồng thời, xây dựng website riêng được tích hợp nhiều ứng dụng. Ngoài việc giới thiệu về cơ sở hạ tầng, quy mô sản xuất, các sản phẩm, website còn có chế độ tự động chạy số hotline và bảng nội dung hỗ trợ giúp khách hàng dễ dàng liên hệ để được tư vấn và đặt hàng dù ở xa. Cùng với việc phát triển thương mại điện tử trên nền tảng số, công ty còn thực hiện thêm các ứng dụng thanh toán mua bán sản phẩm không dùng tiền mặt, như chuyển khoản, ứng dụng công nghệ đọc mã QR trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ khách hàng thanh toán mua sản phẩm không dùng tiền mặt. Với giải pháp gắn phát triển thương mại điện tử với chuyển đổi số, công ty đã liên tục nhận được các đơn hàng trong và ngoài tỉnh qua kênh thương mại điện tử, trong đó có cả những đơn hàng ở ngoài tỉnh có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Điển hình như đơn hàng cung cấp đá phục vụ xây dựng công trình chùa Yên Tử ở tỉnh Quảng Ninh, hay cung cấp đá phục vụ công trình đền Trần ở tỉnh Nam Định.

Ông Trần Đức Lương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Thương mại điện tử đã và đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phát triển thương mại điện tử không những rút ngắn khoảng cách giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước mà cả nước ngoài, qua đó tăng tính cạnh tranh bình đẳng, linh hoạt trong kinh doanh số. Xác định thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả trong công tác quản lý, kinh doanh, phát triển thị trường, thời gian qua, ngành công thương đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng website tương mại điện tử phù hợp với mô hình, sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá marketing hiệu quả trên website. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm trao đổi, quảng bá thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp.

Vũ Quỳnh
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.