Thanh Hóa: Hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, bảo đảm chế độ cho người lao động
Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có văn bản chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc quá trình thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động khi bị chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động, các chế độ tiền lương, tiền thưởng… Đồng thời, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tạo ra nhiều việc làm mới.
Theo đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cấp công đoàn theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động, nhất là các vấn đề về việc làm, tiền lương, tiền thưởng và các chế độ khác của người lao động dịp Tết Nguyên đán 2023.
Các địa phương trong tỉnh được yêu cầu tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; quan tâm, chăm lo đời sống công nhân, người lao động, nhất là dịp tết.
Thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 25 doanh nghiệp đang thực hiện giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động với số lao động bị giảm là 7.240 người. Trong đó, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng là 5.278 người; chấm dứt hợp đồng lao động là 1.962 người. Dự báo đầu năm 2023, các doanh nghiệp may mặc, nhất là các doanh nghiệp giày da sẽ tiếp tục giảm đơn hàng, số người lao động mất việc làm vẫn chưa dừng lại.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động do không có đơn hàng và có tình trạng công nhân bị nợ lương.
Một số công ty phải cắt giảm lao động, thậm chí ngừng hoạt động, như: Công ty TNHH TCE Jeans (tại xã Hoằng Đồng, H.Hoằng Hóa) vừa qua cắt giảm 1.800 công nhân (công ty có 5.000 công nhân); Công ty TNHH Fruit Of the Loom (tại xã Quảng Lợi, H.Quảng Xương) cắt giảm 900 công nhân trong tổng số 3.200 công nhân; Công ty TNHH T&H Newstar (tại phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa) và Công ty TNHH ABC (phường Thiệu Dương, TP. Thanh Hóa) tạm dừng hoạt động vì không có đơn hàng.
Trong 15 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoa Lợi có tổng số hơn 110.000 công nhân (chiếm 66% số lao động làm việc trong 36 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa), nhiều tháng qua do số đơn hàng giảm khoảng 50% nên không tổ chức tăng ca, khiến thu nhập của công nhân giảm từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Việc doanh nghiệp gặp khó khăn khi đơn hàng giảm, nhiều lao động mất việc, làm phát sinh nhiều doanh nghiệp thực hiện chưa đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động, nợ đóng bảo hiểm xã hội, chậm trả lương, chậm trả phúc lợi cho người lao động gia tăng... Điều này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến người lao động tại các doanh nghiệp đình công, tập trung đông người trái pháp luật, gây rối an ninh, trật tự.
Để tháo gỡ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu Đảng đoàn Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động; giám sát việc tham gia xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động, việc thực hiện các cam kết với người lao động; có giải pháp giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Thực hiện hiệu quả chương trình chăm lo Tết cho người lao động.
Vũ QuỳnhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.