Thanh Hóa: Khát vọng Quảng Xương

Tạp chí in
09:41 AM 01/04/2021

Vào một ngày cuối tháng 3, chúng tôi đặt lịch hẹn làm việc với anh Nguyễn Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Trong câu chuyện về phát triển nền kinh tế của huyện, anh bắt đầu từ việc thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2015-2020) trong điều kiện có nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, song với ý chí quyết tâm cao, Đảng bộ, quân và dân huyện nhà đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu đại hội đề ra.

Việc chọn hướng đi nào trong phát triển kinh tế của một huyện còn nhiều khó khăn này là một bài toán vô cùng nan giải của các thế hệ lãnh đạo huyện Quảng Xương. Đẩy nhanh phát triển công nghiệp thì không phải là tiềm năng, thế mạnh. Phát triển du lịch, dịch vụ thành khâu đột phá thì chưa đúng lúc vì nguồn lực của huyện có hạn. Do đó, lãnh đạo huyện quyết định quan tâm vào thực tế nguồn nhân lực sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế trên cơ sở xây dựng thật vững chắc kinh tế "tam nông" (nông nghiệp, nông dân, nông thôn). Từ nền tảng đó làm cơ sở để từng bước phát triển công nghiệp theo tiềm năng riêng của huyện. Đồng thời tạo cơ chế chính sách đầu tư để phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ gắn với những lợi ích thiết thực của nhân dân địa phương. 

Năm 2010, khi có nghị quyết của Trung ương về xây dựng nông thôn mới (NTM), với nguồn lực sẵn có từ nền kinh tế đã định hình, lãnh đạo huyện chủ trương ra nghị quyết xây dựng NTM và định hướng đến từng thôn xã với phương châm làm điểm để nhận diện, giải quyết dứt điểm từng tiêu chí. Nhân dân các thôn xã đã hồ hởi tham gia, cấp ủy chỉ đạo, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vào cuộc. Cứ thế, phong trào xây dựng NTM thực sự trở thành cuộc cách mạng mới trong đời sống của nhân dân. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt mục tiêu đại hội đề ra, Quảng Xương nhanh chóng được công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2018.

Thanh Hóa: Khát vọng Quảng Xương - Ảnh 1.

Đại Hội Đảng bộ huyện Quảng Xương lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đất không phụ lòng người, Quảng Xương đã thay đổi từ diện mạo đến chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 15,5%, đạt mục tiêu đại hội đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 52 triệu đồng/người/năm (vượt 7 triệu đồng so với mục tiêu đại hội). 27/27 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mức kế hoạch, trong đó 10 chỉ tiêu vượt mục tiêu Đại hội đề ra.

Nhìn những cánh đồng chuyên canh với 360ha chuỗi sản xuất lúa gạo thương phẩm, 28ha mô hình sản xuất vùng rau an toàn tập trung, các mô hình sản xuất rau, quả công nghệ cao trong nhà màng, nhà kính, rau thủy canh… những khu sản xuất chế biến, chăn nuôi, dịch vụ, thương mại… được quy hoạch, đổi mới theo hướng chuyên môn hóa, phát huy được tiềm năng, thế mạnh và năng lực, kinh nghiệm nghề nghiệp của nhân dân mỗi vùng mà mừng rơi nước mắt. Vì thế, tổng giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 đạt 3.335 tỷ đồng, tăng 625 tỷ so với năm 2015. 

Các mô hình này phát huy hiệu quả vừa mang lại thu nhập cao cho các hộ nông dân, vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động ở các địa phương trong huyện. Sự gắn kết giữa người nông dân, cán bộ kĩ thuật và các cơ sở thu mua, tiêu thụ tìm đầu ra cho sản phẩm đã tạo nền tảng vững chắc cho nông nghiệp phát triển. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai đến tất cả các xã, thị trấn, đã được công nhận 2 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 3 sao.

