Thanh Hóa: Kích cầu, thúc đẩy hàng hóa lưu thông qua cảng Nghi Sơn
Để tạo sức hút đối với các hãng tàu, đơn vị logistics và doanh nghiệp thực hiện vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, nhằm trợ lực cho sự tăng tốc của Cảng biển Nghi Sơn, ngoài thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng cảng, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nghị quyết mới về hỗ trợ các hãng tàu, doanh nghiệp thực hiện vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn. Sự đột phá của chính sách được kỳ vọng sẽ tiếp tục "mở đường" cho hành trình khai thác tối đa năng lực vận hành cảng biển, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và các địa phương lân cận.
Theo đó, năm 2023, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu sẽ đạt khoảng 47,7 triệu tấn hàng hóa thông qua Cảng Nghi Sơn. Để đạt được mục tiêu này, ngoài sức hút từ chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 248/2022/HĐND về hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vận chuyển hàng hóa bằng Container qua Cảng Nghi Sơn, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN), Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, các đơn vị vận hành cảng cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho DN khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.
Sau 2 năm gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tình hình thế giới, những ngày đầu năm 2023, hàng vận tải CMA-CGM đã quay trở lại thực hiện dịch vụ vận tải tuyến Container qua Cảng Nghi Sơn. Ngày 13/1, chuyến tàu mang tên Cape Quest có trọng tải 25.000 tấn, tương đương 2.200 TEU của hãng tàu CMA-CGM đã cặp Cảng Nghi Sơn để vận chuyển 364 TEU đi Hồng Kông (Trung Quốc).
Đại diện hãng CMA-CGM cho biết: Đây là chuyến tàu có trọng tải lớn nhất từ trước đến nay của hãng thực hiện dịch vụ qua Cảng Nghi Sơn. Cùng với chính sách hấp dẫn khi được tăng mức hỗ trợ đối với phương tiện vận tải biển quốc tế qua Cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến, thì chính sách tăng mức hỗ trợ đối với các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu qua cảng cũng sẽ là một "điểm cộng" với Cảng Nghi Sơn. Hãng CMA-CGM cũng đã xây dựng lại lịch trình vận tải 1 tuần/lần qua Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn để bốc xếp hàng hóa.
Hiện nay, hệ thống Cảng Nghi Sơn đã được quy hoạch chi tiết gồm có 62 bến, trong đó có 10 bến container, 22 bến tổng hợp, còn lại là bến chuyên dùng, với công suất lưu chuyển hàng hóa dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm. Ngoài ra, còn có các khu vực phát triển kho xăng dầu, dịch vụ cảng, khu vực logistics… Được đầu tư, phát triển sau so với nhiều cảng biển quốc gia, Cảng biển Nghi Sơn đã khắc phục được những hạn chế về thiếu sự đồng bộ trong hạ tầng cảng.
Công ty TNHH Lê Hoàng Minh có trụ sở chính tại Bình Dương nhưng có nhà máy chế biến lâm sản tại tỉnh Nghệ An, trước kia vẫn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng Hải Phòng. Từ cuối năm 2022, được biết với chính sách hỗ trợ mới của tỉnh Thanh Hóa và cơ chế hỗ trợ thủ tục nhanh chóng qua Cảng Nghi Sơn, DN này đã "đổi hướng" tìm hiểu và đặt dịch vụ ngay từ chuyến cập cảng đầu tiên của hảng CMA-CGM với một khối lượng hàng hóa lớn.
Ông Lê Trọng Thức, Giám đốc Công ty TNHH Lê Hoàng Minh cho biết: Công ty có mặt hàng xuất khẩu chính là gỗ và sắn đi thị trườngTrung Quốc, Hàn Quốc. Tuy lần đầu tiên làm việc với hãng tàu mới và các thủ tục tại Cảng Nghi Sơn nhưng mọi việc diễn ra khá thuận lợi. Mặc dù chi phí vận tải qua Cảng Nghi Sơn vẫn còn cao hơn, nhưng DN đã được bù đắp một phần chênh lệch từ chính sách hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa. Ông Thức cũng cho biết, DN sẽ tiếp tục hợp tác và là khách hàng thường xuyên của Cảng Nghi Sơn trong thời gian tới.
