Thanh Hóa: Hiệu quả 10 năm hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TP Hồ Chí Minh
Cách đây gần 10 năm, ngày 15/5/2013 tỉnh Thanh Hóa và TP Hồ Chí Minh đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác được ký kết, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động, tạo sự gắn kết chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp và cùng nhau hợp tác, hỗ trợ phát triển và đạt được nhiều kết quả thiết thực trên các lĩnh vực hợp tác.
Đặc biệt, trong lĩnh vực hợp tác thu hút đầu tư, TP Hồ Chí Minh đã quan tâm hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa trong việc giới thiệu, quảng bá, xúc tiến các nhà đầu tư của TP Hồ Chí Minh đến tìm hiểu cơ hội và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong các hội nghị xúc tiến đầu tư do tỉnh Thanh Hóa hoặc TP Hồ Chí Minh tổ chức, hai địa phương đã phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để giới thiệu đến các nhà đầu tư về tiềm năng, thế mạnh, cơ chế chính sách và danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của mỗi địa phương để các nhà đầu tư nắm bắt thông tin, tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư.
Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 15 dự án của các nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 29.100 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án quy mô lớn đã và đang được triển khai thực hiện, như: Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh tổng mức đầu tư 21.480 tỷ đồng; Nhà máy Thu hồi nhiệt thừa phát điện trong Khu Kinh tế Nghi Sơn tổng mức đầu tư 448 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 6 - Cảng tổng hợp Nghi Sơn tổng mức đầu tư 283 tỷ đồng; Khu nhà ở và dịch vụ phục vụ Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn tổng mức đầu tư 1.228 tỷ đồng; Khu khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng tại xã Quảng Nham (Quảng Xương) tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng...
Ngoài ra, có một số dự án cụm công nghiệp đang được hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để triển khai thực hiện đầu tư trong thời gian tới, như: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Hà Long II (Hà Trung) tổng mức đầu tư 520 tỷ đồng; đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tân Thọ (Nông Cống) tổng mức đầu tư 370 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng Công ty du lịch Sài Gòn đã phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức sản xuất phim phóng sự về du lịch Thanh Hóa với các chủ đề: "Du lịch và ẩm thực", "Hấp dẫn tuyến điểm du lịch Thanh Hóa", "Đồng hành cùng Saigontourist". Các đơn vị y tế, trường học của TP Hồ Chí Minh đã giúp đỡ đào tạo 49 cán bộ y tế tuyến tỉnh và huyện về kỹ thuật chuyên sâu.
Đồng thời, hai bên cũng đã phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch "Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2013-2020"; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực công nghệ thông tin. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thanh Hóa đã ký thỏa thuận Chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2013-2020. Hằng năm, tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn các sản phẩm nông sản đặc trưng, chất lượng cao, các sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm do TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, hai bên thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin liên quan về thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động của tỉnh Thanh Hóa có cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống, nhất là vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Xác định hợp tác phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, mang tính hỗ trợ cùng phát triển, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập, tỉnh Thanh Hóa và TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2025. Theo đó, TP Hồ Chí Minh hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư của thành phố đến nghiên cứu, đầu tư vào 4 trung tâm kinh tế động lực, 3 trụ cột tăng trưởng của tỉnh Thanh Hóa (gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch) và 6 hành lang phát triển kinh tế của tỉnh.
Tại lễ ký kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho biết: Để sớm cụ thể hóa các nội dung của hợp tác song phương giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh Thanh Hóa sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng năm cho chương trình hợp tác.
Đồng thời, chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của TP Hồ Chí Minh để trao đổi, cập nhật thông tin, hỗ trợ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các hiệp hội, doanh nghiệp và các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa.
Thông qua các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tìm hiểu môi trường đầu tư, mở rộng cơ hội kinh doanh trên địa bàn. Qua đó góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ tốt đẹp giữa tỉnh Thanh Hóa và TP Hồ Chí Minh.
Vũ QuỳnhLượng hàng tồn kho bất động sản có dấu hiệu tăng tạo không ít gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh yếu hoặc dùng đòn bẩy tài chính cao.