Thanh Hóa: Kiến tạo “nông thôn mới phồn thịnh, vững bền”
Sau hơn 10 năm quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu, Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng Nông thôn mới trên quê hương xứ Thanh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, là một trong những tỉnh điển hình tiên tiến của cả nước. Bức tranh thôn quê thay đổi tích cực với nhiều gam màu sáng, bình yên nhưng trù phú.
Mục tiêu cao nhất của Chương trình XD NTM giai đoạn 2021- 2025 là kiến tạo nông thôn thành những miền quê đáng sống, quyết tâm xóa bỏ những ngôi nhà tranh, tre, tạm bợ; những con đường đất lầy lội; những cánh đồng canh tác thô sơ, lạc hậu, manh mún, kém hiệu quả kinh tế... Thay vào đó là những ngôi nhà khang trang, từ đường lớn tới ngõ nhỏ, được mở rộng và thảm nhựa phẳng lì, xe ô tô chạy vào tận nhà; những cánh đồng nông nghiệp công nghệ cao (CNC) được ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa giúp tăng năng suất, chất lượng và giải phóng sức lao động; người nông dân đổi mới tư duy, tiếp cận công nghệ tân tiến, hiện đại, từ đó nâng cao đời sống vật chất tinh thần ấm no, hạnh phúc; hướng tới thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; xây dựng nông thôn thông minh... nhưng tình làng nghĩa xóm, sự gắn kết cộng đồng vẫn luôn bền chặt...
Phong trào thi đua "Cả nước chung sức XD NTM" được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo, khơi thức sức dân, phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh trên chính mảnh đất quê hương mình.
Đến nay, Thanh Hóa đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XD NTM; 363 xã và 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 23 xã, 480 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; xây dựng được 23 thôn thông minh. Nhiều huyện trên đà hoàn thiện xây dựng huyện NTM nâng cao. Xếp thứ 2 toàn quốc với 531 sản phẩm OCOP đã được công nhận, trong đó trên 60% là sản phẩm nông sản, thực phẩm.
Cùng với phát triển sản phẩm OCOP, Thanh Hóa đã chú trọng phát triển các chuỗi sản xuất. Hiện tại, toàn tỉnh có trên 80 doanh nghiệp, HTX mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng trăm đến hàng nghìn tấn nông sản các loại thông qua hệ thống siêu thị tổng hợp và các cửa hàng kinh doanh trên khắp cả nước. Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu gắn với các chương trình hội chợ thường niên cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương, xây dựng các chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm ở tất cả các huyện, thị xã và thành phố trong và ngoài tỉnh; trên các sàn thương mại điện tử được triển khai mạnh mẽ. Qua đó, giúp các chủ thể có nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ngay từ đầu năm 2024, Sở NN&PTNT Thanh Hóa chú trọng chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Công tác tích tụ ruộng đất để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng "Nông nghiệp CNC, thông minh" được đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ được trên 55.000 ha đất nông nghiệp. Nhờ đó, các vùng chuyên canh lớn trong sản xuất nông nghiệp đã hình thành, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi cây trồng, phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Đây là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại và là giải pháp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện tỉnh Thanh Hóa đã và đang có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào nông nghiệp CNC với nhiều mô hình hiện đại, trong đó huyện Thọ Xuân là một trong những đơn vị dẫn đầu về phát triển hệ sinh thái "Nông nghiệp xanh thông minh". Hoạt động trên các tiêu chí: Tự động hóa - Đơn giản hóa - Đồng bộ hóa - Chuyên nghiệp hóa và Xanh hóa.
Với niềm đam mê và quyết tâm làm ra nông sản sạch, anh Đỗ Văn Tùng - Chủ tịch Công ty CP Ứng dụng và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Điền Trạch (Điền Trạch Farm) đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng CNC vào trồng dưa Kim hoàng hậu. Mô hình không chỉ đem lại diện mạo, sức sống mới cho xứ Đồng Cạn, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, mà còn góp thêm một làn gió mới trong việc đổi mới tư duy, nhận thức trong phát triển nông nghiệp ở địa phương.
Anh Tùng chia sẻ: Với diện tích hơn 4ha, vườn dưa Điền Trạch farm chúng tôi đang cho sản lượng khoảng 170 tấn/năm, mang lại doanh thu khoảng 2 tỷ/năm. Hiện tại, công ty đang tạo việc làm cho gần 50 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 4-6 triệu/người/tháng.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp CNC, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm và là một trong những hướng đi đang được nhiều nông dân huyện Quảng Xương thực hiện có hiệu quả.
Phát huy những giá trị sẵn có từ cây rau má, anh Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (Queen Farm) đã dày công nghiên cứu, áp dụng công nghệ từ Nhật Bản trong sản xuất và chế biến trên 1 tấn rau má tươi/ngày, nâng tầm thành những sản phẩm có giá trị cao quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế.
Đây không chỉ là sản phẩm hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe, mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Thanh Hóa với bạn bè quốc tế, từng bước khẳng định thương hiệu "Cây rau má - Sâm của người Xứ Thanh", khẳng định đầu tư theo hướng nông nghiệp CNC là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại.
