Thanh Hoá: Huyện Thiệu Hóa đạt và vượt 24/25 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023

Địa phương
03:18 PM 14/01/2024

Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) vẫn đạt được những kết quả quan trọng. 24/25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Dưới sự chỉ đạo tập trung của Huyện ủy, sự điều hành sâu sát, quyết liệt của UBND huyện, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, năm 2023, huyện Thiệu Hóa đã hoàn thành đạt và vượt kế hoạch 24/25 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Thanh Hoá: Huyện Thiệu Hóa đạt và vượt 24/25 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023- Ảnh 1.

Huyện Thiệu Hóa đã và đang chuyển mình mạnh mẽ

Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng giá trị sản xuất năm 2023 ước 4,92%, đứng thứ 8 toàn tỉnh. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,29%; công nghiệp – xây dựng tăng 4,86%; dịch vụ tăng 5,49%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 60,89 triệu đồng/người, tăng 9,1% so với cùng kỳ.

Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, năng suất lúa cả 2 vụ thuộc nhóm dẫn đầu toàn tỉnh. Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 1.414 tỷ đồng, tăng 4,29% so với cùng kỳ; sản lượng lương thực có hạt đạt 109,2 nghìn tấn, vượt 1,1% so với kế hoạch và tăng 0,4% so với cùng kỳ. Năng suất lúa bình quân cả năm đạt 66,2 tạ/ha tăng 3,3% so với kế hoạch, tăng 0,9% so với cùng kỳ. 

Chương trình liên kết sản xuất năm 2023 đạt 1.358ha, tăng 361,5 ha so với cùng kỳ; có thêm 151 ha đất nông nghiệp được tích tụ (đạt 116% kế hoạch), tập trung để sản xuất theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, vượt 16% kế hoạch, nâng tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn huyện được tích tụ, tập trung đạt 720 ha. Trong phát triển chăn nuôi, tập trung phục hồi đàn gia súc, gia cầm, cơ bản thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch. Đến nay, toàn huyện có 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 7 xã nông thôn mới nâng cao; Công nhận 15 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện lên 28 sản phẩm.

Thanh Hoá: Huyện Thiệu Hóa đạt và vượt 24/25 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023- Ảnh 2.

Sản phẩm Dưa vàng Kim Hoàng Hậu đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của HTX Thiệu Hưng, huyện Thiệu Hóa.

Sản xuất công nghiệp, dịch vụ tiếp tục phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 4.509 tỷ đồng, tăng 4,86% so với cùng kỳ. Các ngành nghề truyền thống, nghề mới được du nhập đã tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, như: sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lương thực, thực phẩm, đúc đồng, ươm tơ, trồng dâu nuôi tằm…; Các ngành dịch vụ tiếp tục có bước phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 6.505 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ; tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 58,042 triệu USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Công tác thu hút đầu tư được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả tốt, đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất, gia công giày xuất khẩu ALIVIA tại Cụm công nghiệp Vạn Hà (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến sử dụng 12.000 lao động; các dự án đầu tư, dự án trọng điểm của huyện cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra.

Thanh Hoá: Huyện Thiệu Hóa đạt và vượt 24/25 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023- Ảnh 3.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Thiệu Hóa cùng lãnh đạo Tập đoàn Hoa Lợi thực hiện nghi thức khởi công nhà máy sản xuất, gia công giày xuất khẩu ALIVIA tại Cụm công nghiệp Vạn Hà (giai đoạn 1)

Công tác quy hoạch các đô thị được tập trung thực hiện; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Đề án sáp nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền.

Thanh Hoá: Huyện Thiệu Hóa đạt và vượt 24/25 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023- Ảnh 4.

Tuyến cao tốc Bắc Nam đi qua huyện Thiệu Hoá thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế, xã hội.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt 447,48 tỷ đồng, đạt 108% dự toán tỉnh giao; Chi ngân sách ước thực hiện 1.506.480 triệu đồng, đạt 184% dự toán tỉnh giao. Trong năm, thành lập mới 90 doanh nghiệp, đạt 163,6% kế hoạch tỉnh giao.

Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa – xã hội có chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Trong đó, phải kể đến thành công của lễ khánh thành khu di tích lịch sử, trụ sở làm việc Tỉnh ủy Thanh Hóa, thời kỳ 1967-1973 và chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 701 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu, góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa, hình ảnh đặc sắc của địa phương. 

Thanh Hoá: Huyện Thiệu Hóa đạt và vượt 24/25 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023- Ảnh 5.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo huyện Thiệu Hóa cắt băng khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973).

Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm đầu tư, nghệ thuật trình diễn dân gian "Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ" xã Thiệu Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; các di tích lịch sử tiếp tục được quan tân tu bổ, tôn tạo; xây dựng kịch bản đề nghị công nhận Lễ hội Đền thờ Lê Văn Hưu xã Thiệu Trung.

Thanh Hoá: Huyện Thiệu Hóa đạt và vượt 24/25 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023- Ảnh 6.

Nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ” xã Thiệu Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Công tác giáo dục và đào tạo chuyển biến tích cực, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên, xếp trong nhóm dẫn đầu của tỉnh. Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được củng cố, duy trì và phát triển bền vững, được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở mức độ 3; xóa mù chữ mức độ 2. Tổ chức kiểm tra công nhận cho 27/32 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 84,4% so với kế hoạch.

Công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời theo quy định. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 2.897 lao động, đạt 94% kế hoạch.

Triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình giản nghèo trên địa bàn. Trong năm 2023, huyện đã hoàn thành kế hoạch cấp đất, hỗ trợ kinh phí làm nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông, tạo được sự đồng tình, đánh giá cao của các tầng lớp Nhân dân. Cùng với đó, chất lượng y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân tiếp tục được nâng lên; quốc phòng – an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; công tác phát triển Đảng được chăm lo; đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân được tăng cường…

Xác định năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm then chốt, quyết định khả năng hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026, UBND huyện Thiệu Hóa xác định chủ đề của năm là "Đoàn kết - kỷ cương - quyết liệt - hiệu quả". Quan điểm chỉ đạo điều hành của UBND huyện là tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và đồng bộ; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tạo đột phá phát triển đô thị và công nghiệp tập trung.

Thanh Hoá: Huyện Thiệu Hóa đạt và vượt 24/25 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023- Ảnh 7.

Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hoá Hoàng Trọng Cường triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024.

Huyện cũng đề ra 25 chỉ tiêu và 9 nhóm giải pháp chủ yếu trên tất cả các lĩnh vực, trong đó phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 10,5% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 65,2 triệu đồng/năm; tổng sản lượng lương thực đạt 106 nghìn tấn; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 4.300 tỷ đồng trở lên; tỷ lệ tăng thu ngân sách đạt 10% trở lên so với dự toán tỉnh giao; tỷ lệ đô thị hóa đạt 27,14%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,28%...

Vy Linh – Tri Thức
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.