Thanh Hóa: Khắc phục tình trạng trả kết quả xét nghiệm Sars-Cov2 chậm
Trước thực trạng công tác xét nghiệm mẫu bệnh phẩm Sars-Cov2 trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch. UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu ngành Y tế khẩn trương khắc phục những mặt hạn chế, nâng cao năng lực xét nghiệm, đảm bảo trả kết quả xét nghiệm tối đa không quá 8 tiếng kể từ khi nhận được mẫu.
Để thực hiện nhiệm vụ này, các đơn vị làm xét nghiệm trong tỉnh đã tiến hành rà soát, bổ sung trang thiết bị, sắp xếp lại nhân lực để công tác xét nghiệm đạt năng xuất tối đa.
Tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, một máy tách triết mẫu tự động, một máy đọc kết quả xét nghiệm Sars-Cov2 vừa được lắp đặt thêm. Sinh phẩm làm xét nghiệm được nhập bổ sung, nhân lực làm xét nghiệm được sắp xếp, cơ cấu lại, đảm bảo duy trì 4 ê kíp làm việc liên tục 24/24 giờ trong ngày. Do đó, đến nay Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện được xét nghiệm từ 3000 - 4000 mẫu mỗi ngày, tăng gấp đôi so với các tuần trước đây. Mặc dù, vẫn có những ngày công tác xét nghiệm tại đơn vị này bị quá tải.
Thầy thuốc Ưu tú, Tiến sỹ Lương Ngọc Trương- Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa trao đổi với phóng viên: "Có thể nói, đây là một nỗ lực rất lớn của CDC Thanh Hóa. Trong điều kiện nhân lực còn nhiều hạn chế, trang thiết bị còn thiếu, nhu cầu xét nghiệm thực tế lại rất cao, nhất là trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến nay lượng công dân trở về từ các vùng có dịch tăng đột biến, có ngày lên đến 4000- 6000 mẫu. Do đó, có những ngày bị ùn đọng số lượng mẫu do chưa làm kịp cũng là điều dễ hiểu".
Công tác xét nghiệm Sars-Cov2 tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa có nhiều thời điểm bị quá tải. Trong khi đó tại 2 đơn vị được phép làm xét nghiệm khẳng đinh Covid-19 bằng phương pháp PCR là bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và bệnh viện Đa khoa Hợp Lực. Số lượng mẫu xét nghiệm Sars-Cov2 được thực hiện mỗi ngày mới chỉ đạt 1/5 thậm chí 1/6 công suất.
"Hiện nay, bệnh viện xét nghiệm khoảng 300 – 400 mẫu một ngày. Trong tình huống bệnh viện được điều động để tăng năng lực xét nghiệm cho toàn tỉnh thì chúng tôi có thể đáp ứng yêu cầu xét nghiệm đối với mẫu đơn là 500 mẫu/ngày và mẫu gộp 5 là 2.500 mẫu/ngày". Bác sỹ CKII Dương Thị Thanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam từ cuối tháng 4 đến nay chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, đang đặt tỉnh Thanh Hóa vào tình thế hết sức nguy cấp, khi nguy cơ xâm nhiễm dịch vào địa bàn ngày càng cao. Việc làm thế nào để kiểm soát được dịch bệnh trong tỉnh, đảm bảo được an toàn sức khỏe của nhân dân trong bối cảnh này là một bài toán khó mà lời giải nằm ở sự nỗ lực tối đa của cả hệ thống chính trị.
Thầy thuốc Ưu tú, BSCKII Nguyễn Thanh Vân – Giám đốc bệnh viện Đa khoa Hợp Lực chia sẻ: " Mỗi ngày có khoảng từ 300 -500 người đến Bệnh viện để xét nghiệm. Tuy nhiên, Bênh viện Đa khoa Hợp Lực có thể đảm bảo xét nghiệm được hàng chục nghìn mẫu. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, chủ tịch UBNd tỉnh Thanh Hóa đã giao cho bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đặt thêm một hệ thống máy xét nghiệm tại bệnh viện trong khu kinh tế Nghi Sơn. Chúng tôi đang tích cực lắp đặt các hệ thống máy để làm sao đến cuối tháng 8/2021, hệ thống có thể đi vào hoạt động."
Để xảy ra tình trạng nơi làm không hết công suất, nơi quá tải xét nghiệm. Là do, hiện nay toàn bộ số mẫu xét nghiệm của người cách ly tập trung và người cách ly tại nhà ở các địa phương trong tỉnh đều được gửi về Trung tâm kiểm soát bênh tật tỉnh Thanh Hóa với một số lượng rất lớn. Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực hiện chỉ có người bênh điều trị nội trú, nhân viên y tế tại đơn vị và các trường hợp xét nghiệm yêu cầu thực hiện xét nghiệm tại đây. Rõ ràng ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa cần một cơ chế điều tiết phù hợp hơn, để các cơ sở xét nghiệm phát huy tối đa năng lực của mình, tránh lãng phí và quá tải cục bộ, đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch trong bối cảnh diễn biến dịch hết sức phức tạp, khó lường như hiện nay.
Với tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay. Sẽ rất khó để xây dựng một phương án chung, tối ưu, đáp ứng được cho tất cả các tình huống dịch bệnh. Tuy nhiên việc luôn chuẩn bị sẵn sàng trước những tình huống sớm nhất chính là nền tảng cơ bản để tỉnh Thanh Hóa hạn chế đến mức tối đa tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Yến HoàngTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.