Thanh Hóa: Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh

Địa phương
04:50 PM 05/04/2023

Nhằm giảm thiểu rác thải phát tán ra môi trường, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã triển khai mô hình xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh, qua đó tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp tại các khu dân cư.

Rác thải hữu cơ chiếm tỉ lệ lớn trên tổng số rác thải (60%), nếu như không được xử lý, lượng rác thải này sẽ phân huỷ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Việc thu gom tái chế rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh đang là hướng đi đúng nhằm tạo ra lượng phân hữu cơ vi sinh phục vụ nền nông nghiệp sạch, đồng thời giúp giải quyết đáng kể các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường từ rác thải công, nông nghiệp và rác sinh hoạt. Nếu toàn bộ rác thải được chôn lấp thì lượng rác hữu cơ sẽ phân huỷ gây ô nhiễm nguồn nước, đồng thời bốc mùi hôi thối trong quá trình phân huỷ gây ô nhiễm không khí. Tuy nhiên nếu tận dụng được lượng rác hữu cơ đó đưa về HTX tiến hành ủ thì sẽ xử lý được phần lớn các vấn đề về môi trường nêu trên.

Thanh Hóa: Hiệu quả xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh - Ảnh 1.

Quy trình xử lý rác gồm các bước sau: Rác thải sinh hoạt thu gom về được phân loại các chất hữu cơ và vô cơ; các thành phần hữu cơ đã phân loại được đưa vào các hố ủ bằng bê tông, sử dụng chế phẩm sinh học phun đều sau mỗi lớp rác 10 - 15cm, nước phun vừa đủ ấm, đậy bạt nhựa kín hố ủ; sau 30 ngày nhiệt độ hố ủ ổn định khoảng 40 - 45 độ C, rác thải đã ủ chín và được đưa vào phân loại lần hai loại bỏ nilon, các chất vô cơ còn sót lại và tiếp tục được nghiền mịn. 

Cuối cùng, bổ sung hàm lượng vi sinh, phối trộn với phụ gia tạo ra phân hữu cơ thành phẩm để sử dụng trong sản xuất… Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành bàn giao các trang thiết bị gồm: thùng đựng rác công cộng, thùng ủ phân, xô phân loại rác và chế phẩm vi sinh Sumitri cho các hộ tham gia mô hình trên địa bàn. Đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ thuật thu gom, phân loại rác và quy trình xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh cho bà con.

Trước đây, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày thường được gia đình bà Nguyễn Thị Sơn thu gom để đốt thủ công, hoặc có khi đổ ra các bãi đất trống, gây ô nhiễm môi trường. Cuối năm 2021, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của Hội Nông dân thị trấn Vân Du, gia đình bà Sơn và các hộ dân địa phương đã thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt để  xử lý thành phân vi sinh. Nhờ đó, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn giúp các hộ dân thu được lượng phân bón vi sinh để bón cho cây trồng, tiết kiệm chi phí sản xuất nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Sơn, Khu phố 1, thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trước đây, rác thải hữu cơ của gia đình để lâu bốc mùi rất khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau khi thực hiện xử lý bằng chế phẩm sinh học không có mùi hôi thối, không gây ô nhiễm môi trường. Nước rỉ thu từ rác được hòa loãng đem tưới cho cây trồng, cây phát triển khỏe xanh tốt, tiết kiệm lớn chi phí mua phân bón. Tôi thấy mô hình này rất phù hợp với gia đình, cũng như nhiều hộ dân ở nông thôn có nhiều rác hữu cơ phát sinh. Chúng tôi đã tiết kiệm được chi phí cho sản xuất nông nghiệp".

Thanh Hóa: Hiệu quả xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh - Ảnh 2.

Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Đình Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Từ hiệu quả của mô hình, đến nay trên địa bàn thị trấn, mô hình này đã được triển khai rộng rãi, qua đó đã nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn".

Tại huyện Yên Định, đến nay các cấp hội nông dân đã triển khai xây dựng được 69 mô hình thu gom, xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh, với sự tham gia của hơn 4000 hộ dân ở 22 xã, thị trấn, qua đó giúp giảm được khoảng 20 đến 30% lượng rác trong các khu dân cư và thu được lượng phân vi sinh đáng kể phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bà Hoàng Thị Liên, thôn Yên Định, xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Mô hình này rất phù hợp với người dân chúng tôi; không chỉ đảm bảo tốt công tác vệ sinh môi trường, giảm lượng rác thải đổ ra bên ngoài mà còn nâng cao được hiệu quả, có lượng phân hữu cơ để bón cho cây trồng".

Mô hình "Xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh tại hộ gia đình" được triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đều mang lại hiệu quả thiết thực. Các gia đình thực hiện ủ, phân hủy rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học đã giảm khoảng 90% lượng rác hữu cơ phải chôn lấp và thu gom đưa đi xử lý, tận dụng làm phân bón vi sinh cho cây trồng phát triển khỏe mạnh, an toàn, giảm chi phí mua phân đạm, phân lân.

Theo Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, hiện nay mô hình đã được triển khai ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, với sự tham gia của hàng chục nghìn hộ gia đình. Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân đã xây dựng được trên 620 mô hình tự quản về bảo vệ môi trường nông thôn; tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật về sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt cho gần 300 nghìn lượt cán bộ hội viên nông dân. 

Thời gian tới, các cấp hội nông dân sẽ tiếp tục tuyên truyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình, góp phần giảm thiểu tác hại của rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường và phát huy lợi ích kinh tế của mô hình, qua đó góp phần xử lý hiệu quả vấn đề rác thải, xây dựng nông thôn ngày càng sạch, đẹp, môi trường trong lành. 

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024' Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024'

Tối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.