Thanh Hoá: Gỡ khó tiêu thụ nông sản trong mùa dịch
Do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn diễn biến phức tạp, một số vùng vẫn đang phải áp dụng giãn cách theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nên hiện nay việc lưu thông hàng hóa giữa các vùng gặp không ít khó khăn, kéo theo việc tiêu thụ nông sản của nông dân "khó càng thêm khó". Thương lái không còn đến các địa phương để thu mua nông sản, người dân trồng cây ăn trái, sản xuất rau, màu... "đứng ngồi không yên" vì đầu ra bị ách tắc.
Ghi nhận của phóng viên tại xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) một trong những địa phương có số diện tích hoa màu khá lớn của tỉnh Thanh Hóa. Đây là địa phương chuyên trồng các loại cây màu chủ lực được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến như: bông hẹ, hành lá, bắp cải, dưa leo, rau cải các loại được trồng quanh năm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, mọi thứ đã tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản của người dân nơi đây. Sản phẩm không có đầu ra, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, dẫn đến nông sản liên tục rớt giá, dù đến ngày thu hoạch nhưng nhiều hộ phải đành cắt bỏ chịu lỗ vốn.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Huyên thôn Quý Thọ - xã Hoằng Hợp có hơn 3 sào hành lá đã bán được gần 1 nửa. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 một tuần nay không có thương lái đến thu mua, gia đình ông phải cắt bỏ diện tích hành bị quá lứa. Diện tích còn lại, ông đang thu hoạch bán tại chợ địa phương với giá từ 5 – 7 nghìn đồng/ 1kg, giảm 1/3 so với trước đó. Cũng như gia đình ông Huyên nhiều hộ trồng rau tại xã Hoằng Hợp đang trong tình trạng rau quá lứa chưa có thương lái đến thu mua.
Ông Nguyễn Hữu Huyên chia sẻ: từ khi Thanh Hóa có ca nhiễm ngoài cộng đồng, một số vùng thực hiện giãn cách xã hội, ông không bán được nông sản vì các thương lái đã ngừng thu mua, do không xuất bán được, khiến giá giảm mạnh. Ông tặc lưỡi xót, biết là nhổ bỏ thì uổng nhưng vẫn phải chấp nhận bởi thu hoạch thì tiền bán không đủ bù tiền công. Giờ chỉ mong dịch bệnh được đẩy lùi, mọi thứ trở lại bình thường thì người dân mới hết khó khăn.
Xã Hoằng Hợp, huyện Huyện Hóa có 260 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 70 ha chuyên canh sản xuất hoa màu các loại, phục vụ cho người dân trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và các vùng lân cận. Xã cũng đã thành lập Hợp tác xã rau an toàn Hoằng Hợp, chuyên sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn Vietgap chuyên sản xuất rau cung cấp cho các bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố. Do có diện tích tập chung lớn nên 90% rau ở đây được các thương lái chợ đầu mối về thu mua tận ruộng với số lượng 5-7 tấn rau mỗi ngày. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giao thông đi lại khó khăn, một số chợ đầu mối nông sản đóng cửa để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh nên nhiều luống rau cải, rau muống… đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng khó bán, 2 tuần qua rất ít các thương lái đến thu mua, các bếp ăn tập thể cũng đang tạm thời nghỉ nên nông sản bị ùn ứ, không tiêu thụ được. Người trồng hoa màu thì thất thu, lo lắng.
Ông Tào Ngọc Quang – chủ tịch UBND xã Hoằng Hợp cho biết: để cho bà con nông dân sản xuất tiêu thụ được thì phải trồng nhiều trà, nhiều lứa, tránh việc ùn tắc, ngăn chặn việc được mùa mất giá. Ban lãnh đạo xã phân công lực lượng trực vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo an ninh trật tự. Cung cấp đầy đủ giấy giới thiệu cho bà con nông dân các hộ tiêu thụ, sản xuất rau, tạo điều kiện tối đa khi lưu thông qua các chốt kiểm dịch để tiêu thụ nông sản. Thời gian tới, địa phương tiếp tục theo dõi chặt tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản của người dân trên địa bàn, cập nhật danh sách đầu mối cung ứng một số sản phẩm nông sản. Đồng thời xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản cho người dân hạn chế tồn đọng, ùn ứ trong thời gian tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ nông sản của mình. Chủ động trong mọi tình huống dịch để xây dựng phương án phù hợp trong sản xuất, trồng rau màu.
Hiện nay xã Hoằng Hợp đang giao cho 2 Hợp tác xã chịu trách nhiệm đấu mối với các địa phương không thực hiện giãn cách xã hội của UBND tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ rau cho nông dân, đồng thời khuyến khích các hộ sản xuất, thâm canh tăng vụ đảm bảo thu nhập cũng như phù hợp với nhu cầu của thị trường trong thời gian tới.
Để góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành nông nghiệp tỉnh đặt ra mục tiêu là ưu tiên thị trường nội địa thông qua kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân, nhằm giảm bớt gánh nặng đầu ra nông sản cho nông dân. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của mình, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục chủ động làm tốt công tác tham mưu với UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh và địa phương có giải pháp hiệu quả hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó chú trọng đẩy mạnh áp dụng quy trình cấp mã số vùng trồng; kiểm dịch, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm khép kín… nhằm góp phần đảm bảo, ổn định giá, thị trường tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn cho người dân trong thời gian tới.
Yến HoàngTheo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 8,05 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD.