Thanh Hóa: Khởi công dự án Đại lộ Nam sông Mã giai đoạn 2
Sáng 19/4, UBND TP Thanh Hóa tổ chức lễ khởi công dự án Đại lộ Nam sông Mã giai đoạn 2, đoạn từ phường Quảng Hưng đến hết địa phận phường Quảng Tâm (TP. Thanh Hóa). Sự kiện được kết nối trực tuyến với lễ khởi công của 80 dự án trên cả nước ở 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Đại lộ Nam sông Mã giai đoạn 2, đoạn từ phường Quảng Hưng đến hết địa phận phường Quảng Tâm thuộc công trình theo Nghị quyết số 38/2024/NQ-HĐND ngày 15/10/2024 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung của Nghị quyết số 303/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Thanh Hóa.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nhà thầu thi công ấn nút khởi công dự án.
Đây là công trình giao thông nhóm B, cấp II, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Thanh Hóa làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.442 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu Km5+792,36 tại phường Quảng Hưng, điểm cuối Km11+427,53 hết địa phận phường Quảng Tâm, chiều dài hơn 5,6 km bao gồm các hạng mục: Nền mặt đường, vỉa hè, hệ thống điện, hệ thống thoát nước, cấp nước, tuynel, cây xanh, thảm cỏ và 1 cầu qua sông Thống Nhất... dự kiến hoàn thành tháng 10/2026.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Dự án Đại lộ Nam sông Mã giai đoạn 2 sau khi hoàn thành đóng vai trò kết nối quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố. Tuyến đường sẽ liên kết hiệu quả với tuyến đường bộ ven biển và các trục giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, đồng thời mở rộng không gian phát triển đô thị.
Dự án có ý nghĩa chiến lược, cùng với các công trình lớn khác như cầu vượt đường sắt Bắc - Nam; Đại lộ Lê Lợi kéo dài và đại lộ Đông - Tây đang được triển khai, tạo nên hệ thống giao thông khép kín, kết nối từ Tây sang Đông, từ TP. Thanh Hóa đến TP. Sầm Sơn; tạo đà phát triển đô thị, tăng khả năng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để bảo đảm tiến độ và hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2026, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm yêu cầu TP. Thanh Hóa tập trung nguồn lực, bố trí kế hoạch vốn đáp ứng yêu cầu cho dự án. Đồng thời, tập trung chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định đầu tư xây dựng; tổ chức thi công đảm bảo chất lượng, mỹ thuật, tiến độ, an toàn vệ sinh môi trường, an toàn lao động.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Thanh Hóa yêu cầu nhà thầu thi công trong điều kiện dự án vừa thi công vừa khai thác sử dụng, nên trong quá trình thi công phải có các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến thuận lợi, an toàn và không ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Đồng thời, phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường khu vực, nhất là vào dịp cao điểm hè năm 2025.
Nhà thầu thi công dự án nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động nguồn lực, trang thiết bị tham gia thi công xây dựng đảm bảo tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, bảo vệ môi trường, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ đã đề ra, đảm bảo chất lượng công trình.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh phối hợp kịp thời với UBND TP. Thanh Hóa để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai dự án đúng tiến độ, không ảnh hưởng do việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhà thầu tập trung phương tiện sẵn sàng thi công dự án.
Để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới giao thông, đáp ứng nhu cầu khai thác, kết nối, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm yêu cầu UBND TP. Thanh Hóa phát huy tinh thần chủ động, tập trung nguồn lực, thực hiện dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn TP. Thanh Hóa theo danh mục đầu tư trong Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Trong đó tiếp tục thực hiện đầu tư hoàn thành mở rộng quy mô mặt đường Đại lộ Nam Sông Mã theo quy hoạch đối với đoạn còn lại để kết nối đồng bộ với đoạn tuyến thuộc địa phận TP. Sầm Sơn đang được đầu tư, đảm bảo hoàn thiện toàn tuyến Đại lộ Nam sông Mã từ TP. Thanh Hóa đi TP. Sầm Sơn theo quy hoạch.
Quỳnh Chi
Trong Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8) được Chính phủ phê duyệt ngày 15/4/2025, ước tính Việt Nam cần nguồn vốn kế hoạch và định hướng lên đến 266,3 tỷ USD để phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải trong 10 năm tới.