Thanh Hóa: "Giấy thông hành" – Trang bị cần thiết khi lưu thông trong phòng, chống dịch COVID-19

Địa phương
06:05 PM 07/09/2021

Sau khi TP Thanh Hóa và một số địa phương trong tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/9/2021, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3146/UBND-THKH về việc hướng dẫn thủ tục di chuyển qua các chốt kiểm soát người ra, vào địa bàn đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã sớm trang bị giấy tờ cần thiết phải mang theo trong quá trình di chuyển cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm vừa bảo đảm các hoạt động công vụ và sản xuất, kinh doanh được thông suốt, vừa tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Tìm hiểu tại một số chốt kiểm dịch trên địa bàn TP Thanh Hóa và tại một số huyện lân cận, ghi nhận chung là sự chủ động và ý thức tự giác của người dân trong việc chấp hành các thủ tục thông chốt. Tại chốt kiểm dịch trên Quốc lộ 10 tại xã Hoằng Đức – cửa ngõ ra, vào huyện Hoằng Hóa và là điểm nối với đường tránh TP Thanh Hóa. Có những trường hợp do chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 nên đã đăng ký test nhanh tại chốt. Việc này vừa bảo đảm giấy tờ hợp lệ  khi lưu thông vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho bản thân và xã hội.

Thanh Hóa: "Giấy thông hành" – Trang bị cần thiết khi lưu thông trong phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Chốt kiểm dịch ra vào TP. Thanh Hóa.

Anh Nguyễn Hữu Hà, SN 1999, quê xã Quảng Hòa (Quảng Xương) là nhân viên shipper của Công ty CP Công nghệ HEYU Việt Nam tại Thanh Hóa (chuyên cung ứng các dịch vụ giao hàng, xe ôm, đồ ăn, mua hộ, lấy hộ hàng hóa chia sẻ: "Trong những ngày TP Thanh Hóa thực hiện Chỉ thị 16, khối lượng công việc của tôi tăng lên gấp nhiều lần so với ngày thường và phải thường xuyên đi qua các chốt kiểm dịch. Từ trước khi TP Thanh Hóa thực hiện giãn cách xã hội, tôi đã chủ động đến Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa xét nghiệm RT-PCR và có kết quả âm tính với SAR-CoV-2. Đồng thời, công ty HEYU Thanh Hóa đã trang bị cho tôi giấy đi đường và yêu cầu mang theo các giấy tờ tùy thân theo đúng hướng dẫn. Do đó, việc vận chuyển hàng hóa qua các chốt của tôi luôn được thuận tiện. Không ít lần khi qua các chốt, tôi được cán bộ, nhân viên tại chốt tặng thêm bánh mỳ, nước uống và hỏi han, động viên."

Được biết, để vừa bảo đảm cho người và phương tiện lưu thông thuận tiện qua chốt, vừa bảo đảm thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19, tại các chốt kiểm dịch đặt ở cửa ngõ ra, vào các huyện đều được cung cấp mã QR Code lấy thông tin thẻ nhận diện "luồng xanh" của phương tiện.

Thượng úy Nguyễn Trọng Nghĩa, cán bộ tại chốt kiểm dịch trên Quốc lộ 10 tại xã Hoằng Đức, cho biết: Hàng ngày, lưu lượng người và phương tiện qua chốt đông, nhất là xe tải lưu thông theo "luồng xanh" quốc gia. Đối với phương tiện thường xuyên qua chốt để vào địa bàn huyện Hoằng Hóa, chủ phương tiện chỉ cần quét mã QR, toàn bộ thông tin về chủ phương tiện và lịch trình sẽ được lưu vết trong 3 ngày. Đối với trường hợp lưu thông theo "luồng xanh" mà ít ra, vào địa bàn huyện, chúng tôi yêu cầu chủ phương tiện khai báo thông tin trên giấy. Ngoài phương tiện lưu thông theo "luồng xanh", người và phương tiện lưu thông qua chốt đều được kiểm tra chặt chẽ giấy tờ, thủ tục liên quan. Về cơ bản, người dân có ý thức chấp hành nghiêm, có đầy đủ giấy tờ cần thiết. Chỉ một số ít trường hợp chưa có giấy test nhanh SARS-CoV-2 thì chúng tôi yêu cầu thực hiện test ngay tại chốt. Ngoài ra, chưa có vi phạm đến mức phải xử lý.

