Thanh Hóa: Khơi thông nguồn vốn ngân hàng - doanh nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế
Chiều 5/6, UBND tỉnh Thanh Hóa và Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 phối hợp tổ chức Hội nghị khơi thông nguồn vốn ngân hàng - doanh nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 Trần Thế Hùng, Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện mở rộng mạng lưới các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại Khu vực 7 để phục vụ tốt hơn nhu cầu về tín dụng và dịch vụ ngân hàng đối với doanh nghiệp trên địa bàn.

Toàn cảnh hội nghị
Tính đến cuối tháng 5/2025 dư nợ trên toàn khu vực 7 đạt 594.798 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2024. Trong đó, riêng địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 237.767 tỷ đồng, tăng 7,03%. Nguồn vốn đã kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, như chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn dư nợ đạt 65.914 tỷ đồng; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 24.300 tỷ đồng; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ...

Đại diện Ngân hàng Agribank chi nhánh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến - chế tạo. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng lại đang đối mặt với áp lực kiểm soát rủi ro, nợ xấu và bảo đảm an toàn tín dụng. Việc kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp vẫn còn nhiều rào cản, thiếu thông tin và sự thấu hiểu lẫn nhau.
Tại hội nghị, đại diện các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp đã thảo luận làm rõ những khó khăn, "điểm nghẽn" về cơ chế, thủ tục hành chính... trong việc tiếp cận vốn vay, nhìn nhận đúng thực trạng về nguồn tín dụng. Đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Dưới sự chứng kiến của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã ký cam kết tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Hội nghị khơi thông nguồn vốn ngân hàng – doanh nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế là cơ hội để cùng nhau tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Việc tổ chức hội nghị một lần nữa khẳng định sự đồng hành không chỉ của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mà còn của các cấp chính quyền trong tỉnh cùng với cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ: Nếu các bên tiếp tục giữ khoảng cách, e ngại trách nhiệm, chậm đổi mới cách làm thì doanh nghiệp sẽ suy kiệt, ngân hàng cũng không thể phát triển lành mạnh và kinh tế địa phương sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 cần chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai có hiệu quả hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp và các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng cho doanh nghiệp của tỉnh.
Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao tính minh bạch trong quản trị tài chính, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Đồng thời, thay đổi tư duy tiếp cận tín dụng: không chờ vốn, mà phải chuẩn bị kỹ càng để "hấp thụ" vốn một cách hiệu quả.
Đồng thời, cũng đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp thành viên với chính quyền và các tổ chức tín dụng; thông qua các hoạt động tư vấn, đối thoại chính sách và kết nối thông tin để giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách tín dụng của Nhà nước.
Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tới cơ quan chức năng để kịp thời tháo gỡ; nghiên cứu, phối hợp với các tổ chức tín dụng tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hồ sơ vay vốn đạt yêu cầu, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh...

Cũng tại hội nghị, các tổ chức tin dụng, ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp đã trao ủng hộ Chương trình "Xóa nhà tạm, xóa nhà dột nát" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với tổng số tiền trên 100 tỷ đồng.

Từ 00h ngày 1/7, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu khi chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết 204 của Quốc hội chính thức có hiệu lực.