Đặc biệt, công nghiệp, TTCN, xây dựng tăng trưởng tốc độ khá cao, huy động vốn vượt kế hoạch, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng năm 2020 đạt 6.015 tỷ đồng, tăng 3.665 tỷ đồng so với năm 2015. Tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 20,7%, vượt mục tiêu đại hội. Tập trung chỉ đạo quy hoạch và triển khai xây dựng các cụm công nghiệp, làng nghề để thu hút đầu tư và thúc đẩy công nghiệp, TTCN phát triển. Phê duyệt cụm công nghiệp Nham - Thạch; Cống Trúc; Quảng Yên. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Xây dựng một số hạng mục hạ tầng của dự án khu du lịch biển Tiên Trang. Chấp thuận chủ trương cho 7 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào khu du lịch vụ Bắc Ghép…

Đáng chú ý là, trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chỉ rõ: Phải thay đổi cách nghĩ của nhân dân và tìm cách mở lối để họ tham gia phát triển kinh tế, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần thay đổi bộ mặt quê hương Quảng Xương. "Đó là trăn trở lớn của các thế hệ lãnh đạo huyện mỗi khi đưa ra bàn bạc các phương án để huyện phát triển. Bởi suy cho cùng, dù ở thời điểm nào của lịch sử, dù ở xã hội nào thì an dân vẫn phải là chính sách được quan tâm hàng đầu. Điều đó lại phụ thuộc rất nhiều vào quyết sách của đội ngũ cán bộ các cấp" - anh Nguyễn Đức Thịnh, Chủ tịch huyện khẳng định.

Có được nghị quyết và sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể cán bộ lãnh đạo từ huyện đến cơ sở cùng toàn thể nhân dân, diện mạo của huyện Quảng Xương đã thay đổi từng ngày. Anh Nguyễn Đức Thịnh cho biết dù mới được tỉnh điều động, phân công về Quảng Xương nhưng với tư cách người lãnh đạo cao nhất của chính quyền địa phương, anh đã tìm hiểu, nghiên cứu rất kĩ các văn bản của các thế hệ lãnh đạo huyện trước đây. Anh khẳng định, nếu như xây dựng NTM ở Quảng Xương theo hướng lấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn làm nền tảng, làm điểm tựa vững chắc cho phát triển kinh tế xã hội thì phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020-2025 là tập trung khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa xã hội… 

Phấn đấu xây dựng Quảng Xương năm 2025 đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao; đến năm 2030 trở thành thị xã. Phải bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, hình thành các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phát triển đô thị gắn với đầu tư hạ tầng du lịch. Với khâu đột phá đó là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là công tác GPMB, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, đây không phải là mục tiêu cao nhất. Tập thể lãnh đạo huyện tâm niệm phải thay đổi diện mạo của huyện một cách toàn diện ở tất cả đơn vị cơ sở, ở tất cả các lĩnh vực. Phải xây dựng nền công nghiệp trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh của huyện, đánh thức được các ngành công nghiệp chủ đạo. Triển khai xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề mới…

Tuy nhiên, xét trên toàn diện, kinh tế Quảng Xương vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và sự kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân. Phải làm sao phát triển đa dạng các thế mạnh về kinh tế, xây dựng kế hoạch để tạo nên những đột phá thì Quảng Xương mới có thể về đích thành công như mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đã đề ra. Phải thay đổi thật sự để Quảng Xương cất cánh, phải tạo đột phá để Quảng Xương thực sự là trọng điểm kinh tế, là một trong huyện đứng tốp đầu của tỉnh Thanh Hóa.

Nhiều chỉ tiêu đặt ra như vậy cũng cho thấy còn bao khó khăn. Nhưng niềm tin khi các dự án phát triển về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và dịch vụ được khai sáng, bật mở, phát huy hết mọi tiền năng, thế mạnh, Quảng Xương sẽ phát triển mạnh mẽ trong một tương lai không xa. Đó không chỉ là kế hoạch, là chỉ tiêu mà còn là niềm tin, là khát vọng của hàng vạn người dân Quảng Xương trên hành trình đi tìm cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn