Thanh Hóa: Hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững
Thanh Hóa là tỉnh có quy mô sản xuất nông nghiệp lớn, phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, đây là nguồn nguyên liệu tại chỗ thuận lợi cho sản xuất phân bón hữu cơ. Việc phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ cũng được xác định là giải pháp quan trọng và lâu dài mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững.
Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, tăng cường thay thế bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học được ngành Nông nghiệp Thanh Hóa xác định là giải pháp quan trọng.
Theo báo cáo thống kê, mỗi năm Thanh Hóa có tới 3,2 triệu tấn phụ phẩm lúa gạo và các loại cây trồng; khoảng1 triệu tấn nguyên liệu từ chất thải chăn nuôi… Ngoài ra, còn các loại đất mùn, than bùn với trữ lượng hàng chục triệu m3 có thể khai thác để phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, phân bón hữu cơ hiện chỉ sử dụng từ 6-7% trong tổng diện tích gieo trồng của tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, bà con thường sử dụng phân bón hữu cơ được ủ từ các loại phân chuồng (phân động vật), các loại phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp (tro, lá, cành,...) hoặc từ chất thải gia súc, gia cầm, các chất hữu cơ từ rác thải trong quá trình sinh hoạt.
Theo các chuyên gia, bón phân hữu cơ có tác dụng giúp cân bằng độ pH, bổ sung những dưỡng chất bị thiếu hụt, mất đi trong quá trình canh tác và nâng cao độ tơi xốp, màu mỡ cho đất, đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng phát triển, tạo ra sản phẩm sạch, góp phần bảo vệ nguồn nước và môi trường.
Để hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững, việc sử dụng phân bón hữu cơ là một trong những yếu tố then chốt. Thực tế chứng minh, sử dụng loại phân bón hữu cơ đã giúp bà con tạo ra sản phẩm sạch và chất lượng, không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học.
Bước đầu trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao, như: Công ty TNHH MTV DVTM nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 (Đông Sơn); Trang trại hữu cơ Nguyễn Xuân (Yên Định); Nhóm sản xuất hữu cơ Cẩm Bộ, Nhóm sản suất hữu cơ Đầm Hương, Nhóm nếp hạt cau Sồi Cốc (Thạch Thành)...
Bên cạnh hơn 400 các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã được chứng nhận, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.100 ha diện tích cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ và tiêu chuẩn hữu cơ. Đây là tiền đề để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo. Bước đầu đánh giá cho thấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao gấp 1,2 - 1,5 lần so với phi hữu cơ.
Để tăng cường việc phát triển, khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn góp phần tạo động lực cho tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường, thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các huyện, thành, thị và đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phân bón và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ở cấp tỉnh.
Bên cạnh việc xây dựng các mô hình sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ điển hình, cần đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động buôn bán, sử dụng phân bón tại địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa có chính sách chuyên biệt, đặc thù phát triển sản xuất phân bón hữu cơ. Do vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2030 lượng phân bón hữu cơ được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp của Thanh Hóa từ 300.000 tấn trở lên, tương đương với khoảng 300.000 ha gieo trồng được bón ít nhất 1 lần phân bón hữu cơ mỗi năm, cần có nhiều giải pháp đồng bộ.
Ông Vũ Quang Trung, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa cho biết: Cần phải có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất để lựa chọn những sản phẩm phân bón hữu cơ phù hợp với đất đai và cây trồng trên địa bàn tỉnh, đồng thời khuyến khích mô hình trình diễn để chứng minh hiệu quả của phân bón hữu cơ đối với cây trồng.
Việc tăng nhanh tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp sẽ là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng nông sản và từng bước phục hồi hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi lạm dụng phân bón vô cơ, phân bón hóa học, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững hơn.
Yến HoàngGiá xăng, dầu đồng loạt tăng từ 15h hôm nay (10/10) sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.