Thanh Hóa: Lan tỏa nhiều mô hình giúp dân thoát nghèo

Địa phương
11:20 AM 15/12/2022

Với khẩu hiệu "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", thời gian qua, Bộ đội Biên phòng ở khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa tích cực đi đầu trong công tác an sinh xã hội, hết lòng giúp đỡ, chăm lo đời sống của nhân dân các dân tộc.

Việc phân công đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả cao, vừa giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vừa củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó tình quân dân.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ BĐBP xã Yên Khương, huyện Lang Chánh đã kiên trì bám dân, bám thôn, bản chủ động tìm cách làm, mô hình sản xuất mới để phát triển kinh tế - xã hội  và "chuyển giao"cho đồng bào ở biên giới.

Tấm chân tình ấp áp

Thanh Hóa: Lan tỏa nhiều mô hình giúp dân thoát nghèo - Ảnh 1.

Cán bộ Đồn biên phòng Yên Khương trao quà động viên gia đình chị Lò Thị Mai, bản Xắng Hằng, xã Yên Khương.

Chị Lò Thị Mai (30 tuổi), ở bản Xắng Hằng, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh không giấu được niềm vui và xúc động, bởi vào đúng thời điểm mùa đông lạnh giá, Đại úy Vũ Ngọc Minh, Đội trưởng Trinh sát Đồn Biên phòng Yên Khương trao tặng 2 con chị những bộ quần áo ấm, anh còn tận tay đeo giày cho từng cháu.

Chị Mai nghẹn ngào: "Cảm ơn các bác, các chú cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương nhiều lắm, mùa rét năm nay vợ chồng cháu không phải lo các con bị lạnh nữa". Chị Mai kể: Năm 2022, chị và anh Lò Văn Bảo cưới nhau, sau một năm thì sinh bé gái đầu lòng, 2 vợ chồng động viên nhau chịu khó làm ăn để cuộc sống gia đình ổn định. Thế nhưng khó khăn ập đến khi chị sinh con trai thứ 2 được mấy tháng, con ốm nặng và bị bại não. Thương con, vợ chồng chị cố gắng vay mượn chạy chữa, song bệnh tình của con vẫn không khỏi.

Từ khi con bị bệnh, gia đình chỉ trông vào thu nhập từ việc làm thuê của anh Bảo. Cũng là lao động chính, nhưng ngày nào chị cũng phải ngồi một chỗ trông con. Không có người bên cạnh là cháu quấy, khóc.

Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình chị, cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương cùng chính quyền xã đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền, gạo, vật nuôi. Các anh còn vận động thêm các mạnh thường quân giúp đỡ để gia đình chị  giảm bớt khó khăn.

Hay như trường hợp gia đình ông Hà Văn Dự (62 tuổi) ở bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Trước đây, gia đình ông Dự là hộ có hoàn cảnh hết sức khó khăn, 2 ông bà phải nuôi 2 cháu mồ côi cả cha và mẹ. Ông Dự cho biết, năm 2017, căn bệnh ung thư đã cướp đi sinh mệnh của cả hai vợ chồng con trai, để lại cho ông bà 2 cháu nội đang tuổi ăn, tuổi học. Đứa lớn khi đấy học cấp 2 đã bỏ học đi làm thuê, đứa nhỏ chập chững vào lớp 1.

Thanh Hóa: Lan tỏa nhiều mô hình giúp dân thoát nghèo - Ảnh 2.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Chung hỗ trợ con vịt giống cho gia đình ông Hà Văn Dự, người dân bản Lát, xã Tam Chung để ông vươn lên thoát nghèo

Cùng lúc chăm lo cho 2 cháu, vừa duy trì cuộc sống gia đình, với ông Dự là vượt quá sức mình. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Dự, những chiến sĩ quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng Tam Chung đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cây giống, con giống, giúp gia đình ông Dự đào ao thả cá.

Sinh sống trên vùng đồi núi, đất đai không thiếu, song gia đình ông Dự lại thiếu vốn, thiếu kiến thức và định hướng chăn nuôi, trồng trọt. Nút thắt "thoát nghèo" của ông được tháo gỡ khi BĐBP Thanh Hóa thực hiện chủ trương đưa đảng viên về cơ sở phụ trách hộ gia đình ở biên giới.

