Thanh Hóa: Làng nghề dệt chiếu cói Nga Sơn

Doanh nghiệp - Doanh nhân
03:01 PM 26/08/2020

Chiếu cói Nga Sơn là sản phẩm thủ công nổi danh xưa nay của vùng Nga Sơn, Thanh Hóa. Những chiếc chiếu biểu trưng cho niềm hạnh phúc của những đôi lứa yêu nhau đã được lưu truyền qua bao đời, bao thế hệ trên khắp mọi miền của đất nước.

Được biết đến là vùng đất nằm sát biển, cách thành phố Thanh Hoá 40km về hướng Ðông Bắc. Nga Sơn với 8 xã nằm dọc bờ biển là một vùng triều màu mỡ, ngoài trồng sú vẹt, mảnh đất này chỉ trồng được một loại cây duy nhất là cói, dệt nên chiếu Nga Sơn - niềm kiêu hãnh của vùng quê này.

Thân xanh mỡ, tròn thon từ gốc, nửa trên đến ngọn vuốt thành ba cạnh, búp hoa chụm chúm xanh. Rễ cây chằng chịt bám vào đất, kết thành khối, gió sóng không thể đánh bật. Triều dâng, cây ngập chìm lút trong nước. Biển cạn, mênh mông phù sa và lấm tấm màu cây xanh, suốt dọc từ cửa sông Càn đến cửa lạch Sung. Cây mọc lẫn trong cỏ, trong sậy hoang.

Cái đẹp quyến rũ của chiếu Nga Sơn ấy là sự mềm mại, óng mượt. Cói Nga Sơn nổi tiếng là sợi nhỏ, dai, óng mượt. Ðiều đặc biệt ít có nơi nào có thể trồng được loại cói dài như ở vùng này, loại cói chuyên dùng để dệt nên những tấm chiếu vừa đẹp lại vừa bền. Nga Sơn có thể tạo nên nhiều chủng loại chiếu. Tính vượt trội ấy khó có nơi nào theo kịp.

Thanh Hóa: Làng nghề dệt chiếu cói Nga Sơn - Ảnh 1.

Những người thợ đang dệt nên chiếc chiếu cói Nga Sơn.

 Cây cói được trồng bằng mầm, người ta thường gọi là mống cói. Đất được làm nhuyễn, sạch cỏ. Mùa xuống mống cói được cắm xuống đất ướt, mưa ướt sẽ kích thích mống cói bén rễ, đâm chồi lớn nhanh. Chỉ sau dăm sáu tháng, cây cói đã vượt ngang tầm tay người. Từng lứa mầm vẫn tiếp tục đâm chồi, vươn lên; sau một vài vụ, cây cói đã đứng chân kín khít mặt ruộng. Năm hai vụ chiêm, mùa. Chiêm, cắt cói tháng năm. Mùa, thu hoạch tháng mười.

Vào mùa thu hoạch, người đất cói dùng liềm cói (một loại liềm lưỡi dài cực sắc, cổ cong, cán chắc, thợ rèn giỏi làm đặt cho từng gia đình), cắt cói sát mặt ruộng. Giữ, đon, xén gánh, toàn những việc nặng nhọc.

Cây cói được chẻ đôi, từ con dao chẻ tay trước kia và nay là bàn chẻ, máy chẻ. Cây cói được chẻ đôi đều tắp, không được lạng ngọn (phần cuối cây cói bị vát). Cồn cát và nắng nóng là sân phơi tốt nhất. Sau vài ba nắng, sợi cói khô hẳn, người ta ủ cói ngay trên sân phơi, khi nắng chiều còn gay gắt, để sợi cói giữ nguyên màu nắng, không ẩm.

Những đụn cói hàng chục tấn cói khô được ủ kỹ trong bổi (bổi là cói loại, được phơi kỹ). Cói có thể được cất giữ hàng năm, chờ đến tay thợ dệt chiếu, hoặc được giá là xuất bán.

Dệt chiếu bằng đôi tay thủ công là truyền thống của nghề này. Đây cũng là dịp để người thợ thủ công Nga Sơn thể hiện hết tài hoa trên từng tấm cói. Song các hộ dân ở huyện Nghi Sơn tâm huyết với nghề chiếu cói vẫn luôn bền bỉ mắc go, dệt chiếu và không quên nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với sản phẩm nhập từ khắp mọi nơi.

Trước yêu cầu đó, hai người thợ Nga Liên, một trong 8 làng nghề truyền thống đã mày mò, sáng chế ra chiếc máy dệt chiếu đầu tiên. Chiếu dệt mát đẹp, sợi cói đều tăm tắp, lại nhẹ nhàng hơn nhiều và nhanh. Thay vì 3 giờ người dệt thủ công mới dệt được một chiếu, thì chỉ mất 45 phút, máy cho ra một chiếu. 

Ngoài việc tiết kiệm nhân lực, dệt máy còn khiến lá chiếu đều và đẹp hơn rất nhiều. Trong mỗi gia đình nông dân làm cói nếu dệt thủ công mỗi ngày bình quân được 4-5 lá chiếu trong khi chưa kể họ làm những việc khác trong thời gian làm chiếu dẫn đến năng suất bị giảm đi.

Từ cói Nga Sơn đã tạo nên nhiều sản phẩm hấp dẫn khác: chiếu du lịch hai gấp, ba gấp, bốn gấp tiện lợi, giỏ đựng hoa quả, làn, bình hộp có nắp, đệm... kiểu dáng thanh thoát, trẻ trung. Trong số bạn hàng, Nhật Bản tỏ ra sốt sắng với sản phẩm cói. Từ nhiều năm trước doanh nghiệp Nhật đã đến Nga Sơn, liên hệ chặt chẽ với trên 50 doanh nghiệp cói xuất khẩu của 8 xã ven biển. Giờ đây chiếu cói Nga Sơn đã có hành lang thương mại rộng rãi đến với nhiều quốc gia.

Hiện nay chiếu Nga Sơn đang có những bước đi vững chắc cố gắng sử dụng tối đa những tiềm năng: vốn, thị trường, chính sách, nguyên liệu... Tuy nhiên trong điều kiện đất nước ta có nhiều làng nghề chiếu có lịch sử lâu đời thì việc tạo lợi thế cạnh tranh là một vấn đề hết sức cần thiết đòi hỏi phải có những hướng đi đúng đắn phù hợp, tiếp thu một cách có chọn lọc để sản phẩm quê mình ngày càng hoàn thiện nhưng phải giữ gìn bí quyết để chiếu Nga Sơn không bị trộn lẫn với các sản phẩm chiếu của nơi khác.

Xuân Quý - Lê Thủy
Ý kiến của bạn
Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình: Tái hiện lịch sử hào hùng của Thủ đô Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình: Tái hiện lịch sử hào hùng của Thủ đô

Nhân kỷ dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024) và kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”, sáng 6/10, thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức “Ngày hội văn hóa vì hòa bình”.