Thanh Hóa: Huyện Bá Thước khôi phục, phát triển cây quýt hôi giúp bà con vùng cao thoát nghèo

Địa phương
07:05 AM 27/02/2024

Để khôi phục cây quýt hôi trên địa bàn huyện Bá Thước, Thanh Hóa, năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phục tráng và xây dựng giống quýt hôi Bá Thước”. Giống quýt này có mùi thơm đậm đà khó quên. Vì thế quýt hôi được xem là loại cây đặc sản của miền sơn cước huyện Bá Thước.

Đến nay, sau hơn 5 năm, cây quýt hôi sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch lứa đầu tiên đạt sản lượng 1tấn/ha, bình quân thu về 30 triệu đồng/ha. Quýt hôi (hay còn gọi là quýt hoi) là loài cây bản địa, mọc tự nhiên trên sườn núi cao, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và các thôn, bản ở huyện Bá Thước. Quả quýt hôi nhỏ và có hương thơn rất đặc trưng. Tuy có vỏ ngoài không được bắt mắt với màu vàng cam đặc trưng và có nhiều vết nám nhưng quýt hôi lại có vị ngọt thanh, thơm mát; khi ăn vào thấy đậm lưỡi, thông mũi, mát họng.

Huyện Bá Thước: Khôi phục, phát triển cây quýt hôi giúp bà con vùng cao thoát nghèo- Ảnh 1.

Quả quýt hôi trồng tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Xác định cây quýt hôi là cây đặc trưng của địa phương, những năm qua huyện Bá Thước đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát triển loài cây này, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân đầu tư mở rộng diện tích trồng cây quýt hôi, kết hợp làm du lịch sinh thái cộng đồng.

Anh Lương Văn Thanh, ở thôn 3, xã Ban Công không nhớ vườn quýt được bố mẹ để lại trồng từ bao giờ, chỉ biết rằng gia đình anh thu hoạch quả quýt hôi cũng đã gần 15 năm với diện tích 0,7 ha. Hiện trên địa bàn xã Ban Công có 53 hộ dân đang thực hiện chăm sóc, phục tráng cây quýt hôi với tổng diện tích 11ha... Với mong muốn người dân tiếp tục gìn giữ và phát triển kinh tế với sản phẩm nông nghiệp trên quê hương, xã Ban Công đã tiến hành rà soát toàn bộ diện tích cây quýt hôi đã có. Đồng thời hướng dẫn bà con trong xã áp dụng đúng quy trình chăm sóc, đảm bảo cây quýt phát triển tốt.

Ông Lương Văn Tư, Chủ tịch UBND xã Ban Công, cho biết: Hiện UBND xã đã xây dựng kế hoạch để tiếp tục nhân rộng thêm 20 ha cây quýt bản địa này. Bên cạnh đó, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phối hợp đấu mối với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn toàn tỉnh để kết nối, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hệu cho quả quýt hôi.

Gia đình ông Ngân Văn Hiên ở xã Thành Sơn trồng cây quýt hôi từ năm 1997, với diện tích là 3ha. Trước đây, cây quýt hôi chủ yếu tự mọc, tự phát triển, không có bàn tay chăm sóc của con người nên chất lượng giống thấp, thị trường tiêu thụ cũng khó khăn, người dân thu hái được chỉ mang quả ra chợ bán hay chế biến để sử dụng riêng cho gia đình. Vì thế, giống cây này dần bị thu hẹp diện tích, tưởng như không còn cơ hội để hồi sinh, phát triển.

Tuy nhiên, những năm qua, được cán bộ nông nghiệp chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đến nay vườn quýt của ông Hiên đang phát triển và cho thu nhập 150 triệu đồng/năm, sản phẩm quýt luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được người tiêu dùng ưa chuộng. Để nâng cao thu nhập, gia đình ông đã phát triển mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm vườn quýt, nhờ đó có thêm thu nhập và thoát nghèo. 

Ông Hiên, cho biết: "Quýt hôi là một loại cây "dễ tính", mọc ở trên sườn đồi, núi cao, có khí hậu mát mẻ quanh năm, quả quýt chín có màu vàng, mùi thơn mát đặc trưng, hơn nữa vỏ quýt nhiều tinh dầu, thường được người dân sử dụng làm thuốc trị ho hoặc hãm nước uống phòng cúm, cảm lạnh vào mùa đông; lá quýt thường dùng để chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc.

