Thanh Hóa: Hơn 3.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
Phát triển doanh nghiệp được xem là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội. Chính vì vậy các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp và đến nay mục tiêu thành lập mới 3.000 doanh nghiệp trở lên năm 2024 đã hoàn thành.
Năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 3.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, vốn điều lệ đăng ký đạt 22.092 tỷ đồng, vốn điều lệ đăng ký bình quân đạt 7,1 tỷ đồng/doanh nghiệp; trong đó: có 2.662 công ty trách nhiệm hữu hạn, chiếm 85,7%; 416 công ty cổ phần, chiếm 13,4%; 29 doanh nghiệp tư nhân, chiếm 0,9%.
Cả 3 vùng trên địa bàn tỉnh đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ; trong đó 02 vùng (ven biển và miền núi) có số doanh nghiệp thành lập mới vượt kế hoạch như: Khu vực đồng bằng và thành phố Thanh Hóa có 2.111doanh nghiệp, đạt 99,6% kế hoạch, tăng 5,3% so với cùng kỳ; khu vực ven biển có 668 doanh nghiệp, đạt 107,7% kế hoạch, tăng 2,3% so với cùng kỳ; khu vực miền núi có 328 doanh nghiệp, đạt 126,2% kế hoạch, tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Theo thống kê, năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả ở 17/17 nhóm ngành nghề đăng ký kinh doanh. Có 27/27 huyện, thị xã, thành phố có số doanh nghiệp thành lập mới bằng hoặc tăng so với cùng kỳ. Một số địa phương có số doanh nghiệp thành lập vượt chỉ tiêu hơn 150% như: Như Xuân, Thường Xuân, Thiệu Hóa, Nông Cống...
Năm 2024, huyện Hoằng Hóa được tỉnh giao thành lập 115 doanh nghiệp. Đến thời điểm này, huyện đã thành lập được 131 doanh nghiệp, đạt 114% so với kế hoạch được giao, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện lên hơn 1.200 doanh nghiệp. Lãnh đạo huyện cho biết: Hàng tháng, huyện tổ chức các hội nghị lấy ý kiến, chia sẻ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Những vấn đề nào giải quyết được thì chúng tôi giải quyết, vấn đề nào quá thẩm quyền thì chúng tôi gửi về tỉnh để kịp chờ xem xét. Chúng tôi luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển. Nhờ đó mà các doanh nghiệp trên địa bàn huyện yên tâm, ổn định sản xuất…
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, trong suốt quá trình từ khi thành lập đến mở rộng sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương từ khâu: tư vấn chính sách của tỉnh, giải quyết kịp thời hồ sơ, thủ tục theo thẩm quyền, hỗ trợ doanh nghiệp thu hút lao động, cùng doanh nghiệp giải quyết vướng mắc trong quá trình đầu tư...
Năm 2024, Thường Xuân là một trong những huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hoàn thành sớm và vượt kế hoạch phát triển doanh nghiệp trong năm 2024. Huyện đã thành lập mới được 30 doanh nghiệp, gấp đôi chỉ tiêu được giao. Luỹ kế đến nay, huyện đã có 200 doanh nghiệp đang hoạt động. Để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, huyện cũng đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển trên địa bàn huyện.
Ông Cao Văn Sơn, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Chính quyền địa phương hỗ trợ về công ăn việc làm, giới thiệu người lao động đối với doanh nghiệp cũ, và với doanh nghiệp mới hội doanh nghiệp huyện Thường Xuân cũng kết hợp tổ chức đào tạo hướng dẫn cho giám đốc, nhà quản lý của doanh nghiệp để tình hình sản xuất kinh doanh được tốt hơn và đi đúng quy định của pháp luật".
Có được kết quả đó, bên cạnh nỗ lực của tỉnh và ngành chức năng trong tỉnh, nhiều huyện đã xây dựng các chính sách cụ thể hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Nhất là đầu tư mạnh vào hạ tầng sản xuất, kinh doanh như cụm công nghiệp tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng thuê mặt bằng. Nhiều địa phương còn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận pháp lý, tiếp cận vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng. Những biện pháp này đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp.
Yến HoàngNăm 2025 ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 18 tỷ USD. Yếu tố xanh là yêu cầu tất yếu đối với ngành gỗ để đạt được mục tiêu đề ra và xuất khẩu bền vững.