Thanh Hóa: Kết quả đầu tư vốn FDI năm 2023 và những kỳ vọng năm 2024

Địa phương
04:28 PM 11/03/2024

Trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 cả về tổng vốn đầu tư và số dự án. Điều này đã và đang mang đến nhiều kỳ vọng cho tỉnh Thanh Hóa về tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.

Trong năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 223,81 triệu USD, gấp 2,1 lần về số dự án và 2,86 lần số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2022. Tỉnh cũng đã điều chỉnh vốn cho 8 dự án FDI với số vốn tăng thêm là 63,64 triệu USD. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, vốn góp 11,35 triệu USD, gấp 21 lần so với cùng kỳ.

Thanh Hóa: Kết quả đầu tư vốn FDI năm 2023 và những kỳ vọng năm 2024- Ảnh 1.

Khu công nghiệp Tây Bắc Ga tỉnh Thanh Hóa

Tổng vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong năm 2023 ước đạt 453,5 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 36 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Là những DN có vốn lớn, đầu tư công nghệ hiện đại cũng như các khối kết nối chuỗi cung cầu với công ty mẹ, đối tác quốc tế nên hoạt động sản xuất của các DN FDI khá ổn định, tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Công ty KH Vina Bỉm Sơn, khu công nghiệp (KCN) là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc. Đi vào vận hành chính thức từ năm 2017, mỗi năm DN đều đóng góp sản lượng từ 1,2 đến 1,5 triệu áo sơ mi các loại cho ngành may mặc Thanh Hóa. Đặc biệt là trong giai đoạn COVID-19, do có kết nối, "bảo trợ" về nguyên vật liệu, đầu ra của công ty mẹ tại Hàn Quốc nên DN vẫn có đơn hàng sản xuất đều đặn, ổn định việc làm cho gần 650 lao động với mức thu nhập trung bình 6,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Là KCN mới, lại có tính chất đặc thù về quy hoạch ngành, nghề nên KCN Bỉm Sơn đã có 24 DN FDI đang hoạt động, với các ngành nghề, như: may mặc, đồ kim hoàn, sản xuất gia công, lắp giáp linh kiện, phụ tùng ô tô… Các DN đang tạo việc làm cho khoảng 4.300 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 6 đến 6,5 triệu đồng/tháng/người.

Thanh Hóa: Kết quả đầu tư vốn FDI năm 2023 và những kỳ vọng năm 2024- Ảnh 2.

Cảng biển Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Thời gian tới, khi dự án Nhà máy Công nghiệp SAB Việt Nam với tổng mức đầu tư khoảng 90 triệu USD tại KCN này đi vào hoạt động sẽ tạo thêm việc làm cho hơn 2.000 lao động với sản lượng hàng hóa ước tính khoảng 100 triệu USD/năm.

Tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, nhiều DN FDI cũng hoạt động hiệu quả, đóng góp cao và gần như chi phối cho ngân sách Nhà nước, điển hình như: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2, Công ty Xi măng Nghi Sơn, Công ty CP Oldendof Carriers Việt Nam… Những DN này hàng năm là "át chủ bài" đối với nhiệm vụ thu ngân sách của tỉnh. 

Một số DN ở các KCN trên địa bàn TP Thanh Hóa khác cũng đang hoạt động ổn định, như: Sakurai Việt Nam, Công ty TNHH giày Sunjade Việt Nam, Công ty TNHH giày Aleron Việt Nam… Các DN FDI TP Thanh Hóa hiện đang tạo ra giá trị sản xuất hơn 26.000 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 500 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 59.000 lao động.

Có thể nói, sức hút của các dự án đã và đang vận hành thành công, trong bối cảnh nhiều khó khăn về tình hình thu hút đầu tư thời gian gần đây, trong năm 2023, thu hút FDI của tỉnh Thanh Hóa có tín hiệu tích cực với 14 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký 29.057 tỷ đồng và 209, 9 triệu USD, cao gấp nhiều lần so với những năm trước đây. 

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, thu hút nguồn vốn FDI tiếp tục có tín hiệu tích cực, với 3 dự án mới, tổng vốn đăng ký đầu tư 32,6 triệu USD, gấp 3 lần về số dự án và gấp 6,7 lần về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Thanh Hóa: Kết quả đầu tư vốn FDI năm 2023 và những kỳ vọng năm 2024- Ảnh 3.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Hiện nay, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… có nhiều dự án đầu tư trực tiếp lớn tại Thanh Hóa. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia chiếm tới 86,7 % tổng vốn đăng ký đầu tư FDI trên địa bàn Thanh Hóa. 

Trong năm 2023, Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) cũng đã ký kết với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN phía Tây TP Thanh Hóa, Trung tâm tiếp vận và phát triển đô thị xung quanh KCN dự kiến sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024-2025 với tổng số vốn khoảng 9.500 tỷ đồng (hơn 400 triệu USD).

Mới đây, Tập đoàn WHA (Thái Lan) đã tiến hành lập hồ sơ đầu tư đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN WHA S mart Techonology - Thanh Hóa giai đoạn 1, thuộc KCN Phú Qúy (Hoằng Hóa) với quy mô sử dụng đất khoảng 178 ha và tổng mức đầu tư dự kiến 1.290 tỷ đồng. Kỳ vọng sự ra đời của KCN này sẽ tiếp tục tạo ra "làn gió mới" trong thu hút các dự án công nghệ hiện đại từ Nhật Bản và các quốc gia có công nghệ tiên tiến đến với Thanh Hóa.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Thanh Hóa hiện có rất nhiều điều kiện "thiên thời, địa lợi" như Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, được phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045, hệ thống giao thông đồng bộ như đường cao tốc, sân bay, cảng nước sâu, tài nguyên dồi dào, sức lao động hùng hậu, giá rẻ… cùng với nền tảng sẳn có về FDI với số vốn lũy kế hơn 14,7 tỷ USD.

Như vậy, với Thanh Hóa, nguồn vốn FDI đã, đang góp phần quan trọng thức đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, cải tiến sản xuất và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các dự án FDI cũng giúp tạo nhiều việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động… góp phần quan trọng vào phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa.


Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2 Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2

Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2, năm 2024 tiếp tục được tổ chức với chủ để "Mê Linh rực rỡ sắc hoa" sẽ được tổ chức trong 4 ngày, dự kiến từ ngày 26/12/2024 đến hết ngày 29/12/2024, tại Quảng trường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh.