Thanh Hóa: Huyện Như Xuân - Hành trình và khát vọng

Địa phương
12:23 PM 04/03/2024

Năm 2023, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Như Xuân đã cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, triển khai các chương trình, nghị quyết, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Trên tinh thần “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, Như Xuân đã nỗ lực hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Thanh Hóa: Huyện Như Xuân - Hành trình và khát vọng- Ảnh 1.

Một góc huyện Như Xuân.

Nhìn lại năm 2023 đã qua với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Như Xuân đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu thuộc nhóm dẫn đầu khu vực các huyện miền núi. 

Trong 27 chỉ tiêu năm 2023, có 24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng 4,2%, xếp thứ 12 toàn tỉnh và xếp thứ 4 trong số 11 huyện miền núi; sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất toàn ngành 1.934 tỷ đồng, tăng 113 tỷ đồng; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: Nông - lâm - thủy sản chiếm 29,57 %; công nghiệp - xây dựng chiếm 42,43%, giảm 0,27%; dịch vụ chiếm 28%, tăng 1%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 40,37 triệu đồng…

Trong đó, sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển và đạt kết quả khá; giá trị sản xuất toàn ngành 1.934 tỷ đồng, tăng 113 tỷ đồng; tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 4,5%.

Mặt khác, Như Xuân đã triển khai thực hiện có hiệu quả đề án "Phát triển cây ăn quả tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; trồng mới 58 ha, đạt 45 % KH, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 1.376,9 ha; phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh về phát triển lâm nghiệp; diện tích trồng rừng sản xuất 2.169 ha, tăng 574 ha so với năm 2022; nuôi trồng và khai thác thủy sản phát triển khá, tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản toàn huyện 731,6 ha, sản lượng ước đạt 3.200 tấn.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; bình quân toàn huyện đến nay đạt 14,8 tiêu chí/xã, tăng 1,5 tiêu chí/xã so với năm 2022; có thêm 01 thôn đạt NTM kiểu mẫu (thôn 3, xã Bãi Trành); dự kiến, cuối năm 2023 xã Bãi Trành về đích NTM nâng cao. Tập trung chỉ đạo xây dựng sản phẩm OCOP, trong năm có 08 sản phẩm mới được công nhận 3 sao, nâng tổng số lên 20 sản phẩm OCOP 3 sao (dẫn đầu các huyện miền núi).

Thanh Hóa: Huyện Như Xuân - Hành trình và khát vọng- Ảnh 2.

Chuyển đổi các giống cây trồng phù hợp đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân

Công tác quy hoạch được quan tâm đẩy mạnh, Như Xuân là đơn vị thứ 2 được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2021-2030. Thu ngân sách đạt 1.210, 89 tỷ đồng, bằng 191% dự toán tỉnh giao, 180 dự toán huyện giao. Giải ngân vốn đầu tư công và công tác giải phóng mặt bằng đạt kết quả tích cực trong nhóm các đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh. An sinh xã hội được đảm bảo; thực hiện tốt công tác giảm nghèo; Chất lượng giáo dục được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Cùng với đó, công nghiệp - xây dựng tiếp tục phát triển; giá trị sản xuất đạt 2.775 tỷ đồng, tăng 208 tỷ đồng so với năm 2022, là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu giá trị sản xuất của huyện. Tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa 78% (trừ quốc lộ và tỉnh lộ), đạt KH, tăng 0,1% so với CK; tỷ lệ đô thị hóa 14,79%, vượt KH, tăng 079% so với CK; tỷ lệ kiên cố 83%, đạt KH, tăng 0,5% so với CK.

Có thể nói, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền; sự đồng thuận của nhân dân, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Như Xuân đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và đạt được kết quả tích cực trong năm 2023.

Không dừng lại ở đó, sản xuất nông - lâm nghiệp tiếp tục được tái cơ cấu lại nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Tập trung chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn như: cam, chè, gai xanh; toàn huyện đã có 1.323,5 ha cây ăn quả, trong đó có 5 vùng cây ăn quả tập trung; có 125 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng VietGAP, 300ha ứng dụng công nghệ tưới hiện đại…

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện các chương trình trọng tâm, khâu đột phá trên lĩnh vực kinh tế - xã hội đã tạo động lực cho sự phát triển trong việc tái cấu trúc nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm thực hiện. Giáo dục - đào tạo có sự chuyển biến; công tác giải quyết việc làm và an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.

Bước vào năm 2024, năm thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Như Xuân lần thứ XXIII, năm có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch nhiệm kỳ 2020-2025. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Như Xuân xác định là năm tăng tốc, bứt phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXIII nhằm tạo tiền đề vững chắc cho nhiệm kỳ 2025-2030.

Thanh Hóa: Huyện Như Xuân - Hành trình và khát vọng- Ảnh 3.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuất, UV BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng thẩm định thôn NTM huyện và đoàn thẩm định NTM huyện thăm mô hình Nông nghiệp tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Duy Vĩnh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị, Bí thư Huyện ủy Như Xuân Lương Thị Hoa cho biết: Với tinh thần nhận thức đúng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, trong nửa nhiệm kỳ còn lại, đặc biệt là năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã đề ra. Vì vậy cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Trước mắt, tiếp tục khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, thực hiện cơ cấu lại kinh tế, nhất là các lĩnh vực, các ngành có lợi thế để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy phát triển nông - lâm nghiệp làm nền tảng. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, quy mô phù hợp, giá trị kinh tế cao, gắn với thị trường và xây dựng thương hiệu của địa phương. Tập trung phát triển vùng cây ăn quả, đưa Như Xuân trở thành một trong những trung tâm trồng cây ăn quả lớn nhất của tỉnh.

Cùng với đó, các chỉ tiêu kinh tế như: tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 5,6%, nông, lâm, thủy sản tăng 4,5%; Công nghiệp - xây dựng tăng 7,01%; dịch vụ - thương mại tăng 4,5; Tổng sản lượng lương thực đạt 25.000 tấn; diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn 200ha; Thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 45 triệu đồng; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1.000 tỷ đồng… Đồng thời, tập trung chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào huyện và mở rộng sản xuất. Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế như thương mại, vận tải, viễn thông và du lịch…

Trong thời gian tới, huyện Như Xuân sẽ phát triển theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc" gắn với việc truyền cảm hứng, khơi dậy ý thức khát vọng vươn lên của nhân dân trong giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành 100% chỉ tiêu nghị quyết, xây dựng Như Xuân trở thành một trong những huyện dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao ý thức trách nhiệm, tính năng động của bộ máy chính quyền; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các cơ quan, đơn vị. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương.

Triều Nguyệt – Yến Hoàng
Ý kiến của bạn