Được biết, ngoài "lực" kích cầu từ chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 248/2022/HĐND của HĐND tỉnh Thanh Hóa, để thu hút DN xuất, nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn, ngay từ đầu năm, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn cũng đã tăng cường phối hợp với các đơn vị khai thác dịch vụ Cảng hỗ trợ các DN trong quá trình làm thủ tục hải quan, giải quyết các vướng mắc phát sinh, thực hiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để DN thông quan hàng hóa thuận lợi, nhanh chóng.
Ông Lê Hồng Phong, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, cho biết: "Cùng đồng hành hỗ trợ các hãng tàu, các DN tham gia phát triển dịch vụ tại Cảng Nghi Sơn, chúng tôi sẽ thực hiện đồng thời nhiều giải pháp để đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa và phục vụ kỊp thời nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Trong đó, đơn vị sẽ chú trọng nhóm giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, áp dụng phương thức điện tử để rút ngắn thời gian, giảm chi phí thủ tục hành chính, tăng cường cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục thông quan hàng hóa nhằm giảm chi phí lưu kho bãi, giải phóng container để các DN quay vòng đóng hàng hóa xuất nhập khẩu. Cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn cũng thực hiện làm việc 24/7 để đáp ứng nhanh nhất, kịp thời nhất thủ tục thông quan hàng hóa cho DN".
Sự chuyển biến rõ nét nữa là sau khi Nghị quyết số 248/NQ- HĐND về "Chính sách hỗ trợ các phương tiện vận chuyển hàng hóa bẳng Container qua Cảng Nghi Sơn" được ban hành, Ban Quản lý KKTNSCKCN cũng đã tổ chức nhiều giải pháp tuyên truyền, tổ chức hội nghị gặp gỡ, thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa các hãng tàu, các đơn vị vận hành cảng và các DN.
Để tháo gỡ "nút thắt" quan trọng về giá cước vận tải tàu biển hiện nay, Ban Quản lý KKTNS&CKCN tỉnh cũng đang kêu gọi các hãng tàu có lợi thế ở khu vực Đông Á cùng hợp tác, liên kết để hạ giá thành phí dịch vụ vận chuyển qua Cảng nhằm nâng cao sức cạnh tranh, thu hút thêm và duy trì bền vững hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn. Đồng thời, đơn vị cũng triển khai tới các phòng, ban liên quan về việc hỗ trợ các hãng tàu, các DN thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ nhanh chóng, thuận lợi nhất.
Với ông Phan Đào Vũ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn - đơn vị vận hành Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn, cho biết: Trước kia, các DN chưa mặn mà đưa hàng hóa về Cảng Nghi Sơn phần lớn do chi phí vận chuyển đường bộ cao. Với chính sách mới được ban hành, hỗ trợ 2-3 triệu đồng/ container được tính toán có thể bù đắp chi phí chênh lệch này.
Cùng với các hãng tàu cũng được nâng mức hỗ trợ lên 500 triệu đồng/chuyến và mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng với tàu Container nội địa 300 triệu đồng/chuyến, các hãng tàu sẽ có thể giảm giá cước cho các DN lựa chọn. Do đó, chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trong thu hút cả các hãng tàu và DN về với Cảng Nghi Sơn.
Cùng với hãng tàu CMA-CGM hoạt động trở lại, đầu năm 2023, Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn cũng đón nhận thêm hãng tàu VIMC thuốc Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam cập cảng. Ước tính của ông Vũ, chỉ tính riêng sản lượng hàng hóa container qua Cảng Nghi Sơn đã đạt con số khoảng 30.000 TEU, gấp 2 lần sản lượng hàng hóa mà CMA-CGM thực hiện năm 2021 - năm cao nhất kể từ khi đơn vị này đầu tư tuyến dịch vụ hàng hóa container qua Cảng Nghi Sơn.
Triều NguyệtTrong báo cáo mới cập nhật, SSI Research dự báo ngành hàng không Việt Nam trong năm 2025 dự kiến sẽ được tiếp sức mạnh mẽ nhờ ba yếu tố then chốt.