Thanh Hóa: Kết nối chuỗi giá trị, hướng tới nông nghiệp xanh bền vững
Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, nông nghiệp xanh để giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra các sản phẩm an toàn với sức khỏe người tiêu dùng luôn được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp xanh bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.
Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Theo thông tin từ Sở NN&PT nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 170 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 13.500 ha sản xuất rau an toàn, hơn 765 ha sản xuất nông nghiệp chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giống biến đổi gen, 39 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, khoảng 700 trang trại chăn nuôi áp dụng chăn nuôi theo hướng công nghệ cao và an toàn sinh học.
Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có những bước tiến xa, với các thành tựu nổi bật trong XD NTM và số lượng các sản phẩm OCOP đứng thứ 3 cả nước với 424 sản phẩm được chứng nhận. Đến nay Thanh Hóa có 1.237 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để xây dựng một nền nông nghiệp xanh bền vững, tỉnh Thanh Hóa còn xây dựng mã số vùng trồng cho từng địa phương. Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 15 vùng trồng, với 30 mã số được cấp; trong đó, có 15 mã xuất đi Trung Quốc, 15 mã xuất đi Malaysia.
Ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị trong các ngành, sản phẩm thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, từ cung ứng đến sản xuất, bảo quản, bao tiêu sản phẩm.
Do vậy, chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng lên. Cùng với đó, việc quản lý và giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất cũng đã góp phần đưa nông sản an toàn ngày càng đến gần với người sử dụng.
Ngoài ra, hầu hết các địa phương đều chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp thông qua các cuộc vận động, chương trình của các hội, đoàn thể. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của các cấp và mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng sản xuất tập trung theo vùng, quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị; phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, gắn với chế biến thực phẩm và bảo vệ môi trường, tạo nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tận dụng quỹ đất để phát triển cây ngô dày, xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn xanh phục vụ chăn nuôi đại gia súc. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.000 ha trồng ngô dày làm thức ăn chăn nuôi, trong đó có khoảng 860 ha được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Trong những năm qua, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Hoạt động trên các tiêu chí: Tự động hóa - Đơn giản hóa - Đồng bộ hóa - Chuyên nghiệp hóa và Xanh hóa.
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng miền, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và Quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao; hoạt động trên các tiêu chí: Tự động hóa - Đơn giản hóa - Đồng bộ hóa - Chuyên nghiệp hóa và Xanh hóa.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa: ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất theo phương pháp truyền thống; chăn nuôi lợi nhuận bình quân đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm; nuôi trồng thủy sản lợi nhuận đạt từ 2 đến 5 tỷ đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương cũng luôn quan tâm chú trọng đến việc tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm, giúp chủ thể sản xuất kết nối với người tiêu dùng.
Điển hình, vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chứchội nghị kết nối cung - cầu gắn với trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn. Hội chợ diễn ra trong vòng 5 ngày, từ ngày 09-11/11, thu hút 138 đơn vị tham gia với 200 gian hàng. Trong đó, có 40 gian hàng của 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; 10 gian hàng của 5 tổ chức, hiệp hội ngành hàng; 118 gian hàng của 84 doanh nghiệp, hợp tác, chủ thể OCOP trong tỉnh và 32 gian hàng của 16 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Sự kiện là cơ hội để các địa phương, đơn vị giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm đạt chứng nhận an toàn, sản phẩm OCOP. Khu vực trưng bày sản phẩm đã thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm. Đây là lần trưng bày sản phẩm nông sản, thực phẩm lớn nhất từ trước đến nay, các mặt hàng cũng được đánh giá là tương đối đa dạng, phong phú và chất lượng ngày một tốt hơn; các địa phương, doanh nghiệp cũng đánh giá đây là cơ hội để các sản phẩm Thanh Hoá vươn ra thị trường lớn, không chỉ trong tỉnh, trong nước mà còn mở ra cơ hội cho xuất khẩu.
Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 20% trở lên trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Những đóng góp của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho thấy: việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, đã và đang tạo xung lực mới cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Yến HoàngMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.