Gia định ông Dự đã được trao con bò giống sinh sản, đàn vịt giống bản địa, nguồn vốn từ quỹ tăng gia của đơn vị, từ cán bộ biên phòng vận động quyên góp. Trong khuôn viên 1,5ha đất nông nghiệp, các chiến sĩ hiến kế cho ông đào ao thả cá, kết hợp chăn nuôi gà, vịt. BĐBP còn vận động các công ty đang thi công xây dựng trên địa bàn hỗ trợ đào cho gia đình ông Dự 2 ao nuôi cá có diện tích hơn 500m2.

Theo ông Dự, từ khi được cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Tam Chung giúp đỡ, đến nay gia đình ông đã thoát nghèo, có đời sống ổn định. Hàng năm gia đình ông có thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng, yên tâm nuôi 2 cháu mô côi ăn học nên người.

Gia đình nào khó khăn thì hỗ trợ trước

Trung tá Bàn Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Yên Khương cho biết: Địa bàn đơn vị phụ trách thuộc diện khó khăn, người dân sinh sống ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, chiếm tới 98%. Hệ thống cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đường sá đi lại khó khăn, diện tích đất canh tác ít do bị thiên tai tàn phá, trình độ dân trí không đồng đều. Tỉ lệ hộ nghèo của xã những năm trước còn cao, mặt bằng chung về đời sống của bà con Nhân dân còn nhiều khó khăn, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn như gia đình chị Lò Thị Mai khá phổ biến.

Thanh Hóa: Lan tỏa nhiều mô hình giúp dân thoát nghèo - Ảnh 3.

Cán bộ Đồn biên phòng Tam Chung hướng dẫn người dân trên địa bàn biên giới kỹ thuật nuôi cá cho năng suất cao

Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát để có phương án hỗ trợ, giúp đỡ và định hướng phát triển kinh tế cho bà con, với phương châm gia đình nào khó khăn hơn thì hỗ trợ trước, để không có trường hợp nào bị bỏ lại phía sau.

Căn cứ chỉ đạo của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, về việc phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới, đơn vị đã phát động, kêu gọi cán bộ, đảng viên hàng tháng trích kinh phí gây quỹ tham gia ủng hộ Nhân dân. Sau khi có nguồn kinh phí, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để tổ chức thực hiện việc hỗ trợ cây, con giống cho bà con.

Nhiệm vụ của các đảng viên phụ trách là phối hợp với các hộ gia đình chăm sóc con giống, cây giống đạt chất lượng, hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế. Nhờ đó, trong nhiều năm qua, cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương đã giúp đỡ được nhiều hộ dân vùng biên phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo, thoát nghèo.

Thượng tá Lê Văn Long, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Với lịch sử gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, những việc làm của cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng chúng tôi đều xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm, mong muốn sẻ chia với cuộc sống còn nhiều khó khăn của bà con trên địa bàn. Chính vì thế, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, vất vã, song chúng tôi luôn có sự góp sức, đồng lòng của đồng bào các dân tộc vùng biên.

Mặt khác, với phương châm "giúp đồng bào cũng chính là giúp mình", toàn lực lượng BĐBP ra sức giúp dân đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế, nâng cao trình độ dân trí, góp phần cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới. Đây là nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, giữ vững trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc biên giới quốc gia. 

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã có nhiều phương pháp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con từ phương thức canh tác, nuôi trồng đến vệ sinh xóm bản, phối hợp với chính quyền, nhân dân ở địa phương xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng hạ tầng thôn, bản, đồng bộ hóa và từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới các xã vùng biên. Mô hình trên của BĐBP Thanh Hóa có sức lan tỏa và hiệu lớn, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

                     

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Điện Biên: Trưng bày bộ ảnh quý tại “Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ” Điện Biên: Trưng bày bộ ảnh quý tại “Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”

Tại “Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Cục Điện ảnh sẽ giới thiệu và trưng bày một số ảnh tư liệu về đoàn làm phim tài liệu và nhiếp ảnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tại sảnh Rạp chiếu phim Điện Biên Phủ; đồng thời, trao tặng Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ bộ ảnh tư liệu này.