Thanh Hóa: Huyện Hoằng Hóa tập trung phát huy giá trị làng nghề truyền thống theo hướng bền vững
Hoằng Hóa là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng, được xem là cửa ngõ quan trọng của vùng trung tâm đô thị lớn trong tỉnh Thanh Hóa. Những năm gần đây, huyện đang trên đà phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, tạo tiền đề quan trọng để hiện thực hóa khát vọng trở thành thị xã trước năm 2030.
Tiếp nối những kết quả ấn tượng, toàn diện đã đạt được trên nhiều lĩnh vực trong năm 2022, ngay từ những tháng đầu năm 2023, huyện Hoằng Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch trọng tâm, các khâu đột phá giai đoạn 2021-2025 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội …
Theo thống kê của UBND huyện Hoằng Hóa, toàn huyện hiện có 12 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận. Trong đó có 3 nghề truyền thống, 2 làng nghề và 7 làng nghề truyền thống đang hoạt động theo các nhóm ngành nghề của từng lĩnh vực sản xuất như: thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ. Mỗi nghề, làng nghề đều có những nét đặc sắc riêng thu hút nhiều lao động tham gia.
Trong khi nhiều làng nghề truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ mai một do không tìm được đầu ra cho sản phẩm thì nghề mộc Đạt Tài, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) vẫn đứng vững và đem lại thu nhập cao cho người làm nghề. Đi qua cánh cổng làng đồ sộ, ghé vào làng Đạt Tài, xã Hoằng Hà, từ xa xa đã nghe tiếng đục đẽo, tiếng máy cưa, máy cắt, máy bào hòa lẫn trong tiếng ù ù của máy CNC khắc gỗ. Những âm thanh quen thuộc của làng nghề mộc như thúc giục, hối hả hơn trong những ngày cuối năm.
Theo các cụ cao niên, nghề mộc Đạt Tài đã có tiếng từ cách đây khoảng 500 năm. Nghề vốn có gốc từ Nam Định, do người thợ cả của một toán thợ mộc vào đây làm nhà, rồi lấy vợ người làng Đạt Tài. Khi định cư tại đây, ông đã truyền nghề cho dân làng Đạt Tài. Từ đây, nghề đã lan sang các làng khác trong vùng. Với tay nghề khéo léo, những người thợ mộc nơi đây đã đi khắp nơi làm nghề, rồi để lại "tiếng thơm" cho đời.
Ông Đặng Thế Minh, thôn Đạt Tài 2, xã Hoằng Hà, năm nay đã ngoài 60 tuổi và là người có thâm niên hàng chục năm làm nhà gỗ cho biết: Ông theo học nghề mộc từ khi 16 tuổi. Khi theo các bậc cha, chú học nghề, ông thường xuyên bị đánh đòn vì các nét chạm trổ, đục, bào... không được như ý. Khắt khe là vậy nhưng vì tâm huyết và lòng yêu nghề nên ông không nản chí mà gắng sức học hành. Dưới đôi bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng bay bổng của người thợ, mỗi tác phẩm tạo dựng lên không chỉ có giá trị sử dụng mà còn có giá trị rất cao về văn hóa, thẩm mỹ. Đồng thời, chứa đựng tâm sức, tình yêu nghề mãnh liệt của mỗi người thợ. Có như vậy, sản phẩm mới đạt độ tinh xảo và có hồn.
Ngày nay, nghề truyền thống của làng Đạt Tài vẫn được duy trì và phát triển. Ông Nguyễn Viết Thiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Hà, cho biết: Trong xã, hiện có hơn 70 hộ gia đình làm nghề mộc, tập trung ở 3 thôn Đạt Tài 1, Đạt Tài 2, Hà Thái, thu hút 178 hộ tham gia, chiếm 7% tổng số hộ dân toàn xã. Ngoài giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nghề mộc đem lại doanh thu khoảng 73 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 70% giá trị sản xuất của xã.
Hiện nay, nghề mộc Đạt Tài vẫn khẳng định được giá trị trường tồn của mình cho dù trong quá trình sản xuất, để bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, người làm nghề đã đầu tư mua thêm máy móc để nâng cao năng suất lao động, song cái nền của giá trị truyền thống với những tiếng đục, tiếng cưa, tiếng bào... vẫn rộn rã mang đậm dấu ấn đặc trưng.
Về Hoằng Hóa không chỉ có nghề mộc mà còn có làng nghề mây tre đan truyền thống xã Hoằng Thịnh. Toàn xã hiện có 520 hộ/1.950 hộ tham gia làm nghề với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/lao động/tháng. Nghề mây tre đan thu hút sự tham gia lao động ở nhiều lứa tuổi, tranh thủ thời gian nông nhàn để có thêm thu nhập.
Khoảng 2 năm trở lại đây, ứng dụng máy móc, công nghệ, nhiều cơ sở sản xuất đã dùng máy chẻ nan, máy làm mây, thay cho việc sử dụng bằng tay. Sự tham gia của máy móc đã tiết kiệm được khoảng 50% thời gian để hoàn thiện 1 sản phẩm, tăng 20% năng suất lao động.
"Ngành tiểu thủ công nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân. Máy móc, công nghệ và các giao dịch trực tuyến đã mở ra cơ hội tốt để duy trì, phát triển sản phẩm làng nghề", ông Hoàng Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thịnh chia sẻ.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng hiện nay làng nghề truyền thống đang gặp khá nhiều khó khăn. Do không được đầu tư kịp thời về trình độ kỹ thuật, nhiều lao động chưa đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó với quy mô nhỏ lẻ, vốn đầu tư còn thiếu, mặt bằng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, công tác quảng cáo, tiếp thị chưa được quan tâm đúng mức.
Thời gian qua, nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nghề trong tổng giá trị sản xuất ở khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, huyện Hoằng Hóa đã ban hành nhiều giải pháp trọng tâm như: phân công lao động nông thôn theo hướng tiến bộ "ly nông, bất ly hương" trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội việc làm cho cư dân nông nghiệp; đầu tư xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật khu vực nông thôn nói chung, ngành nghề nông thôn nói riêng; khuyến khích các làng nghề, cơ sở nghề truyền thống mở các lớp đào tạo nghề cho lao động, khuyến khích mời các nghệ nhân kèm cặp, bồi dưỡng truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ.
Đồng thời, hỗ trợ các địa phương, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX tại làng nghề xây dựng các trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm; hướng dẫn các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tham gia vào Chương trình OCOP. Tính đến tháng 12/2023, toàn huyện đã có 29 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ các làng nghề như nước mắm, gỗ mỹ nghệ.
Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống là việc làm có ý nghĩa và rất cần thiết. Chính vì vậy, với sự nỗ lực, chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương, chắc chắn làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Hoằng Hóa sẽ mở ra những triển vọng mới để tiếp tục bảo tồn và phát huy, kế thừa các giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề. Qua đó, sẽ tạo điểm nhấn cho các tour, tuyến du lịch cộng đồng cho du khách đến tham quan trải nghiệm trong thời gian tới.
Yến HoàngTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.