Thanh Hóa hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng
Đồng chí Trương Hòa Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Thanh Hóa hội đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội... Chính phủ sẽ nghiên cứu, có chính sách đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa bứt phá đi lên.
Như kỳ trước chúng tôi đã đề cập, ngày 12/6/2020 UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (BKH&ĐT) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Thanh Hóa hội đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội... Chính phủ sẽ nghiên cứu, có chính sách đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa bứt phá đi lên.
Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội
Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược quân sự, kinh tế quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời và nhiều tiềm năng phong phú. Với các giải pháp đồng bộ, toàn diện những năm gần đây, Thanh Hóa đã và đang nổi lên như là một điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội…
Với diện tích tự nhiên 11.120 km2, dân số gần 3,7 triệu người, Thanh Hóa là tỉnh rộng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 về dân số. Là điểm cuối của Bắc Trung Bộ và đầu Trung Bộ. Thanh Hóa chính là vị trí mở, cửa ngõ vào Nam ra Bắc và cũng là điểm dừng chân trên đường hàng hải quốc tế. Chính những yếu tố về địa lý, tự nhiên đã đem đến cho mảnh đất này sự giao lưu, tiếp nhận và ảnh hưởng với các nền văn hóa khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Thanh Hóa còn gặp không ít khó khăn, bất lợi như địa hình trải dài, dân cư một số địa phương phân tán rộng; thiên tai, bão lũ hàng năm gây nhiều thiệt hại cho sản xuất đời sống của nhân dân. Hiểu rõ đặc điểm đó, trên cơ sở quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã và đang quyết tâm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để phát triển kinh tế nhanh, mạnh, toàn diện, bền vững.
Điểm sáng đầu tiên trong quá trình phát triển của Thanh Hóa đó là sự khởi sắc về lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng bằng sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh, Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Theo thống kê, năm 2018, đánh dấu sự tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp, giá trị sản xuất ước đạt 95.065 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ; nổi bật là năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 17,15%, xếp thứ 2 cả nước, quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước. Sự tăng cao nhất từ trước đến nay do có thêm các sảm phẩm mới của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy dầu ăn Nghi Sơn và một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu cũng tăng cao so với cùng kỳ như: Quần áo may sẵn, xi măng, điện sản xuất, thủy sản đông lạnh chế biến, thuốc lá bao, giày xuất khẩu…
Đáng chú ý là ngành dịch vụ tiếp tục phát triển khá, khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (năm 2018) đạt 94.270 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ, chất lượng dịch vụ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân.
Đặc biệt, với phương châm "Hỗ trợ tối đa cho hoạt động đầu tư sản xuất" Thanh Hoá thường xuyên tập trung thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Mặt khác, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ thực chất, môi trường đầu tư kinh doanh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 của Chính phủ, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau… Với quyết sách, thu hút các dự án đầu tư đạt kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Chính phủ có chính sách đặc thù cho Thanh Hóa, chúng tôi coi đây là thời cơ, là điều kiện thuận lợi để tỉnh Thanh Hóa bứt phá đi lên; phát huy vai trò đầu tàu, động lực, sức lan tỏa tích cực của các dự án lớn trong Khu Kinh tế trọng điểm Nghi Sơn, nhất là các ngành công nghiệp sau lọc hóa dầu, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, năng lượng sạch, phát triển dịch vụ logistics…
Hiện thực hóa mục tiêu khát vọng thịnh vượng
Theo đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, kết quả trên có được là sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trên cơ sở tranh thủ thời cơ, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế trên một số lĩnh vực, như: tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm; một số sản phẩm công nghiệp sản lượng đạt thấp so với kế hoạch chưa thu hút được nhiều các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp phụ trợ, phục vụ chuỗi sản xuất, công nghệ cao; tiến độ một số dự án đầu tư công còn chậm, vệ sinh an toàn thực phẩm…vẫn còn tồn tại. Đây sẽ là những trọng tâm cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Để hiện thực hóa mục tiêu khát vọng thịnh vượng, Thanh Hóa không thể quên nhiệm vụ kế thừa, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa con người xứ Thanh. Bởi, nó được ví như một "Việt Nam thu nhỏ". Vinh dự và tự hào khi trên hành trình ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa đã ghi những dấu ấn đặc biệt đậm nét.
Mảnh đất này đã sớm bước lên vũ đài chính trị, với những tên tuổi nổi bật, từ Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi đến Nguyễn Hoàng, Trịnh Kiểm, với những triều đại vang danh lịch sử từ triều Lê, Hậu Lê đến Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, với những địa danh mỗi lần nhắc đến đều gắn với hai chữ tự hào là Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Gia Mưu, Yên Trường; với những cuộc khởi nghĩa quật cường để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử…
Mảnh đất của những thiên sử thi cổ kim và truyền thống văn hiến đã hun đúc nên những phẩm chất đặc biệt cho con người xứ Thanh, như nhận định của nhiều học giả, đó là bản tính "trọng điều nghĩa". Để rồi, cùng với hành trình "mang gươm đi mở cõi" của Chúa Nguyễn Hoàng, người xứ Thanh đã "gieo" cái bản tính tốt đẹp ấy trên những vùng đất mình đặt chân đến và định cư lâu dài.
Đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, cùng muôn vàn khó khăn giai đoạn "tiền đổi mới", Thanh Hóa ngày nay đang nắm bắt vận hội mới mà Bộ Chính trị đã phê duyệt gần đây, để không ngừng vươn dậy và tạo nên những sự thay đổi chưa từng có với khát vọng thịnh vượng.
Những điều kiện cơ bản về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, các giải pháp chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và sự vận hành của nền hành chính công linh hoạt, nhanh gọn và hiệu quả…đã tạo điều kiện để Thanh Hóa đạt được những thành tựu mới, phát triển, đặc biệt là sự bứt phá trong 10 năm trở lại đây.
Diện mạo và kết cấu hạ tầng đô thị, với điểm nhấn là thành phố Thanh Hóa - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và thành phố Sầm Sơn - trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, là nét mới dễ thấy nhất của Thanh Hóa những năm gần đây.
Cùng với đó, thì sự hoàn thiện của kết cấu hạ tầng giao thông có thể tạo ra "chất xúc tác" quan trọng, không chỉ giúp kinh tế lưu thông, mà còn phản ánh quy mô và tốc độ phát triển của bản thân nền kinh tế ấy. Cảng hàng không Thọ Xuân được đánh giá là một trong những sân bay có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước…
Có thể nói, với hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, trong tương lai gần, đây sẽ là nhân tố tích cực góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của Thanh Hóa./.
Triều Nguyệt - Vũ QuỳnhTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.