Thanh Hóa: Huy động gần 18 nghìn cán bộ lực lượng vũ trang tham gia phòng chống bão
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hoá đã huy động gần 18 nghìn cán bộ, chiến sỹ bộ đội và dân quân tự vệ tham gia chống bão, hỗ trợ nhân dân và các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động đối phó với diễn biến bão số 3, bảo vệ an toàn cho tài sản, tính mạng cho người dân và đảm bảo tiêu úng cho gần 9.000 ha lúa mùa, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Triệu Sơn, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) đã huy động lực lượng tổ chức thực hiện nạo vét bùn, phát quang cây cối, thu vớt bèo bồng, vật cản, khơi thông dòng chảy tuyến kênh tiêu Ninh Phong với tổng chiều dài gần 1km, đoạn đi qua địa bàn thị trấn Triệu Sơn và xã Minh Sơn, nhằm góp phần tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa lớn xảy ra.
Tại huyện Hậu Lộc, một số diện tích lúa hè thu của nhân dân xã Lộc Sơn đã đến kỳ thu hoạch, nhưng do đường xá đi lại khó khăn, diện tích nhỏ lẻ nên việc thu hoạch bằng máy cơ giới gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân tự vệ khẩn trương giúp đỡ nhân dân địa phương gặt lúa để chạy bão. Đến trưa cùng ngày, toàn bộ diện tích lúa chín trên địa bàn xã đã được thu hoạch xong, góp phần giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra.
Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa đã huy động 1.150 bộ đội thường trực và 16.500 dân quân tự vệ tham gia ứng phó với bão số 3. Cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã có mặt tại các địa bàn xung yếu, phối hợp cùng các lực lượng tiến hành khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, tổ chức hướng dẫn, phân luồng giao thông; tham gia giúp đỡ nhân dân thu hoạch hoa màu, di dời các hộ dân sinh sống tại các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở, ngập lụt; chằng chống nhà cửa; kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền vào vị trí tránh bão an toàn, khơi thông dòng chảy trên các kênh mương.
Ngoài ra, các đơn vị quân đội cũng đã huy động trên 200 phương tiện gồm ô tô, tàu, xuồng, cùng hàng ngàn phao cứu sinh để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong mưa bão.
Theo báo cáo nhanh từ UBND các huyện, thị xã, thành phố, đến 14 giờ ngày 7/9 mưa, bão đã làm 1 người bị thương do bị cây đổ vào người khi tham gia giao thông, hiện tại sức khỏe đã ổn định (Lê Việt Anh, sinh năm 2004 quê xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân). Mưa gió lốc làm 74 căn nhà ở các huyện miền núi bị thiệt hại.
Trong đó, huyện Bá Thước 2 nhà ở xã Điền Quang bị tốc mái hoàn toàn và bị tốc mái một phần (riêng 1 nhà bị tốc mái hoàn toàn phải sơ tán đến nơi an toàn với 4 khẩu). Huyện Cẩm Thuỷ bị 1 nhà ở xã Cẩm Thành bị tốc mái hoàn toàn phải sơ tán đến nơi an toàn với 2 khẩu. Huyện Mường Lát có 64 nhà bị thiệt hại (1 nhà bị tốc mái hoàn toàn; 59 nhà bị tốc mái một phần, 2 nhà bị cây đổ vào nhà, 2 nhà bị sạt lở móng nhà), riêng 1 nhà bị tốc mái hoàn toàn phải sơ tán đến nơi an toàn với 6 khẩu. Huyện Quan Hoá 7 nhà bị tốc mái một phần.
Về thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mường Lát 0,11 ha hoa màu bị thiệt hại một phần (cây sắn). Huyện Bá Thước có 34,07 ha lúa bị đổ ngã. Mưa bão cũng làm 31 cây xanh trên địa bàn TP Thanh Hoá bị đổ gãy; 1 cây cột điện bị đổ, 1 xe máy bị hư hỏng và 4 bán bình bị hư hỏng tại xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn.
Trước đó, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương thường xuyên giữ liên lạc, thông tin về hướng di chuyển. Tùy vào tình hình cụ thể, các địa phương chủ động rà soát, sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khẩn trương thực hiện việc gia cố nhà cửa, các công trình để đảm bảo an toàn.
Yến HoàngĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.