Thanh Hóa: Kết nối để phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc

Địa phương
12:27 PM 27/03/2024

Mục tiêu trong năm 2024 là đưa Tây Bắc trở thành thị trường khách quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch đến với tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2023, du lịch Thanh Hóa có sự bứt tốc mạnh mẽ khi đón trên 12,4 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 24.500 tỷ đồng. Đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón khoảng 16 triệu lượt khách và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thanh Hóa xác định liên kết với các địa phương là yếu tố quan trọng, tiên quyết thành công trong phát triển du lịch. Theo đó, nhiều sự kiện kết nối du lịch Thanh Hóa với các tỉnh Tây Bắc được quan tâm, tổ chức sinh động, mở ra cơ hội "vàng" về phát triển du lịch giữa các địa phương với nhau.

Thanh Hóa: Kết nối để phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc- Ảnh 1.

Sự kết nối du lịch giữa tỉnh Thanh Hoá và các tỉnh vùng Tây Bắc tạo nên điểm nhấn trong bức tranh du lịch cả nước

Mở đầu cho chuỗi sự kiện này, đó là: Tháng 11/2023, tại tỉnh Sơn La, Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị xúc tiến, kết nối, hợp tác cùng phát triển du lịch giữa tỉnh Thanh Hóa với tỉnh Tây Bắc. Ngay sau đó tháng 1/2024, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Điện Biên tại Thanh Hóa trong chuỗi các hoạt động tại Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Thanh Hóa năm 2024.

Gần đây, vào trung tuần tháng 3/2024, đoàn Farmtrip khu vực Tây Bắc đã đến tìm hiểu và khảo sát các khu, điểm du lịch tại Thanh Hóa; đồng thời, thông qua các hoạt động tích cực, thường xuyên chỉ trong một thời gian ngắn giữa Thanh Hóa với các tỉnh Tây Bắc đã mở ra cơ hội hợp tác, kết nối du lịch giữa các địa phương cũng trở nên khả thi hơn.

Thanh Hóa: Kết nối để phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc- Ảnh 2.

Tháng 9 và tháng 10, khi đó Pù Luông bước vào mùa lúa chín là lúc du khách có thể hoà mình vào thiên nhiên tuyệt đẹp khi đến với Thanh Hoá.

Qua thực tế, các mô hình liên kết du lịch vùng như Bắc Trung Bộ; vùng Tây Bắc, vùng Đông Nam Bộ… giúp tìm ra những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước; trong khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch; trong định hướng và tầm nhìn phát triển ngành du lịch; trong xây dựng chính sách thu hút đầu tư, xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực… sự hợp tác này không dừng lại ở cấp tỉnh, mà nó sẽ tạo ra cầu nối để thúc đẩy sự hợp tác giữa địa phương với doanh nghiệp hay giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Văn Thi, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tỉnh Thanh Hóa luôn coi trọng và có nhiều xúc tiến du lịch đối với các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Điện Biên để tăng tốc cũng như đưa khách du lịch từ các địa phương này về với Thanh Hóa. Đồng thời, chúng tôi cũng thúc đẩy các sản phẩm du lịch của Tây Bắc để Thanh Hóa có thể kết nối với Tây Bắc. Trong những năm qua và hiện nay, lượng khách du lịch từ Tây Bắc đến Thanh Hóa cũng khá lớn, vì thế thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường hợp tác phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội trong các điều kiện mà các tỉnh thành có thế mạnh để cùng nhau phát triển".

Thanh Hóa: Kết nối để phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc- Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại Hội nghị kết nối

Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng: "Trên cơ sở thế mạnh tiềm năng của hai địa phương và đặc biệt là với kinh nghiệm của Thanh Hóa trong vấn đề quản lý xúc tiến du lịch, với truyền thống giữa Điện Biên và Thanh Hóa trong suốt gần 75 năm qua, cùng sự hỗ trợ, phối hợp giữa cấp ủy chính quyền thông qua các chính sách hợp tác, đầu tư và chính sách liên kết, chúng tôi tin tưởng hợp tác, phát triển du lịch giữa hai tỉnh Điện Biên và Thanh Hóa trong thời gian tới sẽ đạt được hiệu quả như mong muốn".

Trong nhiều năm qua, các tỉnh khu vực Tây Bắc là thị trường khách truyền thống của du lịch Thanh Hóa và bước đầu đã có sự trao đổi khách, tạo nhiều tour, tuyến du lịch hấp dẫn. Qua những đợt khảo sát cho thấy, Thanh Hóa còn được các doanh nghiệp du lịch, các địa phương đánh giá cao về việc phát triển sản phẩm mới, nhiều trải nghiệm mới, mang tính chuyên nghiệp cao.

Thanh Hóa: Kết nối để phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc- Ảnh 4.

Đoàn các tỉnh Tây Bắc khảo sát du lịch xứ Thanh

Ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Lâm Huy, tỉnh Sơn La cho biết: "Thanh Hóa vẫn là đối tác quan trọng của chúng tôi, thường xuyên có tour khai thác nghỉ dưỡng biển".

Với sự đa dạng về sản phẩm du lịch, sức hấp dẫn của các điểm đến cùng nỗ lực xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ, ngành du lịch Thanh Hóa kỳ vọng sẽ phát triển các chuỗi sản phẩm liên vùng, đặc trưng, hấp dẫn với các tỉnh Tây Bắc. Đồng thời, khai thác hiệu quả thế mạnh của từng địa phương, vùng miền, đem đến những trải nghiệm du lịch phong phú và đa dạng, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách trong nước và quốc tế khi đến với Thanh Hóa.

Thanh Hóa: Kết nối để phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc- Ảnh 5.

Đoàn famtrip tỉnh Thanh Hóa tổ chức khảo sát dịch vụ, kết nối với doanh nghiệp du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu (tháng 9/2023).

Cùng với đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch; đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất du lịch; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… thì việc kết nối các điểm đến, các thị trường khách được tỉnh Thanh Hóa chú trọng. Bởi, việc liên kết giữ các tỉnh, thành không chỉ giúp quảng bá và thu hút khách; mà còn là cơ hội để tham vấn, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển du kịch, đặc biệt là các địa phương trọng điểm của du lịch Việt Nam.

PV
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.