Thanh Hóa: Huyện Lang Chánh phát triển chuỗi giá trị tre, luồng theo hướng bền vững
Xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó tre, luồng có vị trí đặc biệt quan trọng, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Lang Chánh nói riêng luôn quan tâm đến việc phát triển chuỗi giá trị tre, luồng tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân.
Theo báo cáo thống kê, huyện Lang Chánh hiện có 13.676 ha luồng. Thực hiện Đề án "Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm giai đoạn 2021-2025", huyện Lang Chánh đã triển khai có hiệu quả công tác thâm canh, phục tráng rừng luồng.
Được biết, trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thanh Hóa, huyện Lang Chánh có 2 sản phẩm có thể phát triển thành sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre luồng và các sản phẩm từ tre, luồng. Không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo cho các hộ trồng rừng, riêng hoạt động thu hoạch, chế biến luồng cũng đang tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương.
Năm 2023, huyện hỗ trợ thâm canh, phục tráng rừng trồng luồng, nứa, vầu cho 290 ha, với 356 hộ tham gia; đồng thời tổ chức được 35 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rừng; kỹ thuật chăm sóc phục tráng rừng luồng, nứa, vầu; kỹ thuật trồng keo... cho 1.885 lượt người dân ở hầu khắp các xã trên địa bàn huyện tham gia.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã có chính sách hỗ trợ kinh phí mua phân bón trong 2 năm đầu thâm canh, phục tráng rừng luồng với mức 2 triệu đồng/ha/năm. Vừa qua, nhiều diện tích rừng luồng được cải tạo, 2.000 ha rừng luồng được bón phân giai đoạn 2021-2023, 5 tuyến đường lâm nghiệp được đầu tư, nhiều HTX thu mua tre, luồng được hình thành, tạo môi trường thuận lợi cho cây luồng lưu thông phát triển. Nhờ đó, giá trị thu nhập từ cây luồng được cải thiện, từ 7 – 8 triệu đồng/ 1ha (năm 2022) lên 10 - 12 triệu đồng/ha (năm 2023).
Cùng với đó, công tác trồng rừng và trồng rừng sau khai thác tiếp tục được quan tâm. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã trồng được 2.288 ha, trong đó trồng mới được 200 ha, trồng rừng sau khai thác 2.188 ha, nâng tổng số diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện lên trên 6.800 ha. Tính đến nay, toàn huyện đã thâm canh, phục tráng được 5.300 ha.
Mở rộng diện tích trồng cây vầu tại các xã Yên Khương, Yên Thắng, Lâm Phú và ở những xã có điều kiện phù hợp với diện tích 43 ha; sửa chữa, nâng cấp đường lâm nghiệp cho các vùng trồng rừng sản xuất tập trung. Trung bình mỗi năm, toàn huyện khai thác đạt 7 triệu cây luồng, trên 14.000m3 gỗ rừng trồng, 3.000 tấn nứa, vầu phục vụ cho chế biến. Đồng thời, tiếp tục trồng cây dược liệu tại các xã Tân Phúc, Đồng Lương, Giao An, Trí Nang... với diện tích gần 30 ha.
Cũng trong năm 2023, huyện Lang Chánh tiếp tục cấp chứng chỉ FSC cho hơn 4.000 ha rừng, trong đó có hơn 3.000 ha keo, hơn 1.000 ha luồng và diện tích rừng tự nhiên. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 10.292 ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, đủ điều kiện xuất khẩu, mở ra cơ hội tiêu thụ với sản lượng lớn và nâng cao giá trị kinh tế cho vùng nguyên liệu. Trong năm 2024, huyện phấn đấu có thêm 6.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển chuỗi giá trị tre, luồng theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, trên thực tế giá trị sản xuất tre, luồng trên địa bàn Lang Chánh nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung đang được đánh giá là thấp so với tiềm năng, lợi thế. Nguyên nhân là do tỷ lệ nguyên liệu tre, luồng đưa vào chế biến còn thấp, sản phẩm chế biến đang còn ở dạng sơ chế, nên giá trị kinh tế chưa cao. Do đó, huyện đã và đang triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, xây dựng chuỗi giá trị tre, luồng theo hướng bền vững, trong đó có phần quan trọng từ hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư.