Thanh Hóa: "Giấy thông hành" – Trang bị cần thiết khi lưu thông trong phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Cán bộ tại Chốt kiểm soát số 7 phường Quảng Thịnh đo thân nhiệt người dân

Có thể thấy, thông qua công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, đại đa số người dân đều hiểu và chủ động trang bị các giấy tờ, thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, vẫn có không ít trường hợp vi phạm bị nhắc nhở hoặc xử phạt.

Tại chốt kiểm dịch số 2 trên đường Lê Lai, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa, một công nhân làm việc tại Công ty CP Đầu tư phát triển Vicenza Thanh Hóa (Khu Công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa), bị lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm a, Khoản 1, Điều 12, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP vì khi ra đường không có lý do chính đáng, không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Theo giải thích của anh do mới kết thúc ca làm việc, thấy... đói bụng nên anh chạy xe đi tìm quán bán bánh mỳ, khi đi không mang giấy đi đường do công ty cấp.

Thanh Hóa: "Giấy thông hành" – Trang bị cần thiết khi lưu thông trong phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Các lực lượng chức năng đang kiểm tra tại chốt kiểm soát

Đáng nói, khi được hỏi về việc có tìm hiểu các văn bản hướng dẫn về giấy tờ, thủ tục bắt buộc phải có khi di chuyển qua các chốt hay không, thì vị công nhân này trả lời không nắm rõ. Mức phạt mà anh phải chịu theo quy định là từ 1-3 triệu đồng.

Theo đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thanh Hóa Nguyễn Thị Hiền: hiện thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát về giao thông trên địa bàn. Tăng cường 4 tổ tuần tra giám sát liên tục và các cửa ngõ thành phố đều thành lập 8 chốt cùng với các phường xã đều có các chốt và các tổ lưu động để tuần tra, giám sát. Chỉ tính từ ngày 2 đến 5-9, các lực lượng chức năng tại các chốt kiểm dịch trên địa bàn thành phố đã xử lý 536 trường hợp vi phạm, phạt tiền 562 triệu đồng. Nhìn chung, trong 6 ngày giãn cách vừa qua, người dân thành phố thực hiện tương đối tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh những trường hợp bị xử phạt như trên, nhiều trường hợp do chưa hiểu tường tận các hướng dẫn và vì một vài nguyên nhân khách quan, chủ quan khác... đều được lực lượng chức năng tại chốt nhắc nhở, hướng dẫn bổ sung giấy tờ, thủ tục cần thiết.

Thanh Hóa: "Giấy thông hành" – Trang bị cần thiết khi lưu thông trong phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Kiểm tra giấy đi đường của người dân tại chốt số 3 phường Đông Tân

Tại chốt kiểm dịch trên đường Quang Trung (trước trụ sở Công an phường Ngọc Trạo), chị N.., nhân viên Hệ thống Anh ngữ Quốc tế OCEAN EDU, được các lực lượng chức năng nhắc nhở, yêu cầu bổ sung giấy tờ cần thiết mới được lưu thông qua chốt. Nguyên nhân là do, chị N hiện đang ở chung cư Tân Thành (phường Đông Vệ), nhưng Chứng minh nhân dân ghi quê ở xã Quảng Đức (Quảng Xương). Căn cứ trên Chứng minh nhân dân thì chị N. đang di chuyển từ huyện Quảng Xương vào TP Thanh Hóa - là vùng có dịch. Trường hợp này, chị phải có căn cứ chứng minh mình đang cư trú trên địa bàn TP Thanh Hóa và đang trên đường đến nơi làm việc. Sau khi được lực lượng chức năng giải thích, chị N đã vui vẻ trở về nhà lấy giấy đăng ký tạm trú.

