Thanh Hóa: Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực sản xuất kinh doanh

Địa phương
10:02 AM 14/11/2023

Để tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng như tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp với ngân hàng, tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra một số giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần thúc đẩy việc tiếp cận nguồn vốn này tới các doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Năm 2023, trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang đứng bên bờ vực giải thể do khó tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Một yêu cầu bức thiết là tạo lập những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm giúp các doanh nghiệp cải thiện môi trường kinh doanh; tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn và công nghệ; mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; tăng khả năng cạnh tranh của mình nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Thanh Hóa: Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực sản xuất kinh doanh- Ảnh 1.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay là một trong những khó khăn vướng mắc lớn nhất mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Doanh nghiệp có tài sản thế chấp nhưng lại gặp vướng mắc pháp lý, không thể đáp ứng điều kiện vay vốn như: năng lực tài chính, trình độ quản lý của doanh nghiệp hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi; doanh nghiệp khó tiếp cận các khoản vay trung, dài hạn.

Hiện tại, lãi suất vay đã giảm nhưng vẫn chưa ở mức kỳ vọng trong điều kiện sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Một số gói tín dụng có lãi suất ưu đãi nhưng điều kiện vay còn chặt chẽ... Các doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị ngân hàng đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt thủ tục hồ sơ vay vốn; nới lỏng điều kiện cho vay, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; đánh giá tài sản thế chấp tương đương giá trị thực tế; đa dạng hóa các ngành nghề vay; nới rộng vòng quay vốn, nâng tỷ lệ cho vay tín chấp; rà soát phân loại doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thẩm định.

Để tháo gỡ những rào cản, giúp doanh nghiệp tiếp cận tín dụng hiệu quả để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, vừa qua Ngành Ngân hàng Thanh Hóa đã triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - DN, người dân nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng bằng nhiều hình thức như: Chủ trì, đồng chủ trì hội nghị đối thoại quy mô cấp tỉnh; các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động gặp gỡ, đối thoại, tổ chức hội nghị khách hàng; duy trì đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh trong thực hiện chính sách của ngành; thực hiện tiết giảm chi phí, giảm phí, lệ phí; đơn giản hóa quy trình thủ tục vay vốn; rút ngắn thời gian phê duyệt và giải ngân vốn vay; điều chỉnh giảm lãi suất, thực hiện miễn, giảm lãi suất cho vay, giảm phí, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay để trả nợ; triển khai các chương trình tín dụng chuyên đề của Chính phủ, của ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng.

Thanh Hóa: Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực sản xuất kinh doanh- Ảnh 2.

Giám đốc NHNN Thanh Hóa Tống Văn Ánh cam kết tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng trong tỉnh

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Thanh Hóa cho biết: Các TCTD trên địa bàn tỉnh đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay (phổ biến giảm từ 0,5 - 2%/năm). Đồng thời, các TCTD triển khai khẩn trương, kịp thời Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. 

Đến ngày 30/9/2023, toàn tỉnh có 203.454 khách hàng được hỗ trợ ưu đãi lãi suất, tài sản bảo đảm, miễn/giảm lãi với doanh số cho vay đạt 76.539 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ là 287 tỷ đồng...

Cùng với đó, các ngân hàng thương mại đã yêu cầu các tổ chức tín dụng đa dạng hóa các chương trình sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, chủ động đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ, kích cầu tín dụng cho doanh nghiệp. Thời gian tới, ngành Ngân hàng Thanh Hóa cam kết tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận vốn tín dụng, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, thực tế việc tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung, doanh nghiệp Thanh Hóa nói riêng vẫn gặp nhiều hạn chế. Tính đến ngày 30/9/2023, tổng dư nợ trên toàn địa bàn tỉnh đạt 185.988 tỷ đồng, tăng 5,78% so với đầu năm. Trong đó, cho vay DN có dư nợ đạt 51.968 tỷ đồng với 4.662 lượt DN đang vay vốn.

Thanh Hóa: Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực sản xuất kinh doanh- Ảnh 3.

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp diễn ra vào ngày 9/11 vừa qua, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đã đề nghị: NHNN Thanh Hóa, các sở, ngành tỉnh trong thời gian tới phải chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng và hiệp hội ngành, nghề trong tỉnh xem xét, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, nhất là vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác thông tin về các chương trình, chính sách tín dụng, hỗ trợ tín dụng của ngành Ngân hàng để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động nghiên cứu, tiếp cận để đẩy nhanh quá trình khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay thuận lợi với thủ tục hành chính đơn giản.

Các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định, bền vững. Các sở, ban ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện các chương trình tín dụng, đặc biệt là các chương trình cho vay các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hỗ trợ hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn tỉnh ổn định và phát triển bền vững.

Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được tổ chức đã khẳng định sự đồng hành không chỉ của ngành ngân hàng mà còn của các cấp chính quyền trong tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Trên tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, DN, Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Thanh Hóa, cùng với các sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Việt Nam là quốc gia có GDP cao nhất khu vực ASEAN-6 Việt Nam là quốc gia có GDP cao nhất khu vực ASEAN-6

Quý III/2024, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%.