Huyện chú trọng việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên bố trí mặt bằng phù hợp để các nhà đầu tư có nhu cầu xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến. Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp chế biến sâu lâm sản nhằm khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu luồng, vầu, nứa, nhất là những doanh nghiệp có công nghệ cao, có năng lực tài chính thực hiện dự án sản xuất.
Đến nay, huyện Lang Chánh đã thu hút được 11 doanh nghiệp, HTX, cơ sở chế biến lâm sản đang hoạt động. Các cơ sở này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ luồng, vầu, keo, các loại gỗ tạp, tạo việc làm cho gần 300 lao động, với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.
Đơn cử, mới đây huyện thu hút được Công ty Bamboo King Vina vào đầu tư nhà máy sản xuất tre, luồng công nghệ cao, tại Cụm Công nghiệp Bãi Bùi, thị trấn Lang Chánh, với mức công suất dự kiến đạt 1.500 tấn/ngày. Nhà máy có tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng trên diện tích 15 ha, được khởi công xây dựng vào quý III-2021, đến nay đã xây lắp được gần 100% khối lượng so với thiết kế.
Trong đó, một số dây chuyền sản xuất bắt đầu hoạt động, bước đầu cho thấy hiệu quả và sự khác biệt. Sản phẩm thân thiện với môi trường, chủ yếu là: Cây trồng nông nghiệp, hàng rào tre, nhà tre ghép, nội thất tre, thủ công mỹ nghệ, tre ghép thành, tre ghép khối... Hiện, công ty đang vận hành thử nghiệm, dự kiến đi vào hoạt động đầu quý I năm 2024, khi nhà máy đi vào hoạt động 100% công suất sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 2.700 lao động và hàng nghìn lao động gián tiếp tại huyện và các huyện lân cận.
Ông Lê Quang Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, cho biết: Việc phát triển rừng trồng tre, luồng và các sản phẩm từ tre, luồng cũng như tạo sinh kế cho người dân luôn được cấp ủy và chính quyền huyện Lang Chánh quan tâm, chú trọng. "Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm" là một trong những khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lang Chánh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng đề án, ban hành các quyết định về phát triển kinh tế lâm nghiệp, gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, triển khai đến tất cả các xã, thị trấn về kế hoạch, lộ trình thực hiện; thành lập ban chỉ đạo phục tráng rừng luồng cấp xã. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư mở rộng, xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ tre, luồng. Từ đó, giúp tiêu thụ nguyên liệu từ cây luồng, góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển rừng trồng bền vững.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Thanh Tùng, Giám đốc vận hành Nhà máy sản xuất tre luồng công nghệ cao của Công ty Bamboo King Vina, cho biết: Cây luồng đưa vào sử dụng tại nhà máy hoàn toàn khép kín, những mẩu vụn sẽ được công ty đưa vào chế biến phân bón sinh học và than tre hoạt tính. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn dự kiến sẽ xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Với việc đảm bảo nguyên liệu cũng như chuẩn hóa nguồn nguyên liệu sẽ đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của thị trường nước ngoài.
Nhằm ổn định vùng nguyên liệu, thời gian tới công ty sẽ kết nối và hỗ trợ đào tạo tư vấn cho HTX và hộ dân trồng luồng trong việc ươm giống, trồng mới chăm sóc và khai thác, phát triển kinh doanh tre, luồng bền vững, đồng thời có kế hoạch điều tiết và thu mua nguyên liệu cho người dân, đáp ứng cung ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy sản xuất.
Có thể nói, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và phục hồi tên gọi "vua luồng" là hướng đi đúng đắn, góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Lang Chánh. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển rừng trồng bền vững cho địa phương, hình thành những sản phẩm từ tre luồng có giá trị kinh tế cao, cung cấp cho thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Yến HoàngSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.