Tuy nhiên, trong các giấy tờ cần thiết để di chuyển qua các chốt kiểm dịch, do không có mẫu "giấy giới thiệu", "giấy xác nhận" chung, nên mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lại có một giấy, khác nhau cả về hình thức và nội dung.

Anh Lê Minh Quân, chuyên viên Phòng Kế hoạch – Tổ chức, Sở Thông tin và Truyền thông, cho rằng: Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp giấy đi đường cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là bảo đảm theo yêu cầu của UBND tỉnh. Điều này không chỉ giúp các lực lượng chức năng thuận tiện trong việc giám sát người và phương tiện qua chốt mà còn để mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm yêu cầu "một cung đường, hai điểm đến" – như thể hiện trong giấy đi đường. Tuy nhiên, giấy đi đường chưa thể hiện chi tiết được những địa điểm cụ thể mà người được cấp dự kiến đến trong cùng một cung đường.

Thanh Hóa: "Giấy thông hành" – Trang bị cần thiết khi lưu thông trong phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 5.

Lực lượng Cảnh sát giao thông trên chốt tuyến Quốc Lộ 47 (TP Sầm Sơn) kiểm tra giấy tờ tùy thân của người dân khi đi vào TP Thanh Hóa.

Do đó, các giấy đi đường cần phải cung cấp lịch trình dự kiến, ghi rõ thời gian, điểm đến. Điều này sẽ thuận tiện hơn cho lực lượng chức năng trong trường hợp xảy ra những vấn đề liên quan đến dịch bệnh mà cần điều tra, truy vết. Hoặc, cần có dấu hiệu nhận diện những người đã được kiểm tra ở chốt trước, để tránh trường hợp một người phải nhiều lần xuống xuất trình giấy tờ trong một cung đường đi – đến.

Ngoài ra, chính vì không có hướng dẫn chi tiết, nên theo nhiều mẫu "giấy đi đường" mà chúng tôi ghi nhận được, nhiều giấy không có giá trị pháp lý. Điển hình như giấy đi đường do một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đá đóng trên địa bàn phường An Hưng cấp cho người lao động. Trên giấy đi đường, có đóng dấu doanh nghiệp, nhưng người ký tên không có chức danh. Phần nội dung công việc thì chỉ ghi chung chung "đi công tác" và không có các mốc thời gian cũng như cụ thể nơi đến. Những dạng giấy này, không chỉ khiến người lao động bị nhắc nhở, xử phạt khi qua chốt, mà còn làm mất thêm nhiều thời gian kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh của lực lượng chức năng.

Phòng, chống dịch COVID-19 là việc chưa có trong tiền lệ, trong mọi công việc không tránh khỏi những bất cập nảy sinh trong thực tiễn, cần được xem xét, điều chỉnh. Chia sẽ khó khăn, tránh làm tăng thêm áp lực với lực lượng tuyến đầu bằng những hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Vào lúc này ở yên trong nhà, không ra ngoài đường khi không có công việc thực sự cần thiết cũng là một hành động yêu nước.

Sau 6 ngày thực hiện giãn cách xã hội, thành viên các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố luôn "căng mình" bám trụ địa bàn, thực hiện nhiệm vụ với tinh thần và quyết tâm cao nhất. Cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho Nhân dân. Vì vậy, mỗi người, mỗi nhà cần đồng thuận, đoàn kết một lòng, quyết tâm chống dịch hiệu quả.

Yến Hoàng
Từ khóa: Thanh Hóa
Ý kiến của bạn
VSMCamp & CSMOSummit 2024 khởi động với gần 40 bài tham luận trong ngày đầu tiên VSMCamp & CSMOSummit 2024 khởi động với gần 40 bài tham luận trong ngày đầu tiên

Đại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 đã trở lại trong hai ngày 22-23/11/2024, tại trường Đại học VinUni, Hà Nội, với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, hơn 60 diễn giả, chuyên gia; các cơ quan truyền thông, báo chí; những người hoạt động và có mối quan tâm tới lĩnh vực sales & marketing cùng sinh viên các trường Đại học đã hội tụ tại sự kiện sales và marketing lớn nhất năm.