Tại huyện Triệu Sơn, từ trục đường chính dẫn vào xã, đến các con đường liên thôn, liên xóm đều được nhựa hóa, sạch sẽ, thoáng mát. Công tác tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt kết quả khá, từ đầu nhiệm kỳ đến nay huyện đã tích tụ được 962,5 ha. Nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng dưa, trồng rau trong nhà màng tại xã Minh Xuân, Thọ Dân... giá trị đạt 450-600 triệu đồng/1ha; mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng đào cảnh tại xã Hợp Lý, Thọ Tân, Vân Sơn giá trị bình quân đạt từ 800-1 tỷ đồng/1ha...
Không dừng lại ở đó, bức tranh XD NTM ở mỗi niềm quê còn được khắc họa thành công trong công tác chuyển đổi số. 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã được xử lý trên môi trường mạng, vượt so với mốc chỉ tiêu ban đầu là năm 2025. Việc xây dựng thôn thông minh, hướng đến mục tiêu NTM thông minh được xác định là một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số về nông nghiệp, nông thôn tại Thanh Hóa. Đây cũng là một chỉ tiêu để được công nhận xã NTM kiểu mẫu đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện.
Đến với thôn 4 - thôn thông minh đầu tiên của xã NTM kiểu mẫu Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, người dân sẽ thực sự ấn tượng không chỉ bởi cảnh quan nông thôn khang trang, sạch đẹp, mà còn ở mức độ lan tỏa số hóa rất nhanh theo hướng đồng bộ, hiện đại, văn minh với tỷ lệ sử dụng mạng wifi của các hộ dân đạt hơn 90%. Hệ thống camera an ninh phủ khắp thôn, từ trục đường chính đến từng hộ dân. Nhà văn hóa thôn rộng 50m2 được lắp đặt mạng wifi tốc độ cao phục vụ học tập, tra cứu thông tin, học hỏi mô hình làm ăn... Mọi thông tin có thể chuyển tải đến người dân qua nhóm Zalo.
Đây chỉ là một trong số nhiều điển hình tiên tiến trong bức tranh XD NTM trên quê hương xứ Thanh, hầu hết mỗi niềm quê đều toát lên sức sống mới, ngay cả những ngõ xóm vốn được xem là "heo hút" nhất cũng nhờ tinh thần XD NTM giờ đây đã khoác lên mình một diện mạo thật khác.
Phong trào hiến đất mở đường diễn ra khắp nơi, từ vùng đồng bằng đến các huyện niềm núi. Nhà nhà, người người nói về việc đóng góp được gì vào sự đổi thay của quê hương mình. Điển hình, tại huyện Thiệu Hóa, với phương châm "Dễ làm trước, khó làm sau", "Mở đến đâu làm đường mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn đến đó", sau 3 năm phát động phong trào "Nhân dân tham gia đóng góp nâng cấp mở rộng đường giao thông nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh". Toàn huyện đã vận động được trên 3.900 hộ dân hiến được trên 66.000m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Từ phong trào chung, ở khắp nơi đều xuất hiện những tấm gương không tiếc những "tấc vàng" vì sự phát triển chung của quê hương.
Phải nói, yếu tố quyết định sự thành công trong XD NTM là nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân. Không có 2 yếu tố đó mọi sự sẽ bất thành... Người đứng đầu phải làm tốt công tác định hướng, dẫn dắt, phải biết lắng nghe và cầu thị để thực hiện đúng, trúng nhiệm vụ đề ra; phải luôn đặt trong tâm thế làm thực chất, thụ hưởng thực chất, hiệu quả bền vững, làm sao để đưa mức sống của người dân quê tiệm cận với mức sống ở đô thị, tuyệt đối không chạy theo bệnh thành tích. Các thôn, cộng đồng dân cư phải là hạt nhân trong XD NTM.
Nhiều huyện trên địa bàn tỉnh đã đạt được những bước tiến vững chắc, diện mạo làng quê thay đổi từng ngày, nhân dân được thụ hưởng quả ngọt ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Hình ảnh những bác nông dân phấn khởi sau vụ mùa bội thu, những anh chị thanh niên với gương mặt hào sảng, thấm đẫm mồ hôi đang chơi bóng sau một ngày lao động, hay con đường làng thơm mùi lúa mới... càng làm cho bức tranh thôn quê bình yên, đáng sống.
Mục tiêu đến năm 2025, Thanh Hóa phấn đấu cơ bản hình thành được nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn CNC; xây dựng NTM phát triển bền vững với kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hợp lý; phát triển các hình thức sản xuất hiệu quả; trình độ dân trí văn minh; môi trường sinh thái được bảo vệ, các giá trị văn hóa ở nông thôn được giữ gìn và phát huy, thu nhập và đời sống của người dân ở nông thôn được nâng cao.
Những kết quả đạt được trong XD NTM thời gian qua một lần nữa khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Khi các doanh nghiệp, HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật CNC vào sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sinh kế bền vững cho người dân quê hồn hậu, chất phác; khi công nghệ số, chuyển đổi số về từng ngõ, thôn, xóm; ô tô chạy vào từng nhà; khi "Ý Đảng - lòng dân" cùng chung một nhịp thì khi đó NTM thực sự phồn thịnh, vững bền.
Yến HoàngĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.