Thanh Hóa là địa phương giải ngân vốn đầu tư công dẫn đầu cả nước

Địa phương
10:10 AM 15/07/2024

Tính đến cuối tháng 6/2024, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, đạt hơn 53% trong tổng 12.800 tỷ đồng kế hoạch vốn năm.

Năm 2024, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước của tỉnh Thanh Hóa được phê duyệt là 12.800 tỷ đồng. Đến ngày 17/6, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh đạt trên 5.350 tỷ đồng, bằng 41,7% kế hoạch, cao hơn 12,6% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đứng đầu cả nước, trong đó có vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là gần 4.036 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương là gần 1.168 tỷ đồng, vốn tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh hơn 149 tỷ đồng.

Thanh Hóa là địa phương giải ngân vốn đầu tư công dẫn đầu cả nước- Ảnh 1.

Lãnh đạo huyện Thiệu Hóa kiểm tra tiến độ các tuyến đường giao thông trên địa bàn.

Trong số 35 chủ đầu tư, Thanh Hóa có 7 chủ đầu tư, địa phương giải ngân đạt 100% hoặc xấp xỉ đạt 100% kế hoạch vốn; có 50 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch (chiếm 29,9% tổng số dự án), với số vốn là trên 398 tỷ đồng.

Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, trong 6 tháng cuối năm, toàn tỉnh phải giải ngân hết hơn 7.483 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng giải ngân là hơn 1.247 tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với 6 tháng đầu năm, đây là khối lượng rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành và các chủ đầu tư. 

Ông Đoàn Văn Phú, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư công trình giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết: Về công tác giải phóng mặt bằng, Ban phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đôn đốc, sớm bàn giao mặt bằng cho thực hiện dự án, rà soát ký cam kết với từng đơn vị thi công liên quan đến tiến độ giải ngân, đăng ký theo hàng tuần hàng tháng để đảm bảo được kế hoạch giải ngân đã đề ra, rà soát kiểm tra khả năng những đơn vị nhà thầu không đảm bảo khả năng giải ngân sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh kinh phí mà không đảm bảo giải ngân cho các dự án đảm bảo tiến độ giải ngân.

Có được những kết quả như trên là nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng được đổi mới, quyết liệt và hiệu quả.

Đối với các dự án có tính kết nối liên vùng, có tính động lực và sức lan tỏa rộng, tỉnh Thanh Hóa đã phân bổ vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên; việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công được các chủ đầu tư quan tâm thực hiện, bảo đảm hiệu quả và tuân thủ quy định.

Để phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2024, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết liệt chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, các Ban quản lý dự án cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện.

Đồng thời, theo UBND tỉnh Thanh Hóa, các chủ đầu tư cần tập trung giải quyết "nút thắt" để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Những năm gần đây, Thanh Hóa luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Điều này cùng với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm sẽ là động lực quan trọng để các ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm 2024.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Việt Nam có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 2 thập kỷ Việt Nam có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 2 thập kỷ

Theo báo cáo từ Economist Intelligence Unit (EIU), môi trường kinh doanh của Việt Nam đã chứng kiến sự cải thiện mạnh nhất trong giai đoạn 2003-2023, với điểm đánh giá đạt 1,3 điểm, cao nhất trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ được nghiên cứu.