Huyện Bá Thước: Khôi phục, phát triển cây quýt hôi giúp bà con vùng cao thoát nghèo- Ảnh 2.

Giai đoạn 2022 - 2025, huyện Bá Thước đặt mục tiêu mở rộng diện tích lên 100 ha quýt hôi

Để khôi phục cây quýt hôi trên địa bàn huyện Bá Thước, năm 2018, sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã phê duyệt Đề án "Phục tráng và xây dựng giống quýt hôi Bá Thước". Huyện Bá Thước đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa, thuộc viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện Đề án trên với quy mô 4ha tại thôn 3, xã Ban Công và thôn Éo Kén, xã Thanh Sơn. Cùng với đó, bà con được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân giống. Đến nay, sau hơn 5 năm, các thế hệ F1,F2 cây quýt hôi sinh trưởng, phát triển tốt và cho kỳ thu hoạch lứa đầu tiên đạt sản lượng 1 tấn/ha, thu về 30 triệu đồng/ha.

Nhận thấy cây quýt hôi có giá trị kinh tế cao, những năm gần đây, huyện Bá Thước xác định phát triển cây quýt hôi bản địa trở thành cây hàng hóa. Huyện Bá Thước đã vận động người dân trồng cây quýt hôi, đồng thời tuyên truyền, hỗ trợ bà con chăm sóc, tỉa cành, bón phân đúng quy trình và thời kỳ phát triển của cây quýt. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 800 hộ trồng cây quýt hôi, với diện tích 80ha, tập trung tại các xã Ban Công, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Lũng Cao, Cổ Lũng, Lũng Niêm… Trung bình, 1ha quýt cho thu hoạch bình quân 6 tấn quả/năm, thu nhập 90 triệu đồng.

Hiện nay, cây quýt hôi Bá Thước đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Cùng với các chương trình hỗ trợ, phục tráng, nhân giống, huyện Bá Thước đang tích cực thực hiện bảo tồn nguồn gen, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào việc chọn tạo và sản xuất giống cây đạt chất lượng, đưa cây quýt hôi vào phát triển trong các hộ gia đình nhằm mở rộng cả quy mô diện tích và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân; tạo ra sản phẩm đặc trưng theo Chương trình OCOP để phục vụ phát triển du lịch gắn với Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. 

Được biết, các sản phẩm làm từ quýt hôi được khách du lịch rất ưa chuộng, thường mua về làm quà, hoặc để dành để thưởng thức. Hiện nay, sản phẩm trà quýt hôi của Công ty TNHH Puluong Cuisine đã đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Thời gian tới, huyện Bá Thước sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng quýt, phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn huyện sẽ có 100 ha cây quýt hôi, được áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và sản xuất; đồng thời, huyện Bá Thước tiếp tục tìm thêm đầu ra cho sản phẩm, đưa các sản phẩm chế biến từ quýt hôi trở thành sản phẩm hàng hoá đặc trưng của vùng núi cao Bá Thước.

Mới đây, huyện đã ban hành Kế hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, địa phương đã tập trung phát triển 400 ha cây ăn quả như: Cam, bưởi, quýt hôi, tập trung trồng tại các xã: Lũng Cao, Lũng Nội, Điền Quang. Trong đó, diện tích cây quýt hôi khoàng 50 ha, được huyện Bá Thước xây dựng thành sản phẩm OCOP, trồng tại các xã Thành Sơn, Thành Lâm, Ban Công, Cổ Lũng, Lũng Niêm. 

Cùng với chương trình hỗ trợ, phục tráng, nhân giống, huyện Bá Thước đang tích cực thực hiện bảo tồn nguồn gen, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào việc chọn tạo và phát triển trong các hộ gia đình nhằm mở rộng cả quy mô diện tích và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân; tạo ra sản phẩm đặc trưng theo Chương trình OCOP để phục vụ phát triển du lịch gắn với Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng - từ tình người đến tình yêu với thành phố đáng sống Đà Nẵng - từ tình người đến tình yêu với thành phố đáng sống

“Tôi muốn sống ở đây mãi mãi, lâu đến khi nào có thể”. Có lẽ không chỉ nữ nghệ sĩ Brazil Machini mà còn rất nhiều người trong số gần 16.000 người “xê dịch” đến Đà Nẵng mỗi năm cũng chung dự định: định cư lâu dài tại thành phố, không chỉ bởi thiên nhiên, chất lượng sống mà còn bởi một “vũ khí bí mật” khác mang